Chứng khoán hôm nay ngày 27/10: Nhận định thị trường và phân tích, định giá, khuyến nghị cổ phiếu TLG
Nhận định thị trường chứng khoán hôm nay ngày 27/10
Công ty cổ phần chứng khoán Đà Nẵng (DSC) nhận định chỉ số VN-Index đóng cửa tại 993.4 điểm (-0.44% DoD), mẫu nến điều chỉnh nhẹ nhàng có yếu tố “rút chân” tương đối thể hiện sự tích lũy nhưng không phản ánh thực trạng vận động.
Theo DSC, điều khá bất ngờ khi dòng tiền hoàn toàn bình tĩnh, không có động thái hưng phấn sau một phiên thanh khoản tham gia tốt và kéo trần ở rất nhiều cổ phiếu. Vận động này thể hiện tâm lý giao dịch trong trạng thái vô cùng cẩn trọng và lượng cung tiền tham gia trên thị trường đang co hẹp dần, đặc biệt sau thông tin về lãi suất gia tăng. Nhà đầu tư cần phải làm quen dần với mức thanh khoản trên và có thể sẽ giảm đi trong thời gian tới.
Hiện nay thị trường giao dịch tại một vùng trũng thứ 2 trong kịch bản tạo đáy kép. Tuy nhiên, động lượng thanh khoản có xu hướng giảm dần rất khó để thị trường có vận động tích cực. Quan điểm mua từ nhóm đầu tư giá trị với tỷ trọng tiền mặt dồi dào vẫn luôn hiện hữu khi thị trường rơi vào vùng định giá thấp. Còn đối với dòng tiền ngắn hạn đặt nặng quản trị rủi ro hướng tới vùng kháng cự ngắn hạn quanh vùng 1.030 điểm (đường tín hiệu Ma10) và kháng cự xu hướng tại 1.070 điểm.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI), chỉ số VN-Index đang ở dạng cây nến đỏ thân ngắn đi kèm thanh khoản tiếp tục suy giảm về mức thấp kỷ lục cho thấy dòng tiền đang quá yếu. Vùng kháng cự ngắn tâm lý quanh 1.000 điểm tiếp tục làm khó thị trường trong hai phiên trở lại đây. Các cổ phiếu vẫn duy trì được sự phân hóa nhất định với một số cổ phiếu chịu sức ép giảm mạnh.
"Chúng tôi cho rằng sự phân hóa của các cổ phiếu sẽ có khả năng thu hẹp trong phiên ngày 27/10 và và áp lực bán có thể lớn hơn. Quá trình tạo đáy của thị trường hiện vẫn gặp nhiều khó khăn và điều cần nhất lúc này là sự cải thiện của dòng tiền", TVSI nhận định.
Theo quan điểm của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), sau một phiên hồi phục tích cực từ vùng đáy 962-965, chỉ số có một phiên test cung thanh khoản thấp với vùng hỗ trợ gần được đặt quanh 980 (+-5). Mặc dù cơ hội mở rộng nhịp hồi phục vẫn hiện hữu, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua áp lực rung lắc trong các phiên tiếp theo trước áp lực của ngưỡng cản tâm lý quanh 100x.
"Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn", KBSV khuyến nghị.
Định giá và khuyến nghị mua cổ phiếu TLG với giá mục tiêu 85.743 đồng/cổ phiếu
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) phân tích, định giá và khuyến nghị mua cổ phiếu TLG của Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long với giá mục tiêu là 85.743 đồng/cổ phiếu.
FSC công bố báo cáo định giá lần đầu cho TLG với khuyến nghị mua với tỷ suất sinh lời kỳ vọng 50.2%. FSC cho rằng, sau khi tái cơ cấu hệ thống bán hàng và danh mục sản phẩm, TLG đạt mức tăng trưởng mới về cả doanh thu lẫn lợi nhuận và cổ phiếu TLG đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn.
TLG đã công bố doanh thu lũy kế 8T/2022 là hơn 2.500 tỷ đồng (tăng 48% YoY), lợi nhuận sau thuế đạt 396 tỷ đồng (tăng 137% YoY). Như vậy, TLG đã hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu và 41% kế hoạch lợi nhuận.
Doanh thu 8T/2022 của TLG tăng mạnh nhờ nhu cầu hồi phục tại tất cả các dòng sản phẩm như bút viết, văn phòng phẩm, dụng cụ học sinh, dụng cụ mỹ thuật. Trong đó, doanh thu xuất khẩu khả quan với 600 tỷ đồng (+58% YoY). Biên lãi gộp cải thiện lên mức 44.1% (cùng kỳ 41.4%) nhờ giá hạt nhựa đầu vào giảm so với cùng kỳ (giá hạt nhựa chiếm khoảng 18% giá vốn hàng bán).
Giá hạt nhựa Polypropylene đã giảm 14% từ mức đỉnh tháng 3 vì nhu cầu từ Trung Quốc giảm do phong tỏa nhiều thành phố vì Covid, đồng thời quốc gia này cũng dỡ bỏ thuế chống bán phá giá lên hạt nhựa nhập khẩu nên làm giảm giá thị trường. Bên cạnh đó, nguồn cung hạt độn canxi cacbonat dồi dào khiến nguồn cung hạt nhựa cũng không bị thiếu hụt như các hàng hóa khác. Các yếu tố này sẽ tiếp tục giúp giá hạt nhựa duy trì mức thấp, qua đó hỗ trợ biên lợi nhuận TLG.
Do đang xây dựng nhà máy mới nên tổng nợ vay TLG cuối Quý II tăng lên mức 233 tỷ đồng (+26% YTD; +4% YoY). Tuy nhiên, cơ cấu tài chính TLG khá lành mạnh khi tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cuối QII/2022 ở mức khá thấp, khoảng 0.12x. Tổng vay nợ tương đương 29% tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
TLG đã tái cơ cấu hệ thống phân phối và R&D danh mục sản phẩm mới với phân khúc cao hơn giúp nâng cao doanh thu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Tỷ trọng doanh thu lớn nhất của TLG là bút viết với thương hiệu bút viết Thiên Long chiếm 60% thị phần. Do đó, doanh thu bút viết gặp khó khăn về tăng trưởng trong giai đoạn từ năm 2021 trở về trước do thị phần nắm giữ đã khá lớn. TLG phải tìm kiếm động lực tăng trưởng ở kênh xuất khẩu và mảng văn phòng phẩm, tuy nhiên, mảng này vấp phải sự cạnh tranh lớn từ đối thủ nước ngoài. TLG đã thực hiện nhiều chiến dịch tái định vị cho hầu hết các thương hiệu (ColorKit, Thiên Long, Bizner,..) và mang về hiệu quả rất tích cực trong năm 2022. TLG cho biết đã nâng cấp các thương hiệu sản phẩm bút viết lên các dòng sản phẩm cao cấp hơn, về cả thiết kế lẫn chất lượng nét chữ, giúp giá bán tốt hơn. Mặc dù áp lực lạm phát tăng cao, việc tăng chi tiêu từ 2,000-3,000 đồng cho 1 cây bút lên 7,000-10,000 cho 1 cây bút có mẫu mã và nét chữ đẹp hơn vẫn không làm người tiêu dùng e dè. Điều này một phần đến từ thay đổi xu hướng tiêu dùng của người Việt trẻ hiện nay. Mảng văn phòng phẩm cũng được áp dụng chiến lược tương tự. Kết quả 6T/2022 khá tích cực với doanh thu mảng bút viết và văn phòng phẩm ước tính đạt lần lượt 771 tỷ đồng và 659 tỷ đồng, đều tăng 31.7% YoY.
Đối với doanh thu xuất khẩu, TLG sẽ tập trung hơn vào mảng văn phòng phẩm, cơ cấu xuất khẩu gồm 50% hàng thương hiệu của Thiên Long và 50% gia công (OEM) cho các đối tác. Động lực tăng trưởng kênh xuất khẩu do các yếu tố sau: Giá rẻ hơn các đối thủ trong khu vực, doanh nghiệp có lợi thế về chi phí sản xuất/1 sản phẩm là rất thấp so với các đối thủ; TLG mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác, bên cạnh các thị trường chủ lực hiện nay là Đông Nam Á (Phillipines, Malaysia, Campuchia,..); OEM (sản xuất thiết bị gốc) sản phẩm cho đối tác nước ngoài tăng lên nhờ lợi thế về chi phí sản xuất thấp và tự chủ nguyên vật liệu (trừ đầu bút và hạt nhựa).
Trong 8T/2022, doanh thu xuất khẩu của TLG đạt 600 tỷ đồng (+58% YoY), tăng trưởng mạnh so với doanh thu nội địa, đạt 1,900 tỷ đồng (+45% YoY). Bên cạnh đó, hiệu quả quản trị doanh nghiệp cũng được cải thiện, TLG đã áp dụng hệ thống SAP4HANA và Warehouse Management từ cuối 2021 giúp chi phí quản lí doanh nghiệp trong 6T/2022 chỉ tăng nhẹ 2% YoY, thấp hơn tốc độ tăng doanh thu. Tỷ lệ chi phí quản lý/doanh thu giảm xuống mức 8.1% trong 6T/2022 (cùng kỳ 10.4%, cả năm 2021 là 11%). TLG nâng cấp hệ thống SAP4HAN mới đã được đưa vào sử dụng từ Q3/2022, kì vọng sẽ đưa tỷ lệ chi phí quản lý/doanh thu xuống mức 6-7% trong các năm tới.
Được biết, Dự án mở rộng nhà máy Thiên Long Long Thành đã được khởi công xây dựng từ giữa tháng 3/2022. Khu vực mở rộng B2 có kết cấu 5 tầng cùng các công trình phụ trợ với tổng diện tích xây dựng khoảng 10,000m2, giá trị đầu tư khoảng 230 tỷ đồng, tổng diện tích của nhà máy sẽ được nâng lên 28.450m2. Nhà máy sẽ tập trung vào các sản phẩm OEM, keo dính và các dòng sản phẩm mới có thiết kế bắt mắt. Tổng diện tích nhà máy là 5 tầng trong đó 3 tầng cho các đơn hàng, còn lại 2 tầng dự phòng để TLG mở rộng công suất cho các đơn hàng OEM lớn hơn trong tương lai. Với công suất mở rộng này, TLG kì vọng có thể đảm bảo đủ năng lực sản xuất và tăng trưởng đến năm 2027. Ước tính nhà máy mới sẽ giúp TLG gia tăng công suất hiện tại thêm 25% và có thể giúp doanh thu TLG có thể tăng thêm khoảng 20-30%. TLG được kỳ vọng sẽ nâng doanh thu và lợi nhuận lên mức nền cao mới từ 2023.
Trong khi đó, cổ tức cao đều đặn và định giá cổ phiếu cũng hấp dẫn so với lịch sử và dự phóng 2022-2023. TLG duy trì cổ tức tiền mặt đều qua nhiều năm. Từ năm 2019 đến nay, TLG luôn chia cổ tức hàng năm với tỷ lệ 20-25%, trong đó 10-15% là cổ tức tiền mặt. Trong 3 năm gần nhất, TLG chỉ trả cổ tức bằng tiền mặt. Do đó, có thể kỳ vọng TLG sẽ tiếp tục trả các mức cổ tức cao hơn từ 2023 sau khi lợi nhuận công ty đạt mức nền cao mới. Tỷ lệ trả cổ tức tiền hàng năm của TLG là khoảng 40%-60% lợi nhuận sau thuế mỗi năm. TLG lên kế hoạch cổ tức cho năm 2022 là 30% mệnh giá, nếu trả bằng tiền mặt như năm 2021, TLG ước tính sẽ chi 233 tỷ đồng cho cổ tức, tương đương 35% lợi nhuận sau thuế dự phóng 2022F. Theo đó, kỳ vọng TLG có thể sẽ trả mức cổ tức cao hơn 30% như kế hoạch cho năm 2022, kỳ vọng hợp lý là 40%-50% cổ tức tiền mặt cho năm 2022.
TLG đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 11.1 lần, trên một chút so với mức trung bình 2 năm - 1SD là 10.1 lần. Lịch sử cho thấy kể từ 2019 (năm TLG đạt đỉnh doanh thu và lợi nhuận, đồng thời phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu gây pha loãng EPS), cổ phiếu TLG biến động ổn định ở vùng P/E trung bình -2SD đến mức P/E trung bình 2 năm, tương ứng 8.x-14.x lần. Theo đó, trên quan điểm thận trọng, FSC sẽ áp dụng mức PE trung bình -1SD là 10.1 lần để định giá TLG.
Theo đó, mức dự phóng 12 tháng tới cho cổ phiếu TLG là 85.743 đồng/cổ phiếu, tương đương mức P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt là 10.1x và 8.3x. FSC cho rằng tại mức giá mục tiêu này, cổ phiếu TLG vẫn còn sức hấp dẫn trong các tháng cuối năm 2022 khi thị trường bắt đầu nhìn sang triển vọng 2023 của doanh nghiệp. Mức dự phóng cho TLG là 85.743 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng +62.09% so với giá đóng cửa ngày 24/10/2022.
Tuy nhiên, cổ phiếu TLG vẫn có những rủi ro như: Giá hạt nhựa đầu vào biến động; Cạnh tranh từ mảng văn phòng phẩm và dụng cụ mỹ thuật; Rủi ro lạm phát ảnh hưởng giảm nhu cầu.
PV