1. Kinh doanh

CEO Grab Việt Nam: Không đối thủ nào sao chép được Grab

Ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam tuyên bố đang có lượng người dùng lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: Grab.

Grab vừa kỷ niệm 10 năm hoạt động tại Việt Nam với tuyên bố đang có lượng người dùng lớn nhất từ trước đến nay.

Siêu ứng dụng này không đưa ra con số cụ thể, nhưng cho biết đang có hàng triệu người dùng, đối tác tài xế và thương nhân tại Việt Nam sử dụng nền tảng cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Động thái của Grab gây chú ý bởi ngành gọi xe công nghệ nói riêng và ứng dụng công nghệ nói chung đang đối diện nhiều thách thức. Trong khi người dùng vẫn mang tâm lý thắt chặt chi tiêu, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách báo cáo những kết quả kinh doanh tích cực để làm hài lòng giới đầu tư.

Grab đang có gì?

Thực tế, thị trường Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn đã chứng kiến sự rời đi của Baemin và Gojek, nhưng đồng thời lại ghi nhận sự nổi lên của các nền tảng nội địa như be và Xanh SM.

Đáng nói, các ứng dụng thuần Việt dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng đã dần lấy đi không ít thị phần của các tên tuổi quốc tế trong những năm qua.

Be và Xanh SM, dưới sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư lớn phía sau, đang được một bộ phận người tiêu dùng ủng hộ nhờ câu chuyện thương hiệu của người Việt Nam. Chưa kể, Xanh SM còn đi đầu trong việc sử dụng xe điện.

Trả lời Tri Thức - Znews về khả năng duy trì vị thế của Grab, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam khẳng định sức cạnh tranh của một nền tảng được quyết định bởi nhiều yếu tố hơn là nguồn gốc, ví dụ như sứ mệnh, tầm nhìn, hay tính hiệu quả trong hoạt động...

Ông nói rằng doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường và sẽ tiếp tục phát triển một cách bền vững.

"Chúng tôi ngày càng có thêm người dùng mới. Ngay cả ở thời điểm hiện tại khi bối cảnh cạnh tranh thay đổi, chúng tôi vẫn ghi nhận tỷ lệ thâm nhập cao nhất từ cả góc độ người dùng lẫn đối tác", ông Alejandro nhấn mạnh.

Theo ông Alejandro, dù các nền tảng đối thủ được tạo nên bởi người Việt, Grab vẫn tự tin về tính bản địa của mình.

"Tôi và đội ngũ đã đi khắp Việt Nam trong vài tháng qua để lắng nghe các đối tác tài xế và thương nhân. Họ phàn nàn với tôi về nhiều vấn đề khác nhau, đó là cơ sở để chúng tôi cải tiến các công nghệ và dịch vụ. Điều đó giúp chúng tôi luôn siêu bản địa và đáp ứng tối đa các nhu cầu của thị trường", ông chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị CEO cho rằng lợi thế riêng biệt nhất của Grab là hệ sinh thái siêu ứng dụng. Từ phía nền tảng, điều đó cho phép Grab tối ưu chi phí thu hút người dùng mới so với các đối thủ.

Trong khi đó, ở góc độ nguồn thu, ông cho rằng với hơn 15 dịch vụ Grab đang cung cấp, người dùng luôn có lý do để mở ứng dụng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Kể cả khi một người đang gọi xe qua Grab, ứng dụng cũng sẽ thông báo ưu đãi trên GrabFood để thúc đẩy người này đặt đồ ăn.

Và thực tế, ông Alejandro cho biết tần suất sử dụng Grab của người Việt Nam đang tăng dần theo thời gian.

Hiện tại, vị CEO cho hay nền tảng đang tiếp tục khai thác những lợi thế của hệ sinh thái và tìm những cách tốt hơn để liên kết tất cả dịch vụ. Ví dụ, thông qua việc cung cấp voucher ăn tại nhà hàng, Grab cũng cho người dùng thêm lý do để sử dụng GrabBike, GrabCar.

"Các tính năng này tận dụng rất nhiều thế mạnh của một siêu ứng dụng, khi các dịch vụ bổ trợ lẫn nhau. Đó là yếu tố thực sự quan trọng cho thành công của chúng tôi, cho dù đối thủ là một ứng dụng gọi đồ ăn, gọi xe công nghệ hay là một siêu ứng dụng đầy tham vọng khác", CEO Grab Việt Nam chia sẻ.

Mặt khác, ông cũng khẳng định việc tích hợp tất cả dịch vụ trong một siêu ứng dụng không hề đơn giản. "Chúng tôi đã mất 10 năm, và thậm chí hơn thế nữa, để phát triển, đổi mới các công nghệ và nỗ lực cá nhân hóa. Bất kỳ ai cũng rất khó để sao chép", ông nhấn mạnh.

Không còn ưu tiên "đốt tiền" để khuyến mại

Nói về việc nhiều ứng dụng phải rời thị trường Việt Nam, vị CEO cho biết thị trường sẽ luôn có những thương hiệu và nền tảng xuất hiện rồi lại biến mất. Đó là minh chứng cho thấy rất khó để một nền tảng công nghệ tăng trưởng bền vững trên quy mô lớn.

Nhiều đơn vị đã tham gia thị trường và "đốt tiền" để khuyến mại nhằm mở rộng quy mô, tuy nhiên ông cho biết đây không còn là định hướng của Grab.

"Đốt tiền để khuyến mại đã không còn là ưu tiên của chúng tôi trong một thời gian dài, vì chúng tôi khá tự tin rằng mình đã xây dựng được đúng cỗ máy, mang đến giá trị cho các đối tác và người dùng ngoài việc khuyến mại", ông Alejandro nói.

Theo ông, điều này không có nghĩa là Grab không khuyến mại nữa, mà nền tảng khuyến mại một cách thông minh hơn. Từ năm ngoái, Grab bắt đầu đưa ra chiến lược "giá hợp lý" với nhiều lựa chọn về giá cho người dùng, trong khi giúp tài xế cải thiện năng suất.

"Kể cả khi chúng tôi làm vậy, người dùng vẫn ở đó, chúng tôi đang có được tỷ lệ người dùng cao nhất từ trước đến nay. Đến cuối cùng, mọi người sẽ quan tâm đến giá trị của trải nghiệm, tức là chất lượng và giá cả. Đó cũng là công thức của chúng tôi để phát triển bền vững", CEO Grab Việt Nam chia sẻ.

Dù liên tục nhấn mạnh "đã tìm ra công thức", ông Alejandro vẫn từ chối trả lời về thời điểm Grab có thể báo lãi tại Việt Nam. Thay vào đó, ông nhấn mạnh mục tiêu là trở thành một doanh nghiệp "phát triển bền vững", và đội ngũ của ông "luôn thực hiện điều đó một cách cẩn thận".

Theo ông Alejandro, Việt Nam là thị trường rất quan trọng đối với Grab. Đây là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và Chính phủ cũng đang đặt nhiều mục tiêu tham vọng trong quá trình chuyển đổi số. Grab đồng thời nhìn thấy dư địa tăng trưởng ở các địa phương bên ngoài các thành phố lớn.

Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là những dự án lớn như các tuyến metro nội thành, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hay các sân bay... ông cho rằng người Việt Nam sẽ thay đổi phương thức di chuyển hàng ngày. Khi đó, Grab có thể tham gia hỗ trợ nhu cầu di chuyển từ nhà đến các trạm giao thông này.

Lan Anh

Tin khác