1. Kinh doanh

Chàng trai ngồi gõ code trong ngày cưới của chính mình

Nhiều người cho rằng nhà sáng lập đã đặt công việc lên trên mọi thứ, kể cả đám cưới của mình. Ảnh: LinkedIn.

Gần đây, bức ảnh một nhà sáng lập start-up làm việc ngay tại đám cưới của mình đã trở thành tâm điểm tranh cãi trên các mạng xã hội. Casey Mackrell, đồng sáng lập công ty AI Thoughtly, là nhân vật chính của câu chuyện.

Bức ảnh do đồng sáng lập Torrey Leonard đăng tải lên LinkedIn đã nhanh chóng thu hút hàng trăm bình luận, từ ngưỡng mộ cho đến phẫn nộ. Có người xem đó là biểu tượng cho sự cống hiến của các nhà sáng lập startup, nhưng cũng có người lên án “hustle culture” (văn hóa làm việc quên mình) - nơi ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân bị xóa nhòa.

Sự thật đằng sau tấm ảnh gây tranh cãi

Trong bức ảnh nổi tiếng, Mackrell đang mặc bộ đồ cưới chỉn chu nhưng bận chăm chú vào chiếc laptop, trong khi xung quanh là bạn bè và gia đình đang nhảy nhót vui vẻ.

“Người bạn đồng sáng lập Casey của tôi nổi tiếng là ‘anh chàng ngồi cùng chiếc laptop trong tất cả quán bar’ từ SF đến NYC”, Leornard viết trong bài đăng.

Nhà đồng sáng lập cho biết tuần trước, Thoughtly vừa ký kết với một khách hàng cần triển khai trong 2 tuần và Casey tình cờ tổ chức đám cưới trong khoảng thời gian đó. "Vậy nên đây là anh ấy, đang hoàn tất một yêu cầu đề xuất thay đổi code (pull request) ngay tại lễ cưới của mình. Xin chúc mừng Casey. Còn bây giờ, xin hãy nghỉ ngơi một chút”, trích nội dung bài đăng.

Bài đăng của Leonard gây tranh cãi trên LinkedIn.

Trên thực tế, câu chuyện rất đơn giản. Leonard giải thích rằng Mackrell mất chưa đến một phút để đẩy một đoạn mã quan trọng lên máy chủ.

"Anh ấy chỉ đăng nhập, nhấn một nút và thế là xong. Trong lúc đó, mọi người xung quanh đều đang cười”, Leonard giải thích với TechCrunch.

Dù Leonard khẳng định việc này không quá nghiêm trọng, hình ảnh Mackrell cặm cụi làm việc giữa ngày vui trọng đại của đời mình đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.

Trên LinkedIn, không ít người ca ngợi tinh thần trách nhiệm của Mackrell dành cho công việc. "Tinh thần 'founder mode' của anh ấy thật đáng nể”, một người dùng bình luận.

Tuy nhiên, nhiều người lại bày tỏ sự lo ngại về cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Họ cho rằng Mackrell đã đặt công việc lên trên mọi thứ, kể cả đám cưới của mình.

Paul Graham, một trong những nhà sáng lập Y Combinator, từng đưa ra khái niệm "founder mode" (chế độ nhà sáng lập) và "manager mode" (chế độ nhà quản lý). Theo Graham, những người sáng lập công ty khởi nghiệp cần phải dấn thân sâu vào mọi khía cạnh của công ty và không ngại hy sinh thời gian cá nhân.

Chỉ khi công ty phát triển đến một mức độ nhất định, họ mới có thể chuyển sang "manager mode" - giao phó công việc cho người khác. Hình ảnh của Mackrell tại lễ cưới là minh chứng sống cho tinh thần "founder mode".

Một số nhà sáng lập khác và các nhà đầu tư trong ngành công nghệ xem hành động của Casey là biểu hiện cho sự cống hiến. Nó rất cần thiết để thành công trong môi trường startup đầy cạnh tranh.

Leonard tiết lộ rằng anh đã nhận được hàng nghìn tin nhắn ủng hộ từ các nhà sáng lập, nhà đầu tư khác trên khắp thế giới, thậm chí từ những CEO của các tập đoàn Fortune 500. “Đối với những ai làm trong ngành, đây không phải là điều bất thường. Họ nói rằng ‘Đi thôi, tôi đứng về phía bạn’”, Leonard chia sẻ với TechCrunch.

"Founder mode" và cái giá của sự thành công

Dù vậy, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Trên Reddit và các nền tảng khác, bức ảnh của Mackrell đã bị chỉ trích nặng nề. Một người dùng Reddit bình luận: "Nếu công ty của bạn buộc bạn phải làm việc trong ngày cưới, đó không phải là một công ty tốt”.

"Thật đáng buồn khi một người phải làm việc ngay trong đám cưới của mình. Đây không phải là điều để tự hào”, trích bình luận trên LinkedIn. Trên X (trước đây là Twitter), một người dùng còn mỉa mai: "Thế mà anh ta không hoãn cả đám cưới luôn à? Người thực sự làm việc chăm chỉ đã hủy cưới từ lúc ký hợp đồng rồi".

Với họ, sự việc này không chỉ dừng lại ở bức ảnh hay câu chuyện về một nhà sáng lập quá đam mê công việc. Nó phản ánh “hustle culture" - văn hóa làm việc quá sức - đang ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của nhiều người. Trong ngành công nghệ, đặc biệt là ở các startup, việc làm việc liên tục, thậm chí trong những khoảnh khắc quý giá của cuộc đời, không phải là điều hiếm gặp.

Chủ rể Casey Mackrell cùng vợ. Ảnh: LinkedIn, Instagram.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra làm việc quá tải không những không mang lại hiệu quả cao hơn, mà còn gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất. Theo một khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), làm việc trên 55 giờ/tuần có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cao hơn.

Một số người cho rằng việc Mackrell phải làm việc ngay trong đám cưới của mình cho thấy sự yếu kém trong cơ cấu tổ chức của công ty. "Nếu một công ty không thể vận hành mà không có một người trong vài phút, đó là dấu hiệu của sự quản lý kém”, một người dùng bình luận.

Tuy nhiên, Leonard lại cho rằng điều này chỉ đơn giản là một phần trách nhiệm dành cho công việc mà Mackrell đã chọn. "Chúng tôi làm việc trong một lĩnh vực đòi hỏi cao và mỗi khách hàng của chúng tôi đều phụ thuộc vào chúng tôi hoạt động 24/7 mà không có bất kỳ trục trặc nào", Leonard giải thích.

Nhà đồng sáng lập cho biết nếu một vấn đề phát sinh mà chỉ có một người trong công ty có thể giải quyết, họ phải lựa chọn giữa việc không hoàn thành cam kết với khách hàng hoặc hoàn tất nhiệm vụ. “Và chúng tôi luôn chọn phương án sau”, ông nói với News.com.au.

Leonard thừa nhận rằng văn hóa làm việc này không dành cho mọi người. “Là những người sáng lập, tất nhiên chúng tôi mang tâm thế khác khi làm việc. Chúng tôi đang cố gắng tạo ra điều lớn lao và điều đó không thể đạt được trong 40 giờ làm việc/tuần. Một lần nữa, nó không dành cho tất cả và ở đây không có sự phán xét nào cả. Đó chỉ là những gì chúng tôi làm”, nhà đồng sáng lập kết luận.

Hiện tại, Mackrell đang trong kỳ nghỉ tuần trăng mật với vợ. Leonard khẳng định rằng vợ của Mackrell hoàn toàn hiểu và chấp nhận tính cách của anh. "Cô ấy đã hẹn hò với anh ấy nhiều năm và đã quen với việc Casey rút laptop ra tại bữa tối ở nhà hàng. Đối với cô ấy, đó là con người của Casey và cô ấy chấp nhận điều đó”, Leonard nói.

Bản thân chú rể thậm chí còn bình luận trên bài đăng trên LinkedIn: “Đừng lo, tôi đã quay lại nhảy và uống champagne chỉ 2 giây sau đó”.

Thúy Liên

Tin khác