Chia sẻ bí quyết khởi nghiệp ở tuổi không còn trẻ, với số vốn 0 đồng
Tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Tự tin khởi nghiệp cùng các CEO thành công” do Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, Trường đại học Nguyễn Tất Thành và Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 30/10, các doanh nhân đã có những chia sẻ thú vị về việc khởi nghiệp khi tuổi không còn trẻ, không có vốn trong tay, thậm chí còn trong tình trạng nợ “ngập đầu”.
Áp lực lớn khi khởi nghiệp lúc “xế chiều”
Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), Chủ tịch Hệ sinh thái AB Lê Thành, cho biết: Có hai dạng khởi nghiệp là khởi nghiệp khi còn trẻ, khi mới ra trường; và khởi nghiệp sau một thời gian đi làm, đã tích lũy số vốn và kinh nghiệm nhất định.
Khởi nghiệp khi trẻ, chưa có kinh nghiệm, tuy “ngựa non háu đá” nhưng lại dễ, không bị quá áp lực, vừa làm vừa học hỏi, thất bại thì làm lại.
Còn khởi nghiệp khi đã có kinh nghiệm và ở độ tuổi nhất định thì sẽ chịu nhiều áp lực hơn. “Khi đó, người khởi nghiệp không có đường lui, bắt buộc phải thành công; nếu không thì gia đình, đồng nghiệp, họ hàng sẽ coi thường”, ông Nghĩa trải lòng.
Đồng quan điểm, bà Ngô Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Fujiwa Việt Nam cho rằng: Thời 10-15 năm trước, khởi nghiệp dễ hơn bây giờ. Khi đó, sự cạnh tranh ít hơn, công nghệ chưa phát triển, làm lâu là có thị trường, có khách hàng.
Tuy nhiên, hiện nay “người khôn của khó”, mọi người đều giỏi, có nhiều cách học tập, vì thế muốn khởi nghiệp thành công thì mình phải rất xuất sắc.
“Tôi có 20 năm theo ngành quảng cáo, khi khởi nghiệp đã ở tuổi trung niên, vất vả vô cùng. Thất bại cũng nhiều, nhất là phải cạnh tranh với nhiều “đại gia” đã quá nổi tiếng trong cùng ngành.
Tôi từng thất bại nhiều, nhưng cuối cùng, nhờ bình tâm, không nản chí mà sau 5 năm tôi cũng đã thành công với thương hiệu nước Fujiwa hiện nay”, bà Thủy chia sẻ.
Còn ông Đỗ Hữu Thanh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty may Sư Tử Vàng thì tiết lộ lý do khởi nghiệp vì nợ 100 cây vàng.
Khi đó, hoàn cảnh không thể đi làm thuê để lấy tiền trả nợ hằng tháng, ông Thanh từng định đi chạy xe ôm để trả nợ.
Rất may, nhờ được một người bạn giúp đỡ, ông đã khởi nghiệp với nghề may mặc. Với số vốn vay mượn 14 triệu đồng, ông Thanh quyết định mua một chiếc xe máy Wave Alpha làm hành trang lập nghiệp.
Không có văn phòng riêng, ông Thanh phải ra quán cà-phê làm việc. Sau đó, nhờ nắm bắt xu hướng (trend) của Google, tháng đầu tiên ông Thanh kiếm được 32 triệu, tháng thứ hai kiếm được 50-60 triệu.
Từ việc công ty chỉ có 1 người, ông Thanh thuê được 12 nhân sự trong năm đầu. Năm thứ hai mở được xưởng riêng và năm thứ 4 thì trả nợ hết 100 cây vàng.
Cầu tiến, kỹ năng mềm tốt
Trước thắc mắc của nhiều bạn trẻ về việc muốn khởi nghiệp nhưng không có tiền, ông Lê Hữu Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm gây dựng Hệ sinh thái AB Lê Thành với số vốn 10 triệu đồng có được từ tiền đi dạy thêm thời sinh viên.
“Tôi xây dựng công ty ban đầu năm 2001, chỉ với 3 nhân sự. Ban đầu tôi làm thầu, sau đó mở cơ sở làm cửa sắt. Khi có chút vốn liếng, tôi “đánh liều” mua đất rồi phân lô bán nền…
Ông Nghĩa cho rằng: Chỉ 2% số người khởi nghiệp thành công. Ngay bản thân Hệ sinh thái AB Lê Thành từng có thời gian đứng trên bờ vực suýt phá sản, phải cắt giảm 50% nhân sự khi chỉ sau một đêm bị ngân hàng “đóng băng”, âm 100 tỷ đồng, có dự án còn lỗ 10 triệu USD.
Tuy nhiên, nhờ nỗ lực, cuối cùng Lê Thành vẫn vực dậy và có được vị thế như ngày nay. Vì thế, ông Nghĩa nhắn nhủ với các bạn trẻ đang ấp ủ khởi nghiệp: Nên đi làm thuê ít nhất 5 năm để tích lũy vốn, kinh nghiệm rồi mới hãy nghĩ đến việc khởi nghiệp; đừng hành động theo kiểu “ngựa non háu đá” khi không có gì trong tay”.
Bà Thủy thì cho biết: Để khởi nghiệp khi trong tay không có tiền, điều quan trọng là phải tạo dựng được niềm tin với đối tác, khách hàng.
Khi đưa dòng nước I-on kiềm Fujiwa ra thị trường, nhiều người thắc mắc sao giá bán lại cao so với các thương hiệu khác, nhưng bà vẫn kiên định.
Trong hai năm dịch bệnh Covid-19, không bán được hàng, công ty tưởng chừng phá sản.
Tuy nhiên, sau đó, Fujiwa may mắn có được đơn hàng lớn với một công ty dược, trị giá 42 tỷ đồng, sau 3 ngày đàm phán. “Sau khi tham quan nhà máy Fujiwa, nhờ sản phẩm có mẫu mã bắt mắt và chất lượng tốt, phía đối tác chấp nhận ký hợp đồng và thanh toán trước luôn 50% giá trị hợp đồng.
Đây là một kỳ tích với công ty chúng tôi”, bà Thủy trải lòng.
Ông Đỗ Hữu Thanh chia sẻ: Không nhất thiết phải khởi nghiệp mới chứng tỏ mình là người thành công, mà có thể lựa chọn trở thành một người quản lý giỏi, một chuyên gia giỏi.
“Thái độ quan trọng hơn trình độ. Khi bạn có thái độ tốt, kỹ năng mềm tốt, giỏi công nghệ, chịu khó học hỏi thì bạn sẽ được cất nhắc lên làm quản lý mà không cần khởi nghiệp”, ông Thanh lưu ý.
Còn theo bà Thủy, một trong những bí quyết của khởi nghiệp thành công là phải có một người đồng hành, một “chiến hữu” tốt.
Bà Thủy nhấn mạnh: “Nếu chưa thực sự giỏi thì nên tìm người giỏi để đi bên cạnh và học hỏi. Khi đó, bạn sẽ tích lũy được nhiều kiến thức và dễ thành công hơn”.