1. Kinh doanh

CEO Trần Lê Quỳnh Diễm: Nâng tầm dược liệu hữu cơ trên vùng gò đồi Cam Lộ

Trần Lê Quỳnh Diễm (áo dài đỏ) ký Biên bản hợp tác ghi nhớ với nhà phân phối tại Chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại Việt Nam với Lào và Thái Lan năm 2022.

Bén duyên dược liệu từ mong ước của mẹ

Sinh ra ở Vĩnh Linh và làm dâu Cam Lộ gần 30 năm, cũng chừng ấy năm công tác trong cơ quan nhà nước, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương, nhưng bà Lê Hồng Nhạn “tự nguyện khép lại sự nghiệp giấy tờ”, dành trọn thời gian cho cây cà gai leo bởi các căn bệnh ở độ tuổi trung niên.

Cho đến năm 2021, cô con gái đầu lòng của bà Nhạn là Trần Lê Quỳnh Diễm quyết định cùng mẹ thực hiện “niềm đam mê dược liệu” tại quê nhà, sau khi lấy bằng cử nhân kinh tế và có một vài năm làm việc tại TP.HCM để lấy kinh nghiệm.

Đó cũng là giai đoạn Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân ra đời. “Lấy tên là An Xuân vì mẹ tôi bảo rằng, thương hiệu mang tên An Xuân với mong muốn mang đến cho mọi người sức khỏe an lành và mãi mãi tuổi thanh xuân”, Trần Lê Quỳnh Diễm, Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân chia sẻ.

Thành lập doanh nghiệp thì dễ, song để duy trì và phát triển lại là câu chuyện khác. Quỳnh Diễm cho biết, việc trồng các loại cây dược liệu không hề đơn giản khi phát triển với quy mô lớn đi kèm quy trình kiểm soát chất lượng gắt gao. Đơn cử, với cây cà gai leo, dù bám rễ, vươn lên tốt trên mảnh đất Quảng Trị, nhưng do chưa có kinh nghiệm trồng cây dược liệu, nên chi phí ban đầu An Xuân phải bỏ ra rất lớn.

“Nhớ lại thời điểm đó, hai mẹ con gặp không ít khó khăn. Giai đoạn đầu không đủ kinh nghiệm, sản lượng cho ra quá thấp, ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của khách hàng, hai mẹ con áp lực như muốn sụp đổ. Nhưng lại cố gắng gồng gánh, chúng tôi tiếp tục tìm tòi, thử nghiệm quy trình sản xuất để cho ra một sản phẩm hoàn thiện, vừa đảm bảo chất lượng, vừa tối ưu chi phí. Những giọt mồ hôi cuối cùng cũng được bù đắp, ngày ra mắt sản phẩm nườm nượp những chuyến xe từ trong và ngoài tỉnh đổ về, thương hiệu An Xuân vươn lên từ đó”, Quỳnh Diễm chia sẻ.

Từ diện tích 5 ha thử nghiệm ban đầu, Diễm đẩy mạnh liên kết với các hợp tác xã, bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số Bru - Vân Kiều (dân tộc thiểu số phổ biến ở vùng núi Quảng Trị) để hướng dẫn canh tác dược liệu, mở rộng vùng trồng và thu mua sản xuất. Tính đến cuối năm 2024, diện tích vùng trồng đạt 18,5 ha. Dù con số chưa lớn, nhưng Diễm tin rằng, đây là sự mở đầu đầy lạc quan cho An Xuân nói riêng và vùng gò đồi Cam Lộ của miền “đất thép” Quảng Trị nói chung.

Phát triển bền vững ở vùng gò đồi nhiều nắng gió

Với một doanh nghiệp khởi nghiệp, lại là “tay ngang” bước vào lĩnh vực mới, nhưng Quỳnh Diễm và đội ngũ An Xuân xác định, thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị), cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp vươn xa.

Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân đang liên kết với nhiều hộ dân tại địa phương trồng cây dược liệu, chủ yếu là cà gai leo và chè vằng. Toàn bộ dược liệu trồng tuân thủ quy trình sẽ được Công ty thu mua chế biến.

“Chúng tôi liên kết và mong muốn có nguồn nguyên liệu chế biến đạt chuẩn với năng suất, hiệu quả kinh tế cao, nhằm nâng cao chất lượng đời sống người nông dân. Tuy nhiên, điều làm tôi lo lắng là đất đang có dấu hiệu thoái hóa, bạc màu. Nếu không cải tạo đất đúng quy trình, thì năng suất, chất lượng cây dược liệu đều giảm, sẽ khó mà duy trì vùng trồng ”, Quỳnh Diễm chia sẻ.

Vài năm trở lại đây, CEO Quỳnh Diễm bắt tay thực hiện cải tạo đất và nhân rộng mô hình để các hộ trong mối liên kết cùng thực hiện. Theo đó, tất cả phụ phẩm trong quá trình chế biến dược liệu được thu gom, cộng với phân chuồng thu mua sẽ được ủ với các chế phẩm sinh học để có nguồn phân hữu cơ cải tạo đất.

Không được nóng vội là yếu tố cốt lõi mà Quỳnh Diễm đặt ra trong quá trình cải tạo đất kết hợp với quá trình trồng cây dược liệu. “Chúng ta cần thời gian để đất mang lại những giá trị vốn có, thì năng suất, chất lượng cây trồng sẽ nâng lên”, CEO của An Xuân kiên định với triết lý này và cho biết, cán bộ kỹ thuật, nông vụ của An Xuân tạo ra phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học để người trồng dược liệu sử dụng. Quy trình ngâm ủ các loại thuốc trừ sâu sinh học được kiểm soát nghiêm ngặt nguyên liệu đầu vào như gừng, tỏi, ớt… hoàn toàn thay thế các loại thuốc trừ sâu hóa học.

Những thửa đất được cải tạo đã cho kết quả bất ngờ. Năng suất không những tăng mà lượng hoạt chất, tỷ lệ cao cô đặc của cây dược liệu cũng cao hơn hẳn những vùng không cải tạo theo phương thức làm giàu cho đất.

Nhờ đó, năm 2021, An Xuân ký kết biên bản ghi nhớ với DAI (Hợp phần quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học), góp phần thực hiện được 3/17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Đến nay, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tái sử dụng nước thải, chỉ tính riêng năm 2024, khối lượng nước thải được tái sử dụng ước đạt 10.000 m3. Còn theo quan trắc khí thải được An Xuân thực hiện trong năm 2023 để trình hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), lượng khí thải của doanh nghiệp gần như bằng không. Do đó, doanh nghiệp rất tự tin trong việc đáp ứng các mục tiêu còn lại của phát triển bền vững.

Phát triển bền vững nói chung, việc cải tạo nguồn đất, canh tác hữu cơ nói riêng là việc mà doanh nghiệp dù muốn cũng chẳng thể tiến hành một mình. Bởi thế, Công ty An Xuân cùng với bà con nông dân và chính quyền địa phương luôn có sự kết hợp chặt chẽ để không ngừng phát triển vùng trồng dược liệu chất lượng cao của địa phương.

“Đến bây giờ, thương hiệu An Xuân không chỉ là niềm tự hào của mẹ và tôi, của toàn thể đội ngũ nhân viên, người lao động và nông dân liên kết, mà còn là một thương hiệu hướng đến sự phát triển bền vững, mang lại sức khỏe cho cộng đồng, mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương và là thương hiệu mang đậm tình yêu thương của vùng đất nắng gió Quảng Trị”, CEO 9X tâm sự.

Trần Lê Quỳnh Diễm, CEO Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân.

Nâng tầm dược liệu địa phương

Ra đời từ quy trình canh tác, chế biến theo hướng hữu cơ vi sinh, sản phẩm của Công ty An Xuân được chứng nhận dược liệu đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).

“Qua đánh giá, vùng trồng dược liệu của An Xuân đáp ứng đầy đủ các tiêu chí GACP-WHO ở mức tốt nhất; dược liệu đảm bảo thành phần dược tính, hoạt chất, không chứa tạp chất, không tồn dư các hóa chất gây hại cho cơ thể. Đặc biệt, qua kiểm nghiệm cho thấy, hoạt chất solasodin trong dược liệu tại vùng nguyên liệu của An Xuân cao gấp 14 lần so với yêu cầu”, CEO Quỳnh Diễm thông tin.

Ngoài chứng nhận của Tổ chức Y tế thế giới, An Xuân hiện có 8 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh năm 2023. Đặc biệt, sản phẩm OCOP cao cà gai leo của doanh nghiệp đang được tỉnh Quảng Trị đề xuất Trung ương nâng lên hạng 5 sao.

“Sau gần 8 năm nghiên cứu và phát triển, tôi và mẹ không ngờ được rằng, những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như trà tía tô, trà diếp cá, trà mướp đắng, cao chè vằng và đặc biệt là dòng sản phẩm từ cà gai leo mang thương hiệu An Xuân của miền “đất thép” Quảng Trị đã có mặt trên 10 sàn thương mại điện tử lớn; hơn 200 nhà phân phối, đại lý toàn quốc; trên 100 siêu thị tại Viêng Chăn (Lào). Đồng thời, An Xuân cũng trở thành đối tác cung ứng nguyên liệu cho thị trường Mỹ và một số thị trường châu Âu.

Để đạt kết quả này, An Xuân luôn tiên phong trong đầu tư công nghệ hiện đại cho công đoạn chế biến như ứng dụng hệ thống nồi chiết nấu, nồi cô chân không, hệ thống lò hơi cấp nhiệt có đường ống dẫn khí thải. Ngoài ra, An Xuân còn phối hợp với nhà máy đạt chuẩn GMP ứng dụng công nghệ sấy phun sương, giúp đảm bảo giữ lại được các hoạt chất, tăng độ thơm ngon cho sản phẩm.

“Công nghệ hiện đại cho ra sản phẩm chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh sẽ là điều kiện đem về lợi nhuận cao hơn. Đó cũng là cơ sở để chúng tôi có thêm tiềm lực tái đầu tư và liên kết chặt chẽ, bền vững với người dân trong việc trồng và chế biến cây dược liệu trong thời gian tới”, CEO Trần Lê Quỳnh Diễm khẳng định.n

Ngân Sương

Tin khác