1. Kinh doanh

Chợ điện tử đưa sản phẩm OCOP vươn xa

OCOP "lên sàn"

Anh Trịnh Phương Nam (xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) đang là chủ thể của một sản phẩm đạt OCOP 3 sao và dự kiến phát triển thêm 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP trong năm 2024. Để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, anh Nam tập trung bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

“Hiện nay, kênh tiêu thụ chính của tôi là qua các chợ thương mại điện tử lớn. Thông tin về các dòng sản phẩm được công bố rõ ràng, cụ thể để khách hàng tìm hiểu, kiểm tra. Tôi cũng thường livestream về quy trình sản xuất để tạo dựng thêm niềm tin”- anh Nam cho hay.

Các sàn thương mại điện tử là nơi tiêu thụ sản phẩm chủ lực của anh TrịnhPhương Nam.

Theo anh Nam, việc bán hàng trên các chợ điện tử giúp anh dễ tiếp cận với khách hàng ở khắp mọi miền đất nước. Ngoài kho hàng ở Quảng Ngãi và TP Hồ Chí Minh, anh dự kiến mở thêm kho hàng ở Hà Nội để rút ngắn thời gian giao hàng ở khách ở khu vực phía Bắc.

Tại miền núi Quảng Ngãi, bên cạnh xuất hiện trong hệ thống siêu thị, cửa hàng truyền thống, sản phẩm OCOP từ ớt xiêm rừng của huyện Sơn Hà cũng đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử và được tiêu thụ rộng rãi khắp nơi.

Hình ảnh sản phẩm từ ớt xiêm rừng Sơn Hà trên một sàn thương mại điện tử.

“Là người trực tiếp tham gia vào việc tạo ra các sản phẩm từ ớt xiêm rừng, tôi thấy rằng để sản phẩm đứng vững trên thị trường thì phải có thương hiệu. Tạo được thương hiệu đã khó mà giữ được thương hiệu lại càng khó hơn. Vì vậy, không thể hài lòng với những thành quả đã đạt được, mà phải luôn sáng tạo, đổi mới”- chị Đinh Thị Nga (thành viên HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà) bày tỏ.

Đòn bẩy để nâng tầm sản phẩm OCOP

Sau 5 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, Quảng Ngãi đã có 204 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Xác định Chương trình OCOP chính là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, Quảng Ngãi có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm phát triển bền vững sản phẩm này.

Quảng Ngãi đã có 204 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.

Trong đó, sàn thương mại điện tử đang là phương thức tiêu thụ hàng hóa hiệu quả giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, đây được xem là đòn bẩy quan trọng giúp sản phẩm OCOP, khởi nghiệp, đặc trưng phát triển, tiếp cận với thị trường nhanh chóng.

Quảng Ngãi đã có gần 700 sản phẩm đăng ký trên sàn thương mại điện tử của tỉnh và quốc gia. Trong số đó có 134 sản phẩm OCOP, 79 sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, còn lại là các sản phẩm liên kết ngoài tỉnh.

Xác định việc triển khai những hoạt động bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số đang là xu thế đảm bảo duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường phối hợp với ngành chức năng để kết nối các sàn thương mại điện tử nhằm đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương "lên sàn".

Sản phẩm ổi đạt OCOP 3 sao ở huyện Mộ Đức đã được cấp mã QR.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Thanh Nguyệt, cho biết: "Để hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, Quảng Ngãi đã triển khai nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, tham gia các hội chợ, mở các lớp tập huấn để hỗ trợ chủ thể cách đăng ký mã QR, mã vạch, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, rất nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến và tin dùng".

Theo bà Nguyệt, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan để hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cấp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; quảng cáo bán lẻ sản phẩm nông nghiệp qua sàn thương mại điện tử nội địa và quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại.

Các hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP được triển khai đa dạng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trong môi trường số cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh; tập huấn cách thức đăng ký tài khoản bán hàng, tài khoản gian hàng, hoạt động trên sàn thương mại điện tử để giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững.

Hà Phương

Tin khác