Câu hỏi lớn
Lâu rồi, nghe mãi thành quen, khắp quê mình từ nông thôn ra thành thị, đi đâu cũng nghe, đọc đâu ít nhiều cũng thấy điệp khúc buồn: Dân mình tiêu thụ nông sản khó khăn, người trực tiếp sản xuất chịu thiệt thòi... Câu nhận định không sai, nhưng rõ là chỉ có vế đầu của một mệnh đề, còn vế thứ hai thì bỏ ngỏ, đó là vì sao như vậy?
Đi ra chợ xã, trước cổng trường học, cho đến chợ trung tâm thành phố, ở đâu cũng thấy xoài keo, bòn bon Thái, me Thái, măng cụt Thái, chôm chôm Thái, gần đây là nho Thái, hoa kiểng Thái... bán “ngang ngửa” với hàng cùng loại của xứ mình. Vậy người ta đâu có dại dột gì làm ra sản phẩm rồi chở đi mấy ngàn km để bán giá “bèo” như vậy? Trong cuộc chơi cùng ra biển lớn, cộng đồng thế giới ngày càng xích lại gần nhau, dưới sự phát triển của các loại phương tiện giao thông vận tải hiện đại và sự bùng nổ gần như không giới hạn của công nghệ thông tin, trái đất dường như nhỏ lại, hàng hóa do con người sản xuất ra ngày càng có xu hướng hòa nhập chung vào dòng chảy của thị trường thế giới, không ai có thể dùng quyền lực ép buộc ai, hay ngăn cấm ai bởi điều đó là xu thế phát triển tất yếu của nhân loại.
Vậy thì tại sao mình sản xuất rồi mang “ra cửa nhà mình” bán, không tốn phí vận chuyển, không tốn công bảo quản... mà còn bị khó khăn, còn bị thua người? Đây chính là câu hỏi lớn, từ lâu các cấp, các ngành, lãnh đạo cũng đã phân tích, mổ xẻ câu chuyện này rồi, nhưng những điều ấy thật sự chưa thẩm thấu sâu rộng đến người dân, thậm chí là cả một bộ phận không nhỏ của các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị! Đấy mới là câu chuyện không vui tí nào, rồi đây Tết năm này sẽ tới trong vài mươi ngày nữa, không biết nông sản hàng hóa của ta và chợ hoa có còn ai phải khóc? Khóc hay cười là bởi thành, bại mà cảm xúc dâng trào... nhưng sau mỗi nụ cười hay sau những giọt nước mắt, người dân mình cần phải suy nghĩ vì sao mình cười, do đâu mình khóc? Điều đó mới nghe như là sự hiển nhiên nhưng xưa nay chính là “điểm nghẽn” trong nhận thức. Có khai thông nhận thức này thì mới dám mong có hành động đúng, phù hợp cho những việc mình làm sắp tới từ tổ chức sản xuất, liên kết, thông tin, thị trường, ứng dụng khoa học, lương tâm và uy tín của người sản xuất tất cả những yếu tố đó phải được cộng lại thành một thể thống nhất.
Vậy thì ai là người đi khai thông “điểm nghẽn” này? Một người, một ngành là khó thể, nhưng nhiều người, nhiều ngành thì khó cũng thành dễ. Nhưng trước khi đi khai thông người thì cần tự khai thông chính mình là điều tối cần thiết!
VÕ HOÀNG CƯƠNG