CEO MoMo: Chúng tôi tin vào sức mạnh của những điều nhỏ bé
Niềm tin giúp MoMo lớn mạnh
Bước lên sân khấu, khi phía dưới là hàng trăm đối tác thân thiết, ông Nguyễn Mạnh Tường, đồng sáng lập và CEO MoMo tin rằng, đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để bàn về hành trình sắp tới của MoMo.
"Hơn mười năm trước, có lẽ nhiều người còn nhớ, việc chuyển tiền ở Việt Nam thực sự là một thử thách. Với những người lao động xa quê, mong muốn gửi chút tiền về nhà cũng thành chuyện gian nan. Đó là lúc MoMo ra đời với một mơ ước rất nhỏ bé - làm sao để chuyển tiền nhanh hơn, tiện hơn và rẻ hơn", ông Tường nói.
Những ngày đầu, MoMo chỉ đơn giản là một ứng dụng chuyển tiền với hai nút bấm: một là "Chuyển tiền", hai là "Mượn tiền". Đó là tất cả những gì mà MoMo có.
Ước mơ khi ấy thật nhỏ bé, nhưng để đạt được, MoMo phải vượt qua vô vàn thử thách, những lúc tưởng chừng muốn bỏ cuộc. Ông Tường cười nhẹ: "Nhiều khi chúng tôi nói đùa với nhau, biết khó thế này từ đầu chắc không làm".
Đồng sáng lập MoMo ví von, phiên bản ví điện tử đầu tiên giống như "chiếc lá cuối cùng" trong câu chuyện của O. Henry, với điểm chung là việc được thắp sáng bằng niềm tin mãnh liệt.
Đội ngũ sáng lập khi ấy tin rằng, chỉ cần tồn tại thì vẫn còn cơ hội. MoMo đã bước qua bao lần "thập tử nhất sinh" nhờ vào niềm tin vào những điều nhỏ bé.
Mười năm trôi qua, MoMo không chỉ là một ứng dụng, mà trở thành "siêu ứng dụng" với hàng ngàn dịch vụ nhỏ, nhưng mỗi dịch vụ ấy lại giúp ích cho hàng triệu người.
Ông Tường chia sẻ: "Chúng tôi bắt đầu rất nhỏ, làm việc cặm cụi với từng đối tác, từng khách hàng. Để có ngày hôm nay, chúng tôi chắt chiu từng bước nhỏ trên hành trình lớn này".
Nhưng câu hỏi lớn hơn đặt ra, là liệu MoMo đã làm đủ tốt?
Khách hàng của MoMo phần đông là những người có thu nhập trung bình và thấp, mong muốn nhiều hơn một ví điện tử. Họ cần sự ổn định, tự chủ về tài chính, một tương lai mà tiền bạc không còn là rào cản.
Thấu hiểu điều này, ban lãnh đạo MoMo xem đây là một phần trong sứ mệnh của mình, đưa dịch vụ tài chính đến gần hơn với những người chưa được phục vụ.
Đối với ông Tường, có bốn niềm tin đã giúp MoMo lớn mạnh suốt thời gian qua. Đầu tiên là niềm tin vào sức mạnh của những điều nhỏ bé. Nhà đồng sáng lập này cho rằng, những lời động viên, hỗ trợ trong lúc khó khăn có thể thay đổi cuộc đời ai đó.
Từ đây, MoMo muốn truyền tải niềm tin ấy đến từng người dùng, rằng kiên trì làm những điều nhỏ mỗi ngày sẽ giúp họ kiểm soát tài chính và có cuộc sống tốt hơn.
Niềm tin thứ hai chính là trí tuệ của người Việt. Bởi tất cả đội ngũ sản xuất, từ công nghệ đến sản phẩm, đều là người Việt. Ông Tường tự hào, sản phẩm MoMo là của người Việt, cho người Việt, và ông tin vào tài năng của các kỹ sư Việt Nam.
Bên cạnh đó là niềm tin vào sự kỳ diệu của công nghệ. Như việc MoMo đã nhìn thấy tiềm năng không giới hạn của AI và tin rằng công nghệ sẽ là chìa khóa để tạo ra những sản phẩm đơn giản, phục vụ với chi phí thấp.
Cuối cùng là niềm tin vào sự đồng hành của những điều tốt đẹp. CEO MoMo nhấn mạnh rằng, những điều lớn lao không thể làm một mình. Việc giáo dục tài chính và tạo dựng niềm tin cho khách hàng cần sự đồng hành từ nhiều bên, từ ngân hàng đến các tổ chức tài chính. Và ông tin rằng, nếu MoMo thật lòng vì cộng đồng, sẽ có nhiều người đồng cảm và cùng đi chung con đường này.
Thách thức một triệu đồng của MoMo
Niềm tin cũng là chủ đề được ông Đỗ Quang Thuận, Phó tổng giám đốc thường trực MoMo đề cập trong một sự kiện gần đây. Ông Thuận tập trung vào bài toán "bình dân hóa các dịch vụ tài chính", thông qua cầu nối là công nghệ.
Ông Thuận nhớ lại những lần đội ngũ của MoMo nhận được hàng nghìn phản hồi, nhiều người hỏi đi hỏi lại một câu quen thuộc: "Liệu có cách nào để chúng tôi tiếp cận được một khoản vay nhỏ mà không phải mất thời gian đi lại, hay xếp hàng?".
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên MoMo suy nghĩ về việc làm cách nào để cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người, nhưng đến thời điểm dịch bệnh bùng phát, vấn đề trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Người dân cần tiếp cận tài chính dễ dàng hơn, nhanh hơn, và đặc biệt là an toàn hơn giữa thời phong tỏa.
Trong bối cảnh đó, MoMo đã tập trung vào một bài toán phức tạp, làm sao để những người thu nhập thấp có thể nhận được một khoản vay nhỏ, nhanh chóng, mà không phải đối diện với những thủ tục khó khăn, hay rủi ro lãi suất cao từ các nguồn tín dụng không chính thức?
Lãnh đạo MoMo gọi đó là "thách thức một triệu đồng", một con số tưởng chừng nhỏ bé, nhưng lại là một món tiền lớn đối với những ai cần gấp trong lúc nguy nan.
"Chúng tôi hiểu rằng chỉ một triệu đồng thôi cũng có thể giúp một người mua được thực phẩm, trả được tiền điện nước trong những ngày khó khăn nhất", ông Thuận chia sẻ. Nhưng để đưa ý tưởng đó thành hiện thực, không hề đơn giản.
Đội ngũ MoMo đã phải liên tục làm việc, đập đi xây lại hệ thống, cùng với TPBank nghiên cứu mọi quy trình để việc xét duyệt được nhanh nhất, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho cả người vay và tổ chức tài chính.
Vậy là sản phẩm Ví trả sau ra đời giữa lúc khó khăn nhất, vào tháng 7/2021, khi TP. HCM đang phong tỏa. Đó là thời khắc MoMo tự hào khi "mở nút" cho hàng trăm nghìn người có cơ hội vượt qua cơn bĩ cực.
Chỉ trong 6 tháng đầu tiên, Ví trả sau đã hỗ trợ hơn 236.990 người tiếp cận tài chính vi mô với hơn 865 tỷ đồng được giải ngân mà không tính lãi hay phí.
Nhưng khi mọi thứ dần vào guồng, MoMo lại đối mặt với một thách thức khác, làm sao để tiếp cận thêm hàng triệu người khác nữa, những người cũng có nhu cầu tài chính nhưng chưa quen thuộc với các giải pháp tài chính số?
Đây là lúc MoMo nhìn nhận lại và quyết định phải "nhúng" những giải pháp này vào hệ sinh thái thanh toán tiêu dùng của mình. "Chúng tôi muốn mọi người dùng MoMo, từ mua sắm, đặt vé, đến các nhu cầu tài chính, đều có thể sử dụng Ví trả sau một cách tự nhiên nhất, ngay khi cần thiết", vị lãnh đạo giải thích.
Đó chính là cốt lõi của "tài chính nhúng", hay còn gọi là "embedded finance".
MoMo cũng không dừng lại ở việc đưa sản phẩm vào cuộc sống của người dùng. họ muốn cá nhân hóa từng trải nghiệm. Họ đã xây dựng công cụ tiếp thị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo để "hút" từng đối tượng khách hàng phù hợp, giúp người dùng cảm thấy được thấu hiểu mà không cần mất thêm chi phí cho quảng cáo dày đặc.
Một thách thức khác cũng được ông Thuận nhắc tới là quản lý rủi ro. Đối tác của MoMo luôn lo ngại làm sao để vừa phục vụ nhiều người mà vẫn giữ được độ an toàn trong hoạt động tài chính.
Vậy là MoMo lại đầu tư vào những giải pháp rủi ro, thiết lập các mô hình máy học để đánh giá tín nhiệm, chống gian lận, và kiểm soát rủi ro từ các điểm chạm khác nhau.
Cuối cùng, MoMo không chỉ mở "nút thắt" cho chính mình, mà còn mang đến cho hàng triệu người cơ hội để tiến gần hơn với các dịch vụ tài chính hiện đại.
Kể từ khi Ví trả sau ra đời, MoMo đã biến sứ mệnh "bình dân hóa các dịch vụ tài chính" thành hiện thực.
Theo cách nói của ông Thuận, MoMo giờ đây không chỉ muốn làm người bạn đồng hành, mà còn là "thợ xây" những cây cầu tài chính cho người Việt Nam. "Chúng tôi biết, ngoài kia còn rất nhiều người khó khăn. Và MoMo ở đây để giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, từng ngày", ông nói.
Việt Hưng