Cán bộ hội nhiều năm liền sản xuất giỏi
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất đồi thuộc thôn Mới, xã Hướng Sơn, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Vỹ theo học Trường Trung cấp Y tế (nay là Cao đẳng Y tế) Quảng Trị. Hoàn thành khóa học, năm 2012, anh trở về quê lập gia đình. Đây là thời gian khó khăn nhất với vợ chồng anh vì thiếu cả kinh nghiệm lẫn vốn sản xuất. Không cam chịu đói nghèo, vợ chồng anh quyết tâm vượt khó vươn lên.
Trời không phụ lòng người, từ những kiến thức tự học hỏi, mày mò, nghiên cứu qua sách báo và mạng internet, học hỏi kinh nghiệm của bố mẹ và được sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Vỹ bắt tay gây dựng mô hình VAC.
Tận dụng tiềm năng đất đai sẵn có với tổng diện tích khoảng 10 ha, kết hợp lợi thế của địa phương về khí hậu thuận lợi, chất đất tốt, anh Vỹ mở rộng diện tích trồng trọt qua từng năm với các cây trồng chủ lực như tràm, sắn, trẩu, lúa nước và một số cây khác. Anh đầu tư xây dựng chuồng trại khá bài bản để chăn nuôi trâu, bò. Đồng thời đào ao thả cá nhằm tận dụng được nguồn cỏ phong phú ở địa phương. Để nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và thường xuyên đi học tập kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế hiệu quả ở các địa phương khác.
Hiện nay, gia đình anh Vỹ đã phát triển thành công mô hình kinh tế VAC với 5 ha tràm, 2 ha sắn, 3 ha trẩu; đàn trâu, bò 10 con và 2 ao cá trắm, trê, rô phi... Sau khi trừ mọi chi phí, trung bình mỗi năm thu nhập của gia đình anh Vỹ hơn 100 triệu đồng. Nhiều năm liền anh được bình chọn danh hiệu hộ nông dân sản xuất giỏi cấp xã.
Năm 2018, anh được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Sơn kiêm Bí thư Chi bộ thôn Mới. Anh Vỹ chia sẻ: “Là cán bộ hội, muốn hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế thì bản thân phải làm trước. Việc phát triển mô hình kinh tế VAC là hướng đi phù hợp nên tôi lựa chọn. Điểm lợi của mô hình VAC là người chăn nuôi có thể tận dụng nguồn nước, thức ăn, các loại chất thải để phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm, trở thành mô hình VAC điểm cho các hội viên nông dân tham quan và học tập”.
Để giúp cho hội viên nông dân áp dụng mô hình, phát triển sản xuất, thời gian qua, anh cùng với ban chấp hành hội nông dân xã phối hợp với các cấp, ngành mở 16 lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt với hơn 150 lượt hội viên tham gia; tín chấp cho hội viên vay 8 tỉ đồng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Nhờ vậy, số hộ sản xuất giỏi các cấp ở xã năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến nay, toàn xã Hướng Sơn có 45 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất giỏi các cấp. Nhiều hộ nông dân đầu tư đa dạng hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Chủ tịch Nông dân xã Hướng Sơn Hồ Văn Đàm đánh giá: “Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế vươn lên giảm nghèo bền vững ở xã phát triển sâu rộng. Các hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng đến phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều cá nhân, tập thể được các cấp khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế, anh Vỹ là một trong những điển hình đó.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục làm tốt công tác hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức đào tạo nghề, tập huấn nâng cao kỹ năng tay nghề cho hội viên và đồng hành với hội viên xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế bền vững, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương”.
Minh Long