Câu chuyện thoát 'nghèo cùng cực' bằng cây đàn guitar ở Chính An, Trung Quốc
Chính An (Zheng'an) là một huyện ở tỉnh Quý Châu, địa phương duy nhất không có đồng bằng nằm ở miền Tây Nam Trung Quốc. Tỉnh này từng được coi là “chiến trường chính trong cuộc chiến chống đói nghèo” ở Trung Quốc. Trong đó, Chính An là một huyện “nghèo cùng cực”. Nhờ sản xuất đàn guitar – một nghề được chuyển giao từ tỉnh Quảng Đông giàu có ở miền Nam nước này, Chính An đã thoát nghèo vào năm 2020.
Vùng đất nghèo, 1/3 người dân phải tha hương
Anh Lý Khởi Vượng, người Quảng Đông, Giám đốc sản xuất của Công ty sản xuất nhạc cụ Natasha ở Chính An say sưa hát bài hát của công ty bằng cây đàn guitar do chính công ty anh làm ra. Môi trường đầu tư hấp dẫn với nhiều ưu đãi và chuỗi ngành nghề hoàn chỉnh tại đây đã thu hút công ty Natasha chuyển về đây lập nghiệp vào năm 2016.
Nhìn những công ty sản xuất guitar mọc lên khắp nơi ở huyện Chính An, không ai có thể hình dung chỉ cách đây vài năm nơi đây còn là vùng đất “nghèo cùng cực” của Trung Quốc.
Nằm giữa những ngọn núi cao chót vót ở thành phố Tuân Nghĩa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây ở phía Bắc Quý Châu, Chính An luôn gặp trở ngại trong quá trình phát triển do giao thông cách trở và đất đai cằn cỗi. Đến nay, trong huyện vẫn không có ga tàu nào. Phải mất khoảng 3,5 giờ để đi từ Tuân Nghĩa đến Chính An.
Điều kiện khắc nghiệt như vậy đã buộc nhiều người dân ở đây phải rời bỏ quê hương đến nơi khác tìm việc. Lúc cao điểm, có tới 1/3 trong số 660.000 cư dân trong huyện là công nhân nhập cư. Lượng lớn trong số đó làm việc trong các nhà máy sản xuất đàn guitar ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, vì công việc này dễ học và yêu cầu thấp về kỹ thuật.
Quảng Đông là một trung tâm sản xuất guitar khác ở Trung Quốc. Vào đầu năm 2010, hơn 50.000 người Chính An đã làm việc cho các nhà máy ở đây. Một vài người trong số họ đã khởi nghiệp kinh doanh tại tỉnh Quảng Đông, sau khi nắm vững kỹ thuật.
Đưa những người làm việc tha hương về gây dựng ngành công nghiệp guitar tại quê nhà
Năm 2012, với sự hỗ trợ của chính quyền trung ương, Quý Châu bắt đầu con đường công nghiệp hóa mới, tích cực thực hiện việc chuyển giao các ngành công nghiệp từ miền Đông phát triển của Trung Quốc.
Nắm bắt ngay cơ hội, các quan chức Chính An đã tiến hành một cuộc nghiên cứu thực địa ở Quảng Đông và nhận thấy đội ngũ “thợ thủ công guitar Chính An” đông đảo. Và thế là họ quyết định đưa những thợ này trở về, góp phần phát triển quê hương. Đàn guitar đã trở thành điểm tựa thoát nghèo của huyện từ đó.
Nếu như năm 2013, doanh nghiệp người Chính An đầu tiên chuyển công ty về đây, thì 10 năm sau đó, một khu công nghiệp đàn guitar rộng 5 km2 đã được thành lập tại Chính An. Nơi đây hiện là trung tâm của hơn 130 công ty liên quan đến đàn guitar, không chỉ sản xuất đàn, mà còn là nơi nghiên cứu và phát triển các vật liệu mới, chất lượng cao. Hơn 2 triệu cây đàn có thể được sản xuất ở đây mỗi năm. Đây cũng là nơi làm việc của khoảng 15.000 người, trong đó đa phần là dân địa phương.
Chị Lưu, năm nay 48 tuổi, một phụ nữ trong huyện, chia sẻ: “Trước đây ở nhà tôi không làm gì. Giờ làm đàn, mỗi tháng được 4.000 nhân dân tệ (khoảng 14 triệu đồng Việt Nam)”.
Không chỉ tạo việc làm cho những người phụ nữ quanh năm chỉ quen với việc nhà, hay những người trung niên, giờ đây Chính An còn thu hút không ít những người trẻ về quê lập nghiệp.
Anh Vi Lâm Phi sau khi tốt nghiệp đại học đã về làm việc tại công ty Natasha và nay là một phụ trách mảng hành chính. Với anh, làm việc tại quê nhà vẫn đảm bảo thu nhập, lại có thể chăm sóc người thân: “Thay đổi lớn nhất trong 3 năm qua, đó là trước đây tôi chưa từng nghĩ khi mới hơn 20 tuổi tôi đã có tất cả những thứ tôi muốn, như nhà, ô tô. Về mặt vật chất, tôi rất hài lòng. Về mặt tinh thần, khi làm công việc này, tôi cũng thấy mình vui vẻ, đời sống tinh thần rất phong phú”.
Từ đàn guitar bằng tre tới Bảo tàng guitar
So với lịch sử làm đàn guitar khoảng 200 năm của thế giới, Trung Quốc mới chỉ khoảng 50 năm và để sản xuất ra những cây đàn guitar truyền thống nước này chủ yếu phải dựa vào các loại gỗ nhập khẩu. Để khắc phục tình trạng trên, các công ty địa phương đã nghiên cứu các vật liệu thân thiện với môi trường, thậm chí có khả năng chống cháy và nước.
Một cây đàn bằng tre đã được công ty Natasha cho ra đời vào năm 2023, anh Lý Khởi Vượng cho biết: “Phía sau lưng tôi đây là cây đàn guitar làm bằng tre. Đây là sản phẩm sáng tạo đầu tiên trên toàn cầu của công ty chúng tôi. Nguyên liệu làm đàn của chúng tôi đều phải dựa vào nhập khẩu, dùng tre có thể giải quyết được vấn đề rất lớn về nguyên liệu. Hơn nữa, Trung Quốc đã có lịch sử hàng ngàn năm làm nhạc cụ bằng tre. Vậy tại sao chúng ta không thể làm guitar bằng tre? Chiếc đàn này còn có thể giúp giới thiệu nền văn hóa dùng tre độc đáo của Trung Quốc ra thế giới".
Giờ đây, công ty này đã có thể sản xuất được các loại đàn từ bình dân tầm vài trăm nhân dân tệ (vài triệu đồng Việt Nam) đến hơn 200.000 nhân dân tệ (khoảng 700 triệu đồng Việt Nam). Mặc dù chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, nhưng một phần sản phẩm đã được xuất khẩu sang các nước như Nga, Thái Lan, Campuchia hay Nhật Bản.
Thoát nghèo chỉ trước thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết hoàn thành việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả – mục tiêu 100 năm lần thứ nhất – hơn một năm, giờ đây, Chính An đã trở thành trung tâm sản xuất guitar của Trung Quốc. Điều kiện sống khó khăn, giao thông xa xôi cách trở, không ngăn được khát vọng của người dân nơi đây vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Về lâu dài, không chỉ sản xuất đàn, tham vọng của chính quyền Chính An là coi ngành công nghiệp guitar như điểm khởi đầu để từ đó tiếp tục mở rộng hệ sinh thái kết hợp giữa công nghiệp, văn hóa và du lịch, nhằm xây dựng nơi đây thành một trung tâm văn hóa guitar, với nhiều điểm du lịch liên quan đến guitar, như Quảng trường guitar, con phố mang chủ đề guitar và Bảo tàng guitar.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh