1. Kinh doanh

Bùng nổ dịch vụ xin nghỉ việc hộ tại Nhật Bản

Công ty Momuri có trụ sở tại Tokyo nhận thấy nhu cầu đối với dịch vụ xin nghỉ việc hộ của mình liên tục tăng mạnh kể từ khi họ bắt đầu hoạt động kể từ năm 2021.

Momuri là một trong số 100 công ty trong lĩnh vực xin nghỉ việc hộ tại Nhật Bản. Theo chia sẻ của giám đốc điều hành Shinji Tanimoto, công ty đã nhận được khoảng 350,000 yêu cầu tư vấn trực tuyến và hoàn thành 20,000 đơn xin từ chức. “Chúng tôi xin nghỉ việc thay cho những người vì bất kỳ lý do nào mà không thể tự mình làm điều đó”, ông Tanimoto cho biết.

Quy trình xử lý yêu cầu của Momuri có thể chỉ mất từ 20 - 30 phút. Cụ thể, 1 trong số 50 nhân viên của Momuri sau khi nói chuyện với khách hàng sẽ gọi điện hoặc tới gặp trực tiếp nhà tuyển dụng để xin nghỉ việc hộ. Momuri cũng có một đội ngũ luật sư giúp xử lý các tranh chấp và vấn đề pháp lý.

Sau khi liên hệ với Momuri qua một ứng dụng nhắn tin phổ biến, khách hàng sẽ được yêu cầu hoàn thành một bảng câu hỏi, ký hợp đồng và trả phí 22.000 Yên (tương đương 3,7 triệu đồng) nếu là nhân viên toàn thời gian và 12.300 Yên (~2 triệu đồng) nếu là nhân viên bán thời gian hoặc hợp đồng lao động có thời hạn nhất định.

Người sử dụng dịch vụ của Momuri chủ yếu ở độ tuổi 20-30, trong đó có nhiều sinh viên mới tốt nghiệp. Theo Bộ Lao động Nhật Bản, hơn 30% sinh viên mới tốt nghiệp đại học thường rời bỏ công việc của họ trong vòng ba năm. Nhiều người nhận xét, đây là con số không thể tưởng tượng nổi trong thời kỳ xây dựng kinh tế hậu thế chiến ở Nhật Bản.

Cuộc khủng hoảng lao động của Nhật Bản – một hệ quả của tỷ lệ sinh thấp – cũng đã khiến các nhà tuyển dụng tìm mọi cách để giữ chân nhân viên, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ phải dùng đến hình thức đe dọa nhân viên ở lại. Một số bắt buộc nhân viên phải tìm được người thay thế thì mới được nghỉ việc hoặc thậm chí họ còn xé bỏ đơn từ chức trước mặt nhân viên.

Các chuyên gia nghiên cứu chỉ ra, xu hướng xin nghỉ việc hộ xuất phát từ sự khác biệt văn hóa giữa những người lao động thuộc thế hệ Gen Z và các công ty có văn hóa doanh nghiệp truyền thống. Tại đó, khi nhân viên làm việc lâu năm, được thăng chức và tăng lương sẽ phải thể hiện tinh thần trung thành tuyệt đối đối với công ty. Nhiều ông chủ coi việc xin từ chức là một hành vi xúc phạm mang tính cá nhân.

Mặc dù đối tượng khách hàng của Momuri chủ yếu là thanh niên, nhưng công ty cũng nhận được yêu cầu từ một số người lao động lớn tuổi. “Chúng tôi xử lý tất cả các loại công ty, từ các tên tuổi lớn đến các doanh nghiệp nhỏ”, giám đốc Momuri Shinji Tanimoto nói và tiết lộ rằng công ty từng có lần nộp 45 đơn từ chức cho cùng một công ty trong một lần.

Phản ứng của các nhà tuyển dụng cũng có nhiều khác biệt. Chỉ có một số ít là thấy có lỗi và gửi lời xin lỗi tới nhân viên, trong khi phần lớn đơn giản là chấp thuận và hoàn tất thủ tục giấy tờ cần thiết. “Tuy nhiên, cũng có những người gần như “phát điên” và đe dọa cả chúng tôi”, ông Tanimoto kể lại.

Số lượng đơn yêu cầu tư vấn gửi tới các công ty cung cấp dịch vụ xin nghỉ việc hộ thường tăng vọt sau những kỳ nghỉ lễ dài ngày, vào cuối tuần và thậm chí là vào các ngày mưa - thời điểm mà mọi người có xu hướng ủ rũ và suy nghĩ nhiều hơn. Theo nhà cung cấp thông tin việc làm Mynavi, cứ 1 trong 6 người lao động ở Nhật Bản đã tìm tới dịch vụ xin nghỉ việc hộ để thay đổi trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 6/2024.

40,7% người tham gia khảo sát của Mynavi cho biết họ tìm kiếm sự giúp đỡ bởi nhà tuyển dụng ngăn cản họ rời đi. Gần 1/3 người được hỏi nói rằng môi trường làm việc của họ khiến việc thông báo ý định từ chức là không thể, trong khi 25% lo sợ rằng công ty sẽ có phản ứng tiêu cực.

Hạnh Chi

Tin khác