1. Kinh doanh

Các nhà sản xuất chip bán dẫn rút khỏi Trung Quốc

Chip bán dẫn trên một bảng mạch in. Ảnh: Reuters.

Xu hướng nói trên diễn ra trong bối cảnh hoạt động công nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc đang diễn ra nhanh chóng do căng thẳng thương mại với phương Tây, theo Reuters.

Ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn giai đoạn sau - chuyên về đóng gói và thử nghiệm - ít đòi hỏi vốn đầu tư hơn so với khâu đầu nguồn của quy trình sản xuất chip tại các xưởng đúc.

Hiện, Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) đang thống trị thị trường này nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất lĩnh vực trị giá 95 tỷ USD này.

Ông Cho Hyung Rae, Phó chủ tịch Hana Micron tại Việt Nam cho biết công ty đang mở rộng để đáp ứng yêu cầu từ các khách hàng muốn chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Quan chức một công ty tại Hàn Quốc cho biết đơn vị này có kế hoạch đầu tư khoảng 1.300 tỷ won (930 triệu USD) đến năm 2026 để thúc đẩy hoạt động đóng gói chip nhớ truyền thống.

Năm ngoái, Amkor Technology (trụ sở chính tại Mỹ) đã công bố kế hoạch trị giá 1,6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy tiên tiến nhất rộng 200.000 m2 cung cấp khả năng đóng gói chip bán dẫn thế hệ tiếp theo.

Một giám đốc điều hành kinh doanh có hiểu biết trực tiếp về hoạt động của Amkor tại Việt Nam cho biết một số thiết bị được lắp đặt trong nhà máy mới đã được chuyển từ các nhà máy ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Amkor đã không trả lời các yêu cầu bình luận của Reuters về việc chuyển giao dây chuyền này.

Intel hiện đặt nhà máy sản xuất chip với công suất lớn nhất của hãng tại Việt Nam.

Tăng trưởng phân khúc hậu cần của ngành sản xuất chip tại Việt Nam đã được chính quyền ông Biden thúc đẩy trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Điều này còn có thể leo thang hơn nữa với nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.

Nhờ phần lớn khoản đầu tư từ các công ty nước ngoài, Việt Nam dự kiến chiếm 8-9% thị phần toàn cầu về lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (ATP) vào năm 2032, từ mức chỉ 1% vào năm 2022, theo báo cáo được Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ và Boston Consulting Group công bố vào tháng 5.

Các công ty trong nước cũng dự kiến đóng góp vào dự báo tăng trưởng của ngành.

3 nguồn tin cho biết Tập đoàn FPT đang xây dựng nhà máy thử nghiệm gần Hà Nội, rộng 1.000 m2 dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm tới với 10 máy thử nghiệm. Con số này sẽ tăng gấp 3 vào năm 2026, với khoản đầu tư lên tới 30 triệu USD. Công ty đồng thời đang tìm kiếm các đối tác chiến lược trong lĩnh vực này.

Tập đoàn Sovico cũng đang tìm kiếm đối tác nước ngoài để cùng đầu tư vào một cơ sở ATP tại Đà Nẵng, theo ông Lê Đăng Dũng, cố vấn cao cấp của Sovico.

Reuter khẳng định Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu trở thành một nhân tố trong lĩnh vực sản xuất chip ở giai đoạn đầu. Trong đó, Viettel có kế hoạch xây dựng nhà máy đúc chip đầu tiên nhằm đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là có ít nhất một xưởng đúc chip đi vào hoạt động vào năm 2030.

Hiện, cả FPT và Viettel đều không phản hồi yêu cầu bình luận từ phía Reuters.

Diệu Thanh

Tin khác