Bùng nổ của video thương mại giúp GMV của Việt Nam đạt 22 tỉ USD
Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á lần thứ chín với chủ đề “Lợi nhuận trên đà tăng trưởng, khai thác lợi thế của khu vực Đông Nam Á”, cập nhật xu hướng kinh tế số của sáu quốc gia gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam trên các lĩnh vực thương mại điện tử, giao đồ ăn, vận tải, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và dịch vụ tài chính.
Bất chấp các thách thức toàn cầu, nền kinh tế số Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế ổn định, nhu cầu tiêu dùng cao và công nghệ tiến bộ. Năm 2024, khu vực dự kiến đạt GMV (tổng giá trị hàng hóa) 263 tỉ USD và lợi nhuận 11 tỉ USD, với CAGR (tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm) tương ứng 15% và 24% từ năm 2023.
Lần đầu tiên, báo cáo nhấn mạnh lợi nhuận, chỉ ra các doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể hiệu quả thông qua tối ưu chi phí hoa hồng, chính sách trả thưởng có mục tiêu và khai thác nguồn thu mới. Điều này giúp lợi nhuận trong khu vực tăng gấp 2,5 lần chỉ trong hai năm qua.
Những điểm nhấn chính của Việt Nam trong báo cáo năm nay bao gồm:
1. Nền kinh tế số Việt Nam giữ vững mức tăng trưởng hai con số, thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực thương mại điện tử và du lịch trực tuyến
Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 16%, chạm mốc 36 tỉ USD vào năm 2024, hai lĩnh vực thương mại điện tử và du lịch trực tuyến là động lực thúc đẩy chính.
Ngành thương mại điện tử, với GMV 22 tỉ USD, đã tăng trưởng 18% so với năm 2023, trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Việt Nam. Ở khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng của lĩnh vực này được thúc đẩy thần tốc bởi sự bùng nổ của video thương mại (video commerce) – một xu hướng sử dụng nội dung video để quảng bá và bán hàng. Không chỉ đóng góp vào GMV và thu hút khách hàng mới, hình thức video thương mại chứng kiến tăng trưởng nhanh chóng trong năm qua. Mặc dù tác động toàn bộ của video commerce trong việc giữ chân khách hàng lâu dài vẫn chưa rõ nét, mô hình này mang lại tiềm năng xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng và thúc đẩy lòng trung thành lâu dài với thương hiệu
Năm 2023, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng mở rộng phạm vi khám phá, những từ khóa tìm kiếm không chứa tên thương hiệu chiếm 68% tổng lượng tìm kiếm, trong khi đó tìm kiếm về các thương hiệu cụ thể chiếm 32% còn lại.
Bên cạnh đó, du lịch trực tuyến đạt GMV 5 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phục hồi của du lịch nội địa và quốc tế, đặc biệt từ nhóm khách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đã tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho lĩnh vực này.
2. Lĩnh vực truyền thông trực tuyến tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á
Truyền thông trực tuyến tại Việt Nam dự báo đạt GMV 6 tỉ USD vào năm 2024, với CAGR 14%, cao nhất Đông Nam Á. Nội dung video nguyên bản tiếp tục là động lực chính, đặc biệt là các video về thời trang và phong cách, thu hút đông đảo nhà sáng tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trong ngành phát triển game di động, nhờ hệ sinh thái công nghệ năng động và đội ngũ nhà phát triển tài năng.
3. Thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn với các hãng xe nội địa và xe điện (EV)
Lĩnh vực gọi xe và giao đồ ăn tại Việt Nam đạt GMV 4 tỉ USD năm 2024, tăng trưởng 12%. Sự xuất hiện của các hãng xe nội địa và các giải pháp xe điện (EV) đã làm thị trường trở nên cạnh tranh gay gắt. Một số công ty lớn trong khu vực phải rút lui, nhường chỗ cho sự đổi mới và phát triển của các công ty địa phương. Xu hướng này không chỉ tái định hình thị trường mà còn đẩy nhanh sự phổ biến của xe điện trong tương lai.
4. Mối quan tâm và nhu cầu về AI dẫn đầu ở các khu vực đô thị tại Việt Nam, điển hình là TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng
AI đang trở thành trọng tâm phát triển tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Các ngành giáo dục, y tế và tiếp thị dẫn đầu về lượng tìm kiếm liên quan đến AI. Chính phủ đã triển khai các sáng kiến ưu tiên phát triển AI và công nghệ bán dẫn, thúc đẩy nền kinh tế số.
Sự phổ biến của các công cụ sáng tạo tích hợp AI cũng thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo tại Việt Nam. Năm 2024, hơn 22% lượt tải xuống ứng dụng tại Việt Nam liên quan đến các tính năng AI như chỉnh sửa video và tạo nội dung.
5. Một xã hội không tiền mặt đang nhanh chóng được hình thành tại Việt Nam, thúc đẩy bởi việc áp dụng rộng rãi các phương thức thanh toán kỹ thuật số và các sáng kiến của Chính phủ
Sự chuyển đổi sang một xã hội không tiền mặt tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng, nhờ vào sự phổ biến của ví điện tử và thanh toán QR. Chính phủ đã thúc đẩy nhiều sáng kiến để tiêu chuẩn hóa hệ thống thanh toán, giúp nâng cao khả năng tương tác và khuyến khích người dân áp dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số.
6. Nguồn vốn tư nhân giảm trên mọi lĩnh vực
Năm 2023 đánh dấu sự suy giảm nguồn vốn tư nhân tại Việt Nam, với chỉ 23 thương vụ được ghi nhận trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, 80% nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính số, công nghệ y tế, phần mềm và AI. Các doanh nghiệp đang tập trung xây dựng mô hình kinh doanh bền vững để thu hút nguồn vốn mới, hướng tới sự tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2025 trở đi.
Ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: “Người dùng Việt Nam cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn về AI trong năm 2024 và thật đáng khích lệ khi Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên lĩnh vực này. Cam kết “Kiến tạo Việt Nam, với Google AI” của Google tiếp tục hỗ trợ kinh tế số Việt Nam tăng trưởng bằng cách giúp lực lượng lao động và doanh nghiệp địa phương trang bị kỹ năng và kiến thức sẵn sàng cho kỷ nguyên AI. Chúng tôi tự hào đã tạo ra tác động tích cực với các sáng kiến như “Google for Startups Accelerator” và mới nhất là quỹ 1 triệu USD dành cho nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam thông qua Đại học Fulbright Việt Nam.”
Tùy Phong (Theo Google)