'Cánh chim đầu đàn' trong phát triển nghề mây tre đan
Khuôn Hà là một xã nghèo có nghề mây tre đan truyền thống đã gắn bó mật thiết với đời sống của người dân từ xa xưa. Tuy nhiên, trước đây, nghề này chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh, chưa thực sự phát huy được tiềm năng vốn có.
Khôi phục nghề truyền thống
Bước ngoặt đến khi HTX Nhật Minh được thành lập, không chỉ đảm nhận trọng trách khôi phục và phát triển nghề mây tre đan truyền thống, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương, mà còn lan tỏa vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong quá trình hỗ trợ người dân giảm nghèo.
Với sự năng động, sáng tạo và tinh thần hợp tác cao, HTX Nhật Minh đã nhanh chóng trở thành "cánh chim đầu đàn", đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm giá trị của nghề truyền thống, góp phần giảm nghèo bền vững tại huyện Lâm Bình nói chung, xã Khuôn Hà nói riêng.
Nhận thấy tiềm năng của nghề mây tre đan, HTX Nhật Minh đã tập trung vào việc khôi phục các kỹ thuật truyền thống, đồng thời áp dụng những cải tiến về mẫu mã, chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. HTX đã tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền đạt kinh nghiệm cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên, giúp họ nắm vững kỹ năng, nâng cao tay nghề.
Cải tiến sản phẩm từ mây, tre giúp đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhờ đó, các sản phẩm mây tre đan của HTX Nhật Minh ngày càng đa dạng, phong phú, từ những vật dụng gia đình quen thuộc như giỏ, làn, khay, đến các sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo, độc đáo. HTX cũng chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho các thành viên.
Trải qua không ít thăng trầm trong nghề mây tre đan, các thành viên HTX Nhật Minh đều nhận ra được những khó khăn của nghề truyền thống. Xu thế nhanh, rẻ, tiện dụng đã khiến những vật dụng gần gũi từ mây, tre dần mất đi vị trí để nhường chỗ cho các sản phẩm làm bằng nhựa như: rổ nhựa, bát nhựa, cốc nhựa, làn nhựa… Nghề truyền thống ở Khuôn Hà có một thời đứng trước nguy cơ mai một.
Để vực lại nghề, các thành viên HTX nhận thấy cơ hội từ việc khởi nghiệp bằng mô hình HTX và tham gia chương trình OCOP. Điều này được hỗ trợ một phần từ việc Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang tuyên truyền, kêu gọi các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp từ mô hình kinh tế tập thể để phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương. Và HTX Nhật Minh được thành lập, giữ vai trò nòng cốt để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.
Nhờ sự giúp đỡ của Liên minh HTX Việt Nam, thông qua Liên minh HTX tỉnh và địa phương, thành viên HTX Nhật Minh đã đưa nghề mây tre đan truyền thống bắt kịp với xu hướng thị trường. Họ cũng được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, truyền thông, xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ để học hỏi về cách tiếp cận khách hàng văn minh, lịch sự và chuyên nghiệp.
Nhờ đó, sức tiêu thụ các sản phẩm mây tre đan của HTX ngày càng ổn định, tiềm năng thị trường rộng mở. Nghề mây tre đan ngày càng có nhiều lao động tham gia và nhiều người có cái nhìn thiện cảm về mô hình HTX.
Hiện nay, các sản phẩm mây tre đan được quảng bá tại hội chợ, liên kết với các homestay, khu du lịch các tỉnh như Hà Giang, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Đặc biệt, ở thời đại công nghệ 4.0, việc quảng bá, mua bán thuận tiện hơn nhờ mạng internet. Các thành viên HTX cũng tích cực đăng tải thông tin lên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, kết nối khách hàng trên mọi miền Tổ quốc.
Góp phần nâng cao đời sống người dân
Sự phát triển của HTX Nhật Minh đã mang lại những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Nghề mây tre đan không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, mà còn tạo ra nhiều việc làm, đặc biệt là cho cả thanh niên, người lớn tuổi và phụ nữ nông thôn.
Theo đánh giá của HTX, thực chất mây tre là nghề thủ công nên người già, người trẻ đều có thể làm, không bị gò bó thời gian. Với những người chịu khó, tay nghề cao có thể đạt thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên là thanh niên trẻ với khả năng cống hiến chất xám cao, ứng dụng công nghệ nhiều thì thu nhập còn cao hơn. Từ đây, nhiều thanh niên là trụ cột gia đình vẫn có thu nhập ổn định mà không phải bôn ba xứ người mưu sinh.
Nhiều người dân có thêm thu nhập từ nghề mây tre đan truyền thống.
Nhiều phụ nữ ở Khuôn Hà hiện đan giỏ, đĩa mây cho HTX, mỗi ngày đan được khoảng 3 chiếc, thu về 170.000-180.000 đồng.
Nhiều hộ gia đình cũng đã thoát nghèo từ nghề mây tre đan nhờ có sự hình thành và phát triển của HTX Nhật Minh. Điều này giúp các gia đình ở xã Khuôn Hà có điều kiện đầu tư cho con cái học hành, xây dựng nhà cửa khang trang hơn. Bên cạnh đó, HTX Nhật Minh còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tạo ra các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc.
Hiện, mỗi tháng HTX cung cấp cho thị trường từ 6.000-8.000 sản phẩm các loại, đem lại doanh thu từ 80-100 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng.
Khi có đơn hàng lớn, HTX giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động. Theo đó, các lao động có thể nhận việc về nhà để đan, tiền lương tính theo sản phẩm với giá trung bình từ 60.000-100.000 đồng.
Hướng tới phát triển bền vững
Theo đánh giá của UBND xã Khuôn Hà, địa phương có nhiều yếu tố tích cực thúc đẩy phát triển nghề mây tre đan. Điều đầu tiên chính là vùng nguyên mây tre dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề. Đây cũng là nghề truyền thống lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và chính quyền địa phương khi có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nghề mây tre đan, như tạo điều kiện cho người dân vay vốn, tổ chức các lớp đào tạo nghề, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là những sự hỗ trợ này đã làm nền tảng để nâng cao hiệu quả của HTX Nhật Minh. Đến nay, HTX Nhật Minh đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục và phát triển nghề mây tre đan ở Khuôn Hà. HTX đã tập trung vào việc khôi phục các kỹ thuật truyền thống, đồng thời áp dụng những cải tiến về mẫu mã, chất lượng sản phẩm bằng công nghệ, máy móc hiện đại để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chính vì những điều này mà nghề mây tre đan đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Các sản phẩm mây tre đan của Khuôn Hà ngày càng đa dạng, phong phú, được thị trường ưa chuộng. Từ đây, nghề mây tre đan góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đặc biệt là sản phẩm của HTX Nhật Minh đã được công nhận đạt chuẩn OCOP của tỉnh Tuyên Quang.
Với những thành công đã đạt được, HTX Nhật Minh đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực mây tre đan của cả nước. HTX tiếp tục đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tiễn, các thành viên HTX cũng thấy rằng, nghề mây tre đan ở Khuôn Hà đang đối mặt với một số thách thức. Đó là sự cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp, khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ kế thừa nghề truyền thống.
Chính vì vậy, HTX mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp để có thêm nguồn lực phát triển, góp phần đưa nghề mây tre đan Lâm Bình nói chung, ở Khuôn Hà nói riêng vươn xa hơn nữa.
HTX cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của địa phương, Liên minh HTX tỉnh trong hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nghề cho thế hệ trẻ để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, hỗ trợ HTX liên kết thêm với các điểm du lịch cộng đồng để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Trí Chiến