1. Kinh doanh

Các 'ngôi sao' của cuộc thi Tiếng nói xanh mùa đầu tiên giờ ra sao?

Bước ngoặt về nhận thức

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, Lê Đinh Bảo Ngọc, hiện đang là học sinh lớp 12 tại Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), hiểu rõ tác động tàn phá của biến đổi khí hậu đối với quê hương mình. Tuy vậy, nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường chỉ thực sự rõ nét khi em tham gia cuộc thi Tiếng nói Xanh.

“Ở quê hương em, hoạt động bảo vệ môi trường chủ yếu là phong trào nhỏ lẻ như nhặt rác ngoài bờ biển hay vẽ tranh cổ động. Chúng rất ý nghĩa, nhưng để có thể tác động sâu sắc đến các bạn học sinh thì phải tới khi có cuộc thi lớn như Tiếng nói Xanh”, Ngọc cho hay.

Bước ngoặt xuất hiện khi Ngọc được cô giáo động viên điền vào tờ đơn đăng ký tham gia cuộc thi. Hơn 5 tháng sau, cô gái 17 tuổi này xuất sắc cùng với đội mình đạt giải Nhì bảng tiếng Việt với dự án “Mái nhà xanh”.

Bảo Ngọc (trái) và Võ Thế Dũng, thành viên cùng đội, đã đoạt giải Nhì cuộc thi Tiếng nói Xanh mùa 1

Cũng như Ngọc và nhiều bạn trẻ khác, trước khi tham gia cuộc thi, Nguyễn Trần Minh Khuê (học sinh lớp 12 trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, thành viên đội giải Nhất bảng tiếng Anh của Tiếng nói xanh mùa 1) thường nghĩ rằng bảo vệ môi trường chỉ dừng lại ở một số hành động quen thuộc.

"Chúng em thường nghĩ đến việc tái sử dụng đồ vật, hạn chế sử dụng chai nhựa một lần, hay lựa chọn phương tiện giao thông công cộng như đi xe đạp", Khuê chia sẻ.

Sau khi tham gia cuộc thi, Khuê nhận ra, tiêu dùng xanh và di chuyển xanh chỉ là hai trong số rất nhiều phương án để bảo vệ môi trường.

"Thực tế, có đến 10, hoặc thậm chí nhiều hơn thế nữa, những góc độ khác nhau mà chúng ta có thể tiếp cận để tạo ra sức mạnh tổng hợp giải quyết vấn đề", Khuê tâm sự. Sau cuộc thi, cô nữ sinh 17 tuổi cũng hiểu mọi hành động, dù nhỏ bé trong bất cứ lĩnh vực nào, đều có thể trở thành một phần của nỗ lực chung bảo vệ môi trường.

"Em nhận ra bảo vệ môi trường không chỉ là việc mình sử dụng hay mua sắm cái gì mà là làm thế nào để mọi quyết định và hành động của mình trong cuộc sống đều hướng đến việc tạo ra tác động tích cực cho môi trường", Khuê nói.

Minh Khuê (ngoài cùng bên phải) và Phạm Bằng An, thành viên cùng đội, mang đến cuộc thi sáng kiến mô hình phòng khám di động xanh.

Hành trình tiếp nối

Cuộc thi cũng là bước đệm để các thí sinh như Bảo Ngọc, Minh Khuê bước vào hành trình mới - hành trình trở thành nhà lãnh đạo trẻ, với tư duy và hành động xanh. Trên khắp mọi miền đất nước, nhiều phong trào môi trường đã được dẫn dắt và tổ chức bởi chính bạn trẻ vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Sau cuộc thi, Ngọc cùng một số người bạn đã lên ý tưởng thành lập câu lạc bộ xanh ngay tại trường. "Trường em chưa có câu lạc bộ xanh nào, nhưng nhờ kiến thức và kinh nghiệm từ cuộc thi, em hy vọng sẽ có cơ hội chia sẻ với các bạn, lan tỏa điều em học hỏi được đến nhiều người hơn nữa", cô gái 17 tuổi chia sẻ với ánh mắt đầy quyết tâm.

Còn Minh Khuê cho biết em cùng bạn mình có ý định triển khai dự án Ecoway - gây quỹ trồng rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu.

“Em nhận thấy rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, lọc nước và tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn đang bị thu hẹp nghiêm trọng”, Khuê giải thích ý tưởng.

Khuê chia sẻ thêm dự án dự kiến kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7/2025. Ở giai đoạn đầu, nhóm tập trung gây quỹ để mua cây giống thông qua hoạt động bán bánh và phụ kiện tại trường học, đồng thời quảng bá dự án trên mạng xã hội. Sau đó, các thành viên sẽ trực tiếp tham gia trồng rừng tại đảo Cát Hải (Hải Phòng), dự kiến hợp tác với CLB Xanh 1908 của Trường Chu Văn An cùng các tổ chức môi trường khác nhằm mở rộng quy mô chiến dịch.

“Nhờ cuộc thi, em cũng tự tin hơn trong việc lập kế hoạch và triển khai hoạt động trồng rừng, biết cách sử dụng kênh truyền thông để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường”, Khuê nói.

Trong khi đó, Lê Trần Phương Uyên, hiện là học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu (Đồng Tháp), diễn giả được yêu thích nhất ở bảng tiếng Anh mùa 1, đang ấp ủ kế hoạch nâng cấp vườn rau hữu cơ tại trường.

“Trường em dự định cho học sinh tự sáng tạo hệ thống trồng cây thủy canh và khí canh”, Uyên cho biết. Nước sau khi tuần hoàn qua luống rau sẽ được tái sử dụng. Thay vì đổ bỏ nước cũ xuống ao hồ, các bạn có thể sử dụng nước đó để nuôi cá, tạo ra vòng tuần hoàn bền vững và hiệu quả hơn.

Uyên cho hay cuộc thi đã cung cấp cho em cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề thực tiễn khi triển khai hệ thống thủy canh và khí canh cho khu vườn. Những trải nghiệm từ cuộc thi Tiếng nói Xanh không chỉ giúp thí sinh phát triển cá nhân mà còn góp phần vào sự thành công của dự án mà các em theo đuổi.

Sau thành công vang dội của mùa đầu tiên, cuộc thi Tiếng nói Xanh chuẩn bị trở lại với mùa 2 đầy hứa hẹn. Hành trình xanh sẽ tiếp tục, mở ra cơ hội cho những ý tưởng sáng tạo được ươm mầm và phát triển, giúp thế hệ trẻ vững bước trên con đường kiến tạo tương lai bền vững.

Cuộc thi hùng biện - tranh biện "Tiếng nói Xanh" là một trong nhiều hoạt động cụ thể của Quỹ Vì tương lai xanh – Tập đoàn Vingroup nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy xã hội chung tay hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người.

Tham gia cuộc thi, các thí sinh không chỉ có cơ hội được thể hiện bản lĩnh và khả năng tư duy sáng tạo, mà còn được tham gia các buổi đào tạo kỹ năng hùng biện - tranh biện với các chuyên gia hàng đầu và được học hỏi các kiến thức mới từ các giáo sư, học giả nổi tiếng thế giới trong các Hội đồng chuyên môn.

Thí sinh xem chi tiết thể lệ cuộc thi và đăng ký tham gia mùa 2 của cuộc thi qua cổng thông tin chính thức: https://talkgreenfuture.net, được mở từ 0h00 ngày 16/9/2024 đến 23h59 ngày 31/10/2024.

Tin khác