1. Kinh doanh

Các sàn thương mại điện tử Việt đang ở đâu trước làn sóng Temu, 1688

Theo báo cáo từ hãng nghiên cứu Momentum Works, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử (TMĐT) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng gần 53% so với cùng kỳ lên 13,8 tỷ USD, Việt Nam cũng vượt Philippines để trở thành thị trường lớn thứ 3 khu vực.

Tuy nhiên, động lực chính cho đà phát triển vượt trội của thị trường Việt Nam lại không đến từ các sàn TMĐT nội địa. Phần lớn sân chơi này trong hơn 10 năm qua đã trở thành “đất diễn” cho các sàn TMĐT quốc tế.

Với dân số hơn 100 triệu người cùng mức độ tiếp cận, thích ứng nhanh chóng với công nghệ số, thị trường Việt Nam đang trở thành “miếng bánh” hấp dẫn của các sàn TMĐT nước ngoài. Trước làn sóng đổ bộ của Temu, Taobao hay 1688, các sàn TMĐT Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị đẩy khỏi cuộc chơi.

Áp lực trước đối thủ ngoại

Thị trường TMĐT Việt Nam từng có những cái tên “làm mưa làm gió” một thời như Vatgia, Muaban hay 5giay. Lúc bấy giờ, số ít sàn giao dịch nước ngoài như eBay quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Phải đến khi Lazada bắt đầu đặt chân vào Việt Nam năm 2012, người dùng mới có thể tiếp cận hoạt động mua sắm trực tuyến một cách đầy đủ nhất với những dịch vụ như thanh toán khi nhận hàng (COD), đổi trả hàng hóa.

4 năm sau, Shopee vào Việt Nam, chính thức châm ngòi cho cuộc đua “lấy lòng” người tiêu dùng.

Giai đoạn đầu, các sàn TMĐT trong nước như Tiki, Sendo, Vỏ Sò hay Adayroi không tỏ ra kém cạnh các đối thủ ngoại. Sự phát triển của ngành mua sắm online giúp nhóm này dễ dàng huy động hàng triệu USD từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, việc phải đối đầu với những đối thủ có nguồn lực chênh lệch đáng kể khiến nhóm sàn TMĐT nội địa thua thiệt trong cuộc đua “đốt tiền” và nhanh chóng hụt hơi vài năm sau đó.

Chỉ số một số sàn TMĐT Việt Nam như Tiki và Sendo còn "sống sót" đến nay. Ảnh: Minh Khánh.

Sau đại dịch, nhiều sàn TMĐT nội địa đã biến mất, những cái tên như Tiki và Sendo trụ lại đến nay nhưng thị phần cũng teo tóp.

Theo thống kê của nền tảng phân tích dữ liệu TMĐT Metric, tổng doanh số bán hàng trên 5 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam hiện nay gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo đạt 84.750 tỷ đồng trong quý III, tương đương 3,3 tỷ USD. Con số này tăng hơn 18% so với quý trước đó và cao hơn gần 16% so với cùng kỳ.

Tổng cộng, đã có 897 triệu sản phẩm được bán ra trên 5 sàn này, tăng gần 29%.

Trong đó, Shopee và TikTok Shop vẫn là 2 sàn ghi nhận tăng trưởng dương cả về doanh số lẫn sản lượng. Mặt khác, 2 sàn TMĐT nội địa là Tiki và Sendo tiếp tục duy trì tình trạng tăng trưởng âm.

Metric không nêu cụ thể số liệu của Tiki và Sendo trong quý vừa rồi, chỉ cho biết với riêng Tiki, sàn này ghi nhận doanh số và sản lượng lần lượt giảm 32% và 56% so với cùng kỳ, còn Sendo giảm 65% về doanh số và 62% về giảm lượng.

Từ quý III/2023 trước đó, trong hơn 63.200 tỷ đồng doanh số giao dịch trên 5 sàn TMĐT tại Việt Nam, Tiki chỉ đóng góp 599 tỷ đồng còn Sendo chỉ vỏn vẹn 29 tỷ đồng. Các chỉ tiêu như số sản phẩm đã bán ra hay số lượng shop phát sinh lượt bán cũng bị các sàn ngoại áp đảo hoàn toàn.

Điều này đồng nghĩa tổng thị phần của cả 2 sàn TMĐT nội địa Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% toàn thị trường.

Nhiều sàn đã “chết yểu”

Nhìn vào số lượng sàn TMĐT phải rời thị trường trong vài năm qua, không khó để hình dung thị trường này khốc liệt thế nào và có tính đào thải cao ra sao.

Tại một hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào cuối năm 2022, ông Nguyễn Thanh Hưng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết nhiều tên tuổi TMĐT nổi tiếng đã “mất tích” chỉ sau 10 năm kể từ khi ra đời.

Điển hình như giai đoạn 2001-2010 có VDC Siêu thị, Chợ điện tử, Gophatdat, VNemart. Đến những năm 2011-2020 có 123Mua, Muachung, Nhommua, Vatgia, Deca, FoodPanda, Zaloza, Adayroi. Trong giai đoạn 2021-2025, dự báo còn có 2 sàn TMĐT nữa của Việt Nam có thể “chết yểu”.

Adayroi bị Vingroup "khai tử" vào năm 2019. Ảnh: Việt Đức.

Năm 2014, Vingroup rót vốn đầu tư vào Chon.vn. Sau đó, dự án Chon.vn được Vingroup chuyển sang mô hình sàn thương mại điện tử kinh doanh nhiều ngành hàng với tên gọi mới là Adayroi.

Từ khi hoạt động vào tháng 8/2018, kết quả kinh doanh của Adayroi chưa bao giờ được công bố chi tiết. Song nếu xét về lưu lượng truy cập, Adayroi đã bị 4 đối thủ là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo bỏ lại với khoảng cách lớn.

Trước đó, vào tháng 11/2018, sàn TMĐT Vui Vui của Thế Giới Di Động cũng phải rời thị trường chỉ sau 2 năm hoạt động và 1 năm chính thức bán hàng trên website. Sau khi đóng cửa, toàn bộ nền tảng website, hậu cần, giao nhận của Vui Vui cũng đã được chuyển sang cho Bách Hóa Xanh.

Thời điểm mới ra mắt, Vui Vui được lãnh đạo Thế Giới Di Động kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc sau 4-5 năm và vượt doanh thu chuỗi cửa hàng Thegioididong.com. Nhưng thực tế, doanh thu của sàn này chỉ đạt 75 tỷ đồng vào năm 2017, chiếm 0,1% tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn, con số quá khiêm tốn so với kỳ vọng đặt ra.

Đáng chú ý, giữa năm 2022, dự án Vui Vui bất ngờ được Thế Giới Di Động thông báo tái khởi động. Website khi đó chưa có thông tin sản phẩm, chỉ có các thông tin kêu gọi hợp tác bán hàng và tuyển dụng. Nhưng sau hơn 2 năm, đến nay website vuivui.com vẫn không thể truy cập.

Trái với 2 cái tên trên, một số sàn TMĐT quy mô nhỏ như Vỏ Sò của Viettel Post lại biến mất lặng lẽ. Hiện cả ứng dụng lẫn website của Vỏ Sò đều không thể truy cập.

Thành lập vào năm 2019, Vỏ Sò được định hướng phát triển thành nền tảng thương mại điện tử nông sản, giúp kết nối nhà sản xuất và nông dân với các nhà hàng, chuỗi cửa hàng tiện lợi và người tiêu dùng theo mô hình O2O2O (online to offline to online).

Theo nhà sáng lập, Vỏ Sò có chiến lược riêng để không "đốt tiền" nhưng vẫn thu hút được khách hàng và nhà cung cấp, bằng cách tận dụng những lợi thế riêng của Viettel Post mà các sàn khác không thể cạnh tranh. Năm 2021, sàn tuyên bố có 70.000 nhà cung cấp với 150.000 dặc sản địa phương.

Minh Khánh

Tin khác