1. Kinh doanh

Chuẩn bị hành trang khởi nghiệp

Ngày 3-11, Khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang (TP HCM) tổ chức workshop "Khởi nghiệp - Khởi đầu địa phương, tư duy toàn cầu" nhằm tạo điều kiện cho sinh viên chuẩn bị hành trang vững chắc trong lĩnh vực khởi nghiệp với sự tham gia của khoảng 1.000 sinh viên.

Là diễn giả chương trình, PGS-TS Trần Hữu Đức, đồng sáng lập Công ty CP Hành trình đích thực (BETTER LIVING Life Coaching & Training), nhận xét thế hệ sinh viên ngày nay rất giỏi, năng động, cơ hội thành công trong tương lai là rất lớn.

Dù vậy, trong lĩnh vực khởi nghiệp, các thống kê cho thấy có đến hơn 95% là thất bại. Vì vậy, người khởi nghiệp cần chuẩn bị kỹ để dự án lọt vào gần 5% còn lại.

Ông Đức cho hay khi khởi nghiệp thường "khởi đầu địa phương", sử dụng tài nguyên bản địa cũng như tài nguyên của cá nhân (năng khiếu, đam mê), đồng thời xác định điều gì là quý nhất cho bản thân để định hướng việc khởi nghiệp.

Về tư duy toàn cầu, PGS-TS Trần Hữu Đức cho rằng cần lắng nghe người nước ngoài nói về người Việt Nam như thế nào, đâu là ưu điểm. Ông gợi ý lĩnh vực Việt Nam rất có thế mạnh là dịch vụ, chăm sóc khách hàng. Điều này lý giải vì sao trong ngành làm nail trên thế giới, các chủ người Việt rất thành công.

Các diễn giả tại chương trình. Ảnh: AN NA

Kể về hành trình 4 lần khởi nghiệp và hiện cũng tiếp tục khởi nghiệp của mình, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dh Foods (Dh Foods), cho biết đã rút ra rất nhiều bài học. Khởi nghiệp rất vất vả nên quan trọng nhất là phải chọn đúng lĩnh vực mà mình đam mê thì mới có đủ năng lượng vượt qua thử thách.

Ông Dũng đã trải qua 2 lần "cạn kiệt năng lượng", phải bán công ty của mình hoặc nghỉ việc ở công ty lớn, thu nhập rất cao để tự làm mới bản thân. Theo ông, khi xây dựng công ty phải đối xử tốt với cổ đông và đồng nghiệp, nhân viên để mọi người đồng lòng phát triển doanh nghiệp. Khách hàng nên được xem là khách quý, chứ không chỉ là "thượng đế" như mọi người vẫn nói.

"Tôi khuyên các bạn sinh viên khi còn đi học nên tranh thủ học một cách vui vẻ, đừng lãng phí thời gian để có hành trang vững chắc vào đời" - ông Dũng bày tỏ.

Trong khi đó, ông Lê Đình Lực, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành DOL Đình Lực English, cho rằng người trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn khi ra trường, như: đi làm, khởi nghiệp ngay hay tiếp quản cơ nghiệp gia đình. "Nếu khởi nghiệp, hãy cứ làm thật tốt công việc của mình, tạo ra giá trị cho xã hội thì thành công sẽ đến sau đó. Kinh nghiệm của chúng tôi là phải xây dựng nền móng thật vững chắc trước khi mở rộng" - ông nhấn mạnh.

Ngọc Ánh

Tin khác