Cách giới trẻ chọn sống trong căn hộ hộp để tiết kiệm
Những căn hộ hộp, hay còn gọi là căn hộ hộp diêm như thế này thường có diện tích lớn hơn hộp ngủ, được những người độc thân nhóm tuổi thuộc thế hệ Millennials (tiếng Anh: Millennials/ Generation Y, viết tắt: Gen Y, được sinh ra từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990 – đầu thập niên 2000) hay còn gọi là thế hệ thiên niên kỷ, khá ưa chuộng.
Căn hộ ở Tokyo của Kazuki Hirata có diện tích 9 mét vuông — khoảng bằng 6 tấm chiếu tatami — nhưng dù sao thì đó vẫn là nhà, với giá thuê hàng tháng là 83.000 yên (720 đô la Singapore). Chàng trai 31 tuổi này đã học cách ngủ chéo trên chiếc đệm futon của mình và mở hé cửa nhà vệ sinh để tránh va đầu gối vào đó.
Kazuki Hirata không ngại sự chật chội, nhất là khi nơi ở của anh ấy chỉ cách nơi làm việc một quãng đi bộ ngắn, công việc pha chế thường kết thúc vào sáng sớm khi phương tiện giao thông công cộng ít hoạt động. Kazuki nói: "Sau khi sắp xếp đồ đạc và bắt đầu sống ở đó, tôi không nghĩ là nó quá nhỏ".
Căn hộ studio gác xép của chuyên gia công nghệ thông tin 28 tuổi Mark Lorenzo Permalino tại Manila có diện tích 22 m2, gấp đôi căn hộ siêu nhỏ của Kazuki Hirata. Mark mong muốn trong 2 năm tới có thể nâng cấp nơi ở lên một căn hộ chung cư hai phòng ngủ tại Makati, trung tâm tài chính của thủ đô Manila, nơi anh đang sinh sống hiện nay. Nhưng chi phí là rào cản lớn nhất. Hiện tại, anh tạm hài lòng với căn hộ studio xinh xắn của mình.
So sánh với các tiêu chuẩn quốc tế, căn hộ của Rhod-Lee Mercado tại Sydney, có hai phòng ngủ, một phòng giặt, một phòng tắm riêng và một tủ đựng đồ vải, có vẻ không hề nhỏ. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần sân sau của người khác.
Chàng trai 29 tuổi này sống trong một căn hộ kiểu người già, ban đầu được thiết kế như một không gian sống liền kề dành cho ông bà. Căn hộ khá tiện nghi với diện tích 60 m2. Tiết kiệm tiền là lý do chính khiến Mercado chọn căn hộ như thế này. Tiền thuê nhà hàng tuần của nam sinh viên ngành vật lý trị liệu Mercado là 650 đô la Úc, thấp hơn giá thuê của các căn hộ có diện tích tương đương. Tuy nhiên, vì sống một mình, chàng trai chú trọng cắt giảm hóa đơn tiền điện.
Mercado đang nghỉ học một năm để đi làm toàn thời gian và hy vọng sẽ tiết kiệm đủ tiền để trang trải chi phí trước khi thực tập vào năm sau. Anh chàng không muốn quay lại cuộc sống chung cư truyền thống. “Tôi sống trong một tòa nhà độc lập. Tôi có nhiều thời gian hơn cho bản thân và ít bị xao nhãng bởi những thứ xung quanh” - anh nói.
Khi khả năng chi trả cho nhà ở đang trở thành vấn đề thực sự đối với những người trẻ ở các thành phố lớn, họ vẫn có cách để vượt qua những thách thức của cuộc sống trong khi vẫn tiết kiệm tiền hiệu quả.
Căn hộ của Hirata là căn hộ nhỏ nhất nhưng có đầy đủ những thứ thiết yếu, bao gồm góc giặt giũ, giường tầng và thậm chí là bếp nhỏ, mặc dù căn bếp này chỉ có thể để được một chiếc nồi duy nhất. Diện tích căn hộ này nhỏ hơn một nửa so với một studio thông thường ở Tokyo, nhưng tiền thuê nhà rẻ hơn khoảng 20 - 30 %, chiếm gần 1/3 thu nhập của Hirata.
Dựa trên dữ liệu từ công ty bất động sản Savills, giá thuê trung bình trong phạm vi diện tích từ 15 - 30 mét vuông ở 5 quận trung tâm của Tokyo đã tăng gần 20 % từ năm 2016 đến năm nay.
Với không gian mình có, Hirata cũng cắt giảm được các khoản chi tiêu khác. Anh không còn muốn mua quần áo mới nữa: “Về cơ bản, tôi mặc cùng một bộ quần áo khi đi làm (và) thậm chí cả vào những ngày nghỉ”. Bằng cách giảm thiểu những món đồ không cần thiết, anh tối đa hóa việc sử dụng từng món đồ.
Việc dọn dẹp cũng trở nên dễ dàng hơn. Một trong những lợi ích của không gian chật hẹp là các công việc nhà được đơn giản hóa, giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Ví dụ, anh sử dụng máy hút bụi cầm tay để lau gác xép và khăn ướt để lau sàn.
Ngoài việc tiết kiệm và tiện lợi, anh còn thích sự ấm cúng của căn hộ siêu nhỏ này. Hirata không phải là người duy nhất theo đuổi lối sống này.
Các công ty phát triển bất động sản như Spilytus đang xây dựng các căn hộ siêu nhỏ ở những khu vực được săn đón như Ebisu và Nakameguro. Những người trẻ tuổi ưa chuộng những căn hộ thế này vì chúng có giá thuê hợp lý.
Spilytus, công ty phát triển những căn hộ hộp kiểu này trong một thập kỷ, cho biết phần lớn người thuê dưới 30 tuổi.
Được thiết kế dành riêng cho những người độc thân, những căn hộ siêu nhỏ này thường có thời gian lưu trú khoảng 2 năm. Nhưng đối với Hirata, sau 4 năm, anh không có kế hoạch chuyển đi trừ khi kết hôn hoặc thay đổi công việc khác.
Ước mơ của thế hệ Gen Y ở Manila
Với kế hoạch nâng cấp nơi ở, Permalino cảm thấy ít bị áp lực hơn nhưng vẫn phải đối mặt với khả năng chi trả nhà ở tại Metro Manila.
Thông tin từ Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines cho biết, giá nhà thấp nhất hiện nay vào khoảng 4 đến 5 triệu peso. "Để đủ khả năng chi trả, bạn phải kiếm được (thu nhập hàng tháng) khoảng 95.000 peso".
Nhưng những người trẻ Philippines có thể có tiềm năng kiếm tiền tốt hơn nhờ khả năng làm chủ công nghệ của họ và sự gia tăng các cơ hội việc làm toàn cầu, điều đó sẽ giúp họ đủ khả năng mua những ngôi nhà lớn hơn.
Permalino vẫn rất lạc quan. Anh đang cố gắng tiết kiệm nửa triệu peso và đã đi được một nửa chặng đường.
Tiền thuê nhà, các chi phí, phương tiện đi lại và thực phẩm hàng tháng của anh tốn khoảng 50.000 peso. Các vlog trên YouTube của anh về cuộc sống ở Manila giúp đem về gần 12.000 peso mỗi tháng. Anh cũng tiết kiệm được 10% tiền lương của mình, sử dụng các ngân hàng kỹ thuật số để tối đa hóa lãi suất.
Sắp tới, anh sẽ tìm hiểu thêm về mã hóa, chỉnh sửa video và thiết kế đồ họa để tăng thu nhập và tiến gần hơn đến mục tiêu của mình.
Minh Vy
Theo CNA