1. Kinh doanh

Cảnh shipper gào thét, hoảng loạn khi nhận đánh giá 1 sao ở Trung Quốc

Một shipper (nhân viên giao hàng) đập mạnh chiếc điện thoại xuống vỉa hè vì nhận đánh giá tiêu cực từ khách hàng.

Một shipper khác quỳ gối xin lỗi cảnh sát khi bị chặn lại vì vượt đèn đỏ rồi uất ức đứng lên, xô đổ chiếc xe của mình, gào thét chạy băng qua đường mà không để ý đến giao thông.

Trong một câu chuyện khác, hàng trăm tài xế giao hàng đã tập trung bên ngoài khu chung cư để đòi công lý cho một shipper bị bảo vệ nội khu bắt quỳ gối.

Đó là một vài trong số rất nhiều vụ phản ứng dữ dội của tài xế giao hàng tại Trung Quốc gần đây, cho thấy lực lượng lao động này đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng và không thể chịu đựng thêm.

Ngành công nghiệp trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, lớn nhất thế giới về doanh thu và khối lượng đơn hàng, đã lớn mạnh gấp đôi trong 3 năm phong tỏa vì Covid-19 và từng mang lại thu nhập ổn định cho những người lao động thời vụ.

Nhưng giờ mọi thứ không còn tốt như vậy nữa.

Khủng hoảng của shipper

Khoảng 12 triệu tài xế tạo nên xương sống của mạng lưới giao đồ ăn rộng lớn của Trung Quốc, bắt đầu phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của ứng dụng Ele.me vào năm 2009, hiện thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Alibaba (BABA).

Những người giao hàng có vai trò quan trọng trong việc duy trì cuộc sống của cộng đồng trong thời kỳ đại dịch - khi người dân bị cấm ra khỏi nhà theo lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Giờ đây, shipper đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của đất nước tỷ dân.

Shipper có mặt ở khắp mọi nơi: Họ băng qua đường sá đông đúc và những con hẻm tối tăm để giao đồ ăn mỗi ngày, một số thậm chí không nghỉ ngay cả khi trời mưa to hoặc bão lớn.

Shipper giao đồ ăn tại Trung Quốc đã bùng nổ về số lượng trong ít năm qua, làm việc bất chấp điều kiện giao thông và thời tiết.

Thị trường giao đồ ăn đạt 214 tỷ USD vào năm 2023, gấp 2,3 lần so với năm 2020, theo ước tính của iiMedia Research, một công ty có trụ sở tại Trung Quốc chuyên theo dõi xu hướng của người tiêu dùng. Ngành công nghiệp này dự kiến đạt 280 tỷ USD vào năm 2030. Morningstar cho biết Trung Quốc có thị trường giao đồ ăn mang về lớn nhất thế giới.

Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn với hàng loạt khó khăn, từ cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đến tình trạng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, những người giao hàng cũng chịu nhiều tổn thất.

Những thách thức đó trở nên rõ ràng hơn vào ngày 18/10, khi Cục Thống kê Quốc gia công bố nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong quý 3, do sức tiêu dùng yếu và khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Tổng sản phẩm quốc nội tăng 4,6% trong giai đoạn 3 tháng - từ tháng 7 đến tháng 9 - so với một năm trước. Con số này chỉ cao hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò, những người đã dự đoán mức tăng trưởng là 4,5%.

"Họ (shipper) làm việc nhiều giờ, thực sự bị chèn ép. Và họ sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực vì các nền tảng giao hàng phải duy trì chi phí ở mức thấp", Jenny Chan, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bách khoa Hong Kong (Trung Quốc), cho biết.

Nền kinh tế chững lại đồng nghĩa với khách hàng sẽ gọi những bữa ăn rẻ hơn, làm giảm thu nhập của shipper vì hầu hết đều nhận tiền hoa hồng theo giá trị đơn hàng. Tài xế buộc phải làm việc nhiều giờ hơn để duy trì thu nhập.

Ngoài ra, sự thống trị của hai nền tảng giao đồ ăn lớn cho phép họ áp đặt các điều khoản hợp đồng, khiến người lao động không có nhiều khả năng phản đối điều kiện làm việc ngày càng xấu đi.

Để đáp ứng thời gian giao hàng ngày càng bị rút ngắn, shipper liên tục chịu áp lực lớn, nhiều khi bất chấp băng qua đường bằng cách phóng nhanh hoặc vượt đèn đỏ, gây ra mối nguy hiểm cho bản thân và những người khác.

"Họ muốn tôi chết sao?"

Tài xế đã đập vỡ điện thoại của mình khẳng định trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc rằng đánh giá tiêu cực của khách hàng nhắm vào anh ta là vô căn cứ. Nhưng anh vẫn bị nền tảng phạt bằng cách siết số đơn, khiến thu nhập của anh giảm xuống.

"Họ muốn gì vậy? Họ muốn tôi chết sao?", anh nói.

Nhiều tài xế phải giao hàng nhiều hơn, nhanh hơn nhưng nhận thu nhập thấp hơn trước.

Lu Sihang (20 tuổi) nói với CNN rằng anh làm ca 10 tiếng, giao 30 đơn hàng mỗi ngày. Anh kiếm được khoảng 30-40 USD/ca. Với con số đó, Lu phải làm việc không ngày nghỉ mới đạt được thu nhập trung bình là 950 USD/tháng.

Gary Ng, nhà kinh tế học tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, cho biết "mức tiêu thụ giảm" của Trung Quốc là nguyên nhân của sự suy giảm. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, người tiêu dùng chi tiêu ít hơn.

Chuyên gia kinh tế cho biết mặc dù thực phẩm là sản phẩm thiết yếu nhưng nền kinh tế suy thoái khiến khách hàng chi ít tiền hơn cho dịch vụ giao đồ ăn, các nhà hàng cũng phải giảm giá để thu hút khách.

Từ đó, thu nhập của nhân viên giao hàng cũng giảm vì tiền lương của họ thường được gắn với hoa hồng dựa trên giá của đơn hàng. Khi khách hàng không rủng rỉnh như trước, họ cũng ít đưa tiền tip hơn.

Trong khi đó, nền kinh tế chững lại dẫn đến ít việc làm hơn, đẩy sự cạnh tranh trở nên khốc liệt. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng vọt lên 18,8% vào tháng 8, mức cao nhất kể từ phương pháp thống kê được thay đổi vào năm ngoái để loại trừ sinh viên.

Nhưng vấn đề không phải lúc nào cũng nằm ở nền kinh tế và túi tiền của người tiêu dùng.

Nghiên cứu của China Labour Bulletin, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hong Kong, cho biết các ứng dụng giao hàng ban đầu đã phải móc hầu bao để đưa ra mức lương cao hơn nhằm thu hút đủ lao động trong quá trình mở rộng thị phần.

"Nhưng khi điều kiện thay đổi - một vài công ty độc quyền thị trường và phát triển thuật toán kiểm soát quy trình - người lao động có ít sự bảo vệ và mất đi sự tự do nhất định", báo cáo cho biết.

Yang (bên trái), một tài xế giao đồ ăn, cho biết áp lực ngày càng lớn nhưng anh vẫn làm vì công việc này có sự linh hoạt. Ảnh: CNN.

Chan, thuộc Đại học Bách khoa, cho biết các nền tảng đã đầu tư mạnh lúc ban đầu để có giá thấp nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh. Nhưng giờ đây, khi đã đạt được sự thống trị, họ bắt đầu chuyển gánh nặng chi phí sang tài xế bằng cách cắt giảm tiền thưởng và lương.

Đầu năm nay, cổng thông tin trực tuyến do nhà nước quản lý Workers.cn đã đưa tin về một số khiếu nại từ tài xế cho rằng họ bị phạt dù không làm gì sai.

Một tài xế cho biết anh bị phạt 86 nhân dân tệ (12 USD) vì không nhận đơn hàng đã chuẩn bị sẵn, mặc dù anh đã thông báo với nhà hàng rằng sẽ không nhận đơn đó vì họ không chuẩn bị đồ ăn đúng giờ, Workers.cn đưa tin.

Theo Chan, một vấn đề nữa là shipper là người làm việc tự do được trả lương theo mỗi đơn hàng thay vì được trả lương hàng tháng, điều đó khuyến khích họ bất chấp nguy hiểm để giao hàng nhiều đơn nhất có thể.

"Ai lại muốn vượt đèn đỏ nếu họ có thể từ từ giao đơn một cách an toàn? Nhưng họ không thể làm như vậy", bà nói.

Hậu quả của thực trạng trên đã được chứng minh là rất nghiêm trọng. Theo hãng tin nhà nước Global Times, năm 2019, một shipper đã tử vong vì bị cây đổ vào người do gió bão ở Bắc Kinh.

Tuần trước (ngày 9/10), Đài Phát thanh Trùng Khánh đã phát đoạn phim ghi lại cảnh một shipper đâm vào một chiếc ôtô tại ngã tư ở tỉnh Hồ Nam, miền Nam Trung Quốc sau khi vượt đèn đỏ.

Một shipper 35 tuổi, chỉ cho biết họ Yang, đã thừa nhận những mặt tối, nói rằng ngành này "không còn tốt như trước". Nhưng anh vẫn nghĩ công việc này phù hợp với mình ở hiện tại, sau khi từng làm qua nhiều công việc từ bán đồ ăn nhẹ đến làm việc văn phòng.

"Đây là công việc có tính linh hoạt. Nếu muốn kiếm nhiều tiền hơn sẽ phải làm việc lâu hơn, nhưng nếu muốn nghỉ ngơi thì có thể làm việc ít hơn", Yang nói.

Đinh Phạm

Ảnh: VCG

Tin khác