Chuột khổng lồ 'hút tài lộc' - chủ nuôi kiếm 66 triệu/tháng 'ngon ơ'
Không phải chó, mèo hay chim chóc, chuột lang nước (Capybara) mới thật sự là thú cưng “hot” nhất trên toàn cầu trong thời gian gần đây. Những mặt hàng ăn theo Capybara luôn được săn đón cuồng nhiệt, từ phụ kiện, đồ gia dụng cho đến sản phẩm thời trang.
Đặc biệt, nhiều quán cà phê thú cưng còn bổ sung Capybara vào danh sách thú nuôi trong cửa hàng, thu hút rất đông giới trẻ và trẻ em ghé thăm.
Tháng 4/2024, một quán cà phê mèo tại Thiên Hà, Quảng Châu, Trung Quốc đã biến những chú chuột lang nước Capybara trở thành ngôi sao. An Sơn - chủ cửa hàng là một Genz nên đã nắm bắt rất nhanh trào lưu Capybara.
Vốn là một người yêu động vật, An Sơn có rất nhiều kinh nghiệm nuôi thú cưng. Anh từng mở một trang trại nuôi cừu, công, lạc đà alpaca và nhiều động vật khác. Cà phê thú cưng có Capybara chính là thành quả khởi nghiệp của anh sau này.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, các cửa hàng với chủ đề thú cưng đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, sự phổ biến này cũng tạo ra sự cạnh tranh lớn. Vì vậy, khi bắt đầu kinh doanh, An Sơn hy vọng tạo ra những hoạt động khác biệt, xây dựng một cửa hàng trải nghiệm theo chủ đề “thú cưng kỳ lạ”.
Theo đó, An Sơn đã chọn Capybara và cầy Meerkat - 2 loài động vật nổi tiếng trên mạng làm “thú cưng kỳ lạ” cho quán cà phê của mình. Anh cho biết, Capybara tuy có kích thước khổng lồ nhưng rất hiền lành và di chuyển chậm, đặc biệt phù hợp để nuôi trong nhà. Hình ảnh điềm đạm và dễ thương của chúng cũng rất được lòng khách hàng. Còn cầy Meerkat - nguyên mẫu của nhân vật hoạt hình Disney nổi tiếng “Timon” cũng rất được yêu thích nhờ vẻ ngoài dễ thương, lém lỉnh.
Tính đến nay, dù chỉ mới mở cửa được nửa năm nhưng quán cà phê có Capybara và cầy Meerket của An Sơn đã trở nên nổi tiếng với những người yêu thú cưng trong khu vực. Trung bình mỗi ngày sẽ có 30 khách đến “check-in”. Trong ngày lễ, số lượng khách có thể lên đến 100 người.
Hiện tại, An Sơn bán vé vào cửa với mức phí 48 NDT (158.000đ)/người cho khách hàng. Ngoài ra, anh cũng cung cấp một số dịch vụ trả phí như cho thú cưng ăn, đồng thời bán đồ uống và sản phẩm liên quan đến thú cưng trong cửa hàng, giúp nâng cao trải nghiệm cho khách.
Đồng thời, để tiết kiệm chi phí vận hành, An Sơn và gia đình đã tự học hỏi kiến thức chăm sóc thú cưng. Họ có thể tự mình giải quyết các công việc chăm sóc hàng ngày như tiêm chủng và điều trị phần lớn các bệnh vặt hoặc vết thương nhẹ.
Với khoản đầu tư chưa đầy 300.000 NDT (989 triệu đồng), cửa hàng của An Sơn đã sắp có lợi nhuận sau sáu tháng với mức thu nhập hàng tháng đạt hơn 20.000 NDT (65,9 triệu đồng).
Hiện tại, một số quán cà phê thú cưng ở Việt Nam (tại Đà Lạt, TP.HCM) cũng đã bổ sung Capybara vào danh sách thú cưng trong cửa hàng, giá vé vào cửa chỉ từ 100.000 đồng/khách.
Hương Nguyễn (Theo weixin.qq)