1. Kinh doanh

Chuỗi kinh doanh ẩm thực: Rình rang khai trương, âm thầm đóng cửa

Lặng lẽ rời “sân chơi”

Vào năm 2014, nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh “khai sinh” The Coffee House với triết lý xoay quanh chi tiết, tạo không gian trải nghiệm đủ tiện ích và chi phí hợp lý, bên cạnh chất lượng phục vụ. The Coffee House chú ý rất kỹ tới cách bài trí cửa hàng, từ chiều cao của bàn ghế, tất cả đều phải đúng kích thước tiêu chuẩn… The Coffee House lớn nhanh như thổi. Sau 4 năm, chuỗi này chính thức vượt mốc 100 cửa hàng, điều mà chuỗi thương hiệu cà phê Starbucks mất 10 năm mới làm được ở Việt Nam.

Một cửa hàng kinh doanh F&B tại phường 14, quận Gò Vấp (TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Tuy nhiên, dân trong nghề khá bất ngờ khi tháng 2-2021, CEO kiêm nhà sáng lập chuỗi The Coffee House đăng tải trên trang cá nhân thông báo chia tay nơi ông đã dành hơn 6 năm xây dựng. Thời điểm ông Ninh rời đi, The Coffee House là tên tuổi nằm tốp đầu thị trường chuỗi cà phê Việt Nam, vận hành khoảng 180 cửa hàng trên toàn quốc. Kể từ đó, The Coffee House bắt đầu thể hiện sự thụt lùi, không giữ vững vị trí trước sự nổi lên của hàng loạt tên tuổi mới trong ngành F&B đầy khắc nghiệt. Năm 2024, The Coffee House đã đóng hơn 30 cửa hàng tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM. Đến nay, chuỗi này còn 93 cửa hàng trên toàn quốc.

Cuối năm 2024, chuỗi cà phê “nghĩ điên làm chất” Monkey in Black gắn với tên tuổi chuyên gia khởi nghiệp Trần Thanh Tùng (thường gọi Tùng BT) tuyên bố đóng chi nhánh cuối cùng trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TPHCM) đã tồn tại hơn 10 năm. Monkey in Black từng có 4 quán cà phê tại TPHCM nhưng thu hẹp dần và hiện đã đóng cửa vì không còn hợp thời, lợi nhuận thấp. Tùng BT chia sẻ: “Lĩnh vực này quá khó, biên lợi nhuận mỏng so với các lĩnh vực khác”. Cách đó không lâu, vào tháng 5-2024, trà sữa Âm 18 độ C thông báo đóng cửa sau 19 năm hoạt động đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”, bởi đây là thương hiệu trà sữa thanh xuân của một số người.

Trước đó, chuỗi nhà hàng Món Huế gần 12 năm tuổi đã đóng cửa toàn bộ chi nhánh và thông báo ngưng bán, trả mặt bằng do nợ lương nhân viên và quá hạn thanh toán cho nhiều nhà cung cấp. Nhà hàng Món Huế đầu tiên ra đời vào năm 2007. Thương hiệu này đã từng có mặt tại TPHCM, Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nội, với khoảng 77 nhà hàng. Món Huế nằm trong hệ sinh thái ẩm thực của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Phở Ông Hùng, Great Bánh mì & cafa, Cơm Thố Cháy, Phở 99, Iki sushi, Shilla Korean BBQ Restaurant… Huy Việt Nam do ông Huy Nhật và bà Trần Thị Thanh Tâm đồng sáng lập năm 2006.

Sớm thay đổi

Câu chuyện các thương hiệu F&B nội, ngoại khai thác thị trường Việt Nam qua các chương trình quảng bá rình rang lúc mới đến, rồi một thời gian sau đó ngậm ngùi, lặng lẽ rút lui vì thua lỗ, không phải là ít. Không riêng gì những trường hợp nêu trên, mà đây là bài học chung cho những thương hiệu lâu năm trong ngành F&B trước sức ép cạnh tranh như hiện nay.

Để tránh nguy cơ đào thải, DN phải “lột xác” sau quá trình “già cỗi”. Ở góc độ lãnh đạo một DN nội địa lâu năm trong ngành F&B, chuyên chế biến các món ăn vặt từ trái cây sấy, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, bày tỏ mối băn khoăn cho các thương hiệu lâu năm đang gặp áp lực lớn khi tất cả các kênh phân phối mới bùng nổ. Nhiều nơi trước đây là những điểm bán hàng trực tiếp, hiện báo động vì hàng hóa không bán được. Việc này đã diễn ra trong những năm 2023-2024, nhưng đến nay càng khốc liệt hơn. Do đó, các thương hiệu lâu năm phải thay đổi khi thị trường, người tiêu dùng ngày nay đã và đang thay đổi lối sống, xu hướng mua hàng online bùng nổ.

Chủ một DN lâu năm khác trong ngành F&B, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), chia sẻ, để trụ vững và có bước tiến trên thị trường đầy sức cạnh tranh này, DN phải không ngừng đổi mới sáng tạo, nhất là đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, để cho ra những sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu, tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng.

Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty TNHH FnB Director, khẳng định, mở rộng kinh doanh F&B không chỉ là tăng số lượng cửa hàng, mà còn đòi hỏi nền tảng vững chắc về vận hành, tài chính và nhân sự. DN cần đánh giá kỹ lưỡng cơ hội thị trường, không chỉ dựa vào cảm tính hay dữ liệu bề nổi, mà phải phân tích nhu cầu chưa được đáp ứng, mức độ cạnh tranh và lợi thế của mình. Năm 2025, kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi mạnh nhờ nhu cầu trải nghiệm ẩm thực, du lịch… tăng cao.

Tuy nhiên, DN cũng đối mặt với chi phí vận hành leo thang và cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu trong và ngoài nước. Thay vì mở rộng ào ạt, có thể cân nhắc chiến lược mở rộng bằng Pop-up Store (cửa hàng, hay một không gian bán hàng tạm thời, nhằm thử nghiệm bán tại một khu vực nhất định) để kiểm thử thị trường, kinh doanh với hình thức nhượng quyền, và quan trọng là không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng.

ĐỨC TRUNG

Tin khác