1. Kinh doanh

Các công ty kiểm toán và vấn đề về vốn

Điều lệ góp vốn trong các công ty kiểm toán khá khắt khe. Ảnh: H.R.

Big 4 [1] không trực tiếp tham gia các thị trường vốn cổ phần. Chúng khó bán mà cũng khó giành được quyền kiểm soát. Các công ty kiểm toán tổng hợp điển hình thường tăng thêm đối tác và khéo léo bình thường hóa các nghĩa vụ và quyền lợi của họ. Như vậy, không như các hợp đồng liên doanh tiêu chuẩn, các cuộc sáp nhập dịch vụ chuyên nghiệp là những hành động mang tính cá nhân cao, rất giống việc sáp nhập của các câu lạc bộ quý ông.

Một số vụ sáp nhập trong quá trình bàn bạc giữa các công ty kiểm toán đã bị từ bỏ do những thách thức của cấu trúc hợp danh. Những khó khăn trong việc giành được hợp đồng thông qua nhiều khu vực tài phán và văn phòng, và thống nhất chia sẻ lỗ và lãi đều là những vấn đề có chiều hướng cản trở. Những khó khăn tương tự này là các rào cản đối với việc Big 4 đầu tư thỏa đáng vào đổi mới sáng tạo.

Phụ thuộc vào đòn bẩy và lộ trình lên cộng sự, và vào quyết định tập thể, các công ty không thể nhanh chóng trang bị lại công cụ hay tái định hướng. Nếu so với nhiều doanh nghiệp và đa số doanh nghiệp khởi nghiệp, trong cấu trúc thành viên hợp danh không có nhiều phạm vi để thăng hạng chóng vánh, thình lình biến đổi các hạng mục tiền công, trả thưởng một lần hay chia sẻ vốn chủ sở hữu đáng kể. Hay để chấp nhận rủi ro lớn.

Mọi doanh nhân sẽ đồng tình rằng doanh nghiệp khởi nghiệp cần một lượng vốn phù hợp, vào đúng thời điểm và thỏa mãn đúng các điều kiện. Trông đợi vào số lợi nhuận giữ lại và tiền vốn đóng góp của các cộng sự không có khả năng tạo ra đúng lượng vốn có đúng mức chịu rủi ro với đúng mức giá.

Ủy ban Hướng dẫn Kiểm toán châu Âu lần thứ 8 đã đưa ra giới hạn 49% cho quyền sở hữu ngoài và yêu cầu phần lớn ban quản trị của một công ty kiểm toán phải là các kiểm toán viên được EU chấp nhận.

Năm 2011, Ủy ban Kinh tế Anh đã dự tính những quy định quyền sở hữu mới cho Big 4, nhằm “giúp các công dễ huy động vốn hơn để mở rộng thị trường làm kiểm toán cho các công ty lớn nhất”. Ủy ban nhấn mạnh, chi phí sử dụng vốn trong các công ty hợp danh dịch vụ chuyên nghiệp “cao hơn đáng kể so với trong một mô hình sở hữu đầu tư ngoài”.

Ngoài số vốn hợp lý, một chi nhánh được bồi dưỡng tốt cần được nội bộ cho phép và có tự do vận hành. Mô hình Big 4 có xu hướng nghiêng về chủ nghĩa bảo thủ và ra quyết định chậm chạp: Các quyết định chiến lược chính đôi khi phải được đưa ra giữa thời điểm chiến đấu với các công ty quốc gia, và luôn có tác động đến các đội nhóm và khách hàng.

Các thương hiệu quý giá của các công ty càng làm tăng mức e ngại rủi ro của họ. Để bảo vệ danh tiếng, Big 4 không thể chấp nhận quá nhiều thử nghiệm thất bại.

Trong hai thập kỷ qua, các bộ phận Rủi ro của Big 4 đã tăng trưởng cả về quy mô lẫn quyền lực. Những bộ phận này về cơ bản còn ngại rủi ro hơn cả những bộ phận khác trong Bộ Tứ, nhưng làm doanh nhân là điều đòi hỏi tìm kiếm và chấp nhận rủi ro hợp lý.

Ngay cả nếu các nhà điều tiết bên ngoài cho phép Big 4 thử nghiệm các mô hình kinh doanh cơ bản của họ, nội bộ cho phép làm hay không lại còn tùy. So với một “Công ty Kiểm toán” mới, không có trói buộc, huy động vốn tốt, thì Big 4 không hợp với cuộc chơi.

Bình thường, các công ty hợp danh dịch vụ chuyên nghiệp sẽ không cần nhiều vốn. Hầu hết giá trị của họ nằm ở nhân sự và các mối quan hệ khách hàng, chứ không phải các tài sản hữu hình. Hơn nữa, vốn của người chung vốn trong hợp danh có tính thanh khoản kém, cứ nằm trong công ty và phụ thuộc vào việc thu hút và tăng thêm các người chung vốn khác. Người chung vốn ở những giai đoạn khác nhau lại có động cơ xung đột với nhau về vấn đề đầu tư vào đổi mới. Ví dụ, những cổ đông lâu đời hơn sắp về hưu có thể phản đối các khoản đầu tư có kỳ trả lãi kéo dài. Chính những đối tượng đó lại thường nắm giữ vị trí lãnh đạo trong các công ty. (Chẳng hạn, năm 2009, PwC Trung Quốc đã sửa đổi hợp đồng hợp danh của công ty để giảm quyền bỏ phiếu của những cổ đông mới.) Và đổi mới đòi hỏi năng lực lãnh đạo.

Nếu khả năng thấp lại xảy ra, và một công ty Big 4 thành công tạo ra một đột phá lớn đối với mô hình dịch vụ truyền thống cũ, giữa các văn phòng làm việc hẳn sẽ xuất hiện xung đột chưa từng có.

Đối mặt với một sản phẩm mới, sinh ra từ chính nội bộ công ty, hứa hẹn khiến nhân viên và cơ sở hạ tầng của các công ty thành dư thừa, những động cơ này của công ty thậm chí sẽ tồi tệ hơn cả của một hãng sản xuất ô tô truyền thống nắm trong tay một bằng sáng chế ô tô điện.

Tại sao tồi tệ hơn? Vì nhà sản xuất ô tô điển hình là một doanh nghiệp có một tập hợp các chủ sở hữu và một tập hợp các mục tiêu bắt buộc trong kinh doanh. Ngược lại, trong mạng lưới Big 4, lực thúc đẩy của các thực tiễn hành nghề quốc gia được quyết định chung. Một cá nhân hành nghề nghĩ ra một cách biến đổi nghề kế toán trên phạm vi toàn cầu rất có thể vi phạm hợp đồng cấp phép, và chắc chắn sẽ tạo ra kẻ thắng, người thua ngay trong mạng lưới nhượng quyền.

Vấn đề tương tự đang diễn ra trên quy mô lớn hơn giữa các Big 4. Nếu một trong Bộ Tứ bất ngờ đổi mới thành công một cách thần kỳ, một công ty hoặc nhiều hơn trong số còn lại sẽ bị tụt lại. Khi đã bàn đến sự thay đổi triệt để đạt được nhờ các cải cách độc quyền, các công ty không thể cùng thành công, cùng lúc và theo cùng một cách.

[1] Chỉ bốn công ty lớn về kiểm toán là: Deloitte, Ernst & Young (E&Y), PricewaterhouseCoopers (PwC) và Klynveld Peat Goerdeler (KPMG).

D. Gow & Stuart Kells/ Best Books & NXB Công thương

Tin khác