1. Kinh doanh

Câu chuyện về người kế nghiệp tại Trung Quốc: Gồng mình tìm lại ánh hào quang cho gia đình

Robyn Qiu tự tin chia sẻ những hiểu biết của mình về ngành sản xuất của Trung Quốc. Những video ngắn của cô trên mạng xã hội nhận được rất nhiều sự chú ý trong nước và quốc tế

Khoác lên mình chiếc áo len trắng tinh tươm, Robyn Qiu trông có phần lạc lõng khi đứng giữa một nhà máy cơ khí bụi bặm ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Cô gái 29 tuổi hào hứng nói chuyện với chiếc máy quay mà trợ lý sử dụng để ghi lại các đoạn video ngắn.

Robyn Qiu là một trong những gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ thứ hai được kế thừa các nhà máy sản xuất từ gia đình. Giống như nhiều doanh nhân trẻ khác, Qiu tận dụng các kỹ năng về truyền thông kĩ thuật số để hỗ trợ quá trình chuyển đổi và phát triển của doanh nghiệp gia đình khi ngành công nghiệp Trung Quốc đang đối mặt với vô số khó khăn do tình hình kinh tế suy yếu và căng thẳng địa chính trị.

Qiu kể rằng, mặc dù đã lớn lên với tiếng ồn của máy móc hoạt động suốt ngày đêm, nhưng công việc sản xuất chưa bao giờ là lựa chọn đầu tiên của cô. Khi còn nhỏ, cha mẹ luôn khuyến khích Qiu hướng đến những công việc văn phòng nhẹ nhàng, tránh xa sự vất vả và ồn ào của nhà máy.

Tuy nhiên sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn, Robyn Qiu - một cựu sinh viên của trường Đại học Yale (Mỹ) - cảm thấy cô có trách nhiệm cống hiến và tiếp nối truyền thống lao động của gia đình trong ngành sản xuất.

Từ đó, Robyn Qiu đã thành lập một đội ngũ marketing chuyên kết nối trực tiếp các nhà máy Trung Quốc với khách hàng nước ngoài thông qua hàng loạt video được đăng tải trên Instagram và TikTok, hai nền tảng mạng xã hội mà ở Trung Quốc chỉ có thể truy cập qua VPN.

Robyn Qiu (áo trắng) và cha cô, ông Qiu Zhirong tại nhà máy linh kiện kim loại của gia đình ở Giang Tô, miền đông Trung Quốc

Trong các video của mình, Qiu vui vẻ trò chuyện bằng tiếng Anh, vừa giới thiệu tới người xem các món ăn đường phố của Thượng Hải vừa liệt kê và mô tả các khu vực sản xuất chính của Trung Quốc. Cô cũng đến tận nhiều nhà máy địa phương và chia sẻ thông tin, hình ảnh một cách chân thực nhất về dây chuyền sản xuất và quy trình hoạt động của họ.

Đây là một phương thức tiếp cận khách hàng khá mới mẻ, có sự tương phản rõ rệt so với cách thức kinh doanh của các thế hệ đi trước, những người thường phụ thuộc vào nhiều đơn vị trung gian và nhóm khách hàng buôn.

ĐỨNG TRƯỚC THÁCH THỨC

Cha mẹ của Robyn Qiu, những người đã thành lập nhà máy vào những năm 1990, là một phần của làn sóng khởi nghiệp đánh dấu thập kỷ cải cách và mở cửa đầu tiên ở Trung Quốc. Đó cũng thời điểm bước ngoặt lớn để đất nước tỷ dân chuyển mình thành công xưởng của thế giới và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.

Tuy nhiên, chi phí tăng cao ở Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị với các đối tác thương mại, bao gồm cả Mỹ, đã khiến nhiều địa điểm thay thế như Campuchia và Bangladesh trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng nước ngoài. Điều này tạo ra áp lực cho các nhà sản xuất trong nước, buộc họ phải thay đổi chiến lược để duy trì cạnh tranh.

Nhà máy của gia đình Qiu đã mất rất nhiều khách hàng lớn trong giai đoạn năm 2010 sau khi họ từ chối lời đề xuất chuyển dây chuyền sang Campuchia. Quyết định này là một bước đi mạo hiểm, nhưng cha mẹ Qiu tin rằng duy trì sản xuất tại quê nhà sẽ tốt hơn cho họ trong dài hạn.

Nhưng nhu cầu trong nước suy yếu vào những năm gần đây cũng tiếp tục tạo sức ép lên ngành sản xuất, với chỉ số sản xuất của Trung Quốc đã giảm trong 5 tháng liên tiếp kể từ tháng 5 năm nay.

NẮM BẮT CƠ HỘI CHUYỂN ĐỔI SỐ

Gia đình Qiu phải chủ động học cách để thích nghi, trong đó, họ mua sắm thiết bị công nghệ mới để tự động hóa nhiều quy trình sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Họ cũng đang thử nghiệm sản xuất các sản phẩm riêng của mình, như các thiết bị laser dùng trong xây dựng, thay vì chỉ sản xuất linh kiện cho khách đặt hàng như trước đây. Điều này cho thấy nhà máy đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường và tăng cường khả năng cạnh tranh của mình.

Cha của Robyn Qiu giải thích với con gái và người xem về các sản phẩm mà nhà máy của gia đình họ đã sản xuất trong nhiều năm

Qiu cho biết, cô xem chuỗi cung ứng như một hình chóp, với các thương hiệu quốc tế ở đỉnh và các nhà cung cấp nguyên liệu thô ở đáy. “Trung Quốc hiện đang ở giữa. Và giờ đây, chúng tôi sẽ phải tiến lên nếu không muốn bị tụt lại”, Qiu chia sẻ.

Qiu đã gặt hái được vô số thành công với các video của mình, ghi nhận 150.000 người theo dõi và hơn 500 khách hàng đã liên hệ Instagram của cô.

Rose Law, con gái của một chủ nhà máy mỹ phẩm ở tỉnh Quảng Đông, cũng đồng tình với nhiều suy nghĩ và quan điểm của Robyn Qiu. Cô nói với tờ AFP rằng mục tiêu lớn lao mà cô hướng đến là tạo ra tác động tích cực hơn đến ngành công nghiệp địa phương.

Law hiện đang giám sát việc phát triển các sản phẩm riêng cho thương hiệu gia đình, một bước tiến mới so với việc chỉ sản xuất hàng hóa cho các thương hiệu khác. Cụ thể, Law quản lý một thương hiệu chăm sóc tóc, với bao bì và công thức được lấy cảm hứng các liệu pháp thảo dược truyền thống của Trung Quốc.

“Ở thời cha mẹ tôi, tất cả các ngành đều mới mẻ, và mọi người trong các lĩnh vực khác nhau đều cạnh tranh từ một điểm xuất phát tương tự”, Rose Law nói với AFP. Nhưng giờ đây, Law thấy rằng việc thu hút được một lượng khách hàng trung thành với thương hiệu thay vì chỉ là một nhà cung cấp vô danh là cách tốt nhất để giữ cho công việc kinh doanh ổn định và có lợi nhuận tốt.

“Trong một thị trường thừa cung, việc được nhìn nhận và tin tưởng là cực kỳ quan trọng. Và mạng xã hội là một cách quan trọng để có được sự chú ý đó”, Rose Law lưu ý.

Hạnh Chi

Tin khác