1. Kinh doanh

Bữa trưa bỗng dưng thành gánh nặng

Giá bữa trưa ở các cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc đồng loạt tăng. Ảnh: GS Retail.

Theo báo cáo hôm 28/10, các cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc - vốn được ưa chuộng vì có nhiều lựa chọn bữa ăn giá cả phải chăng trong bối cảnh giá nhà hàng tăng cao - đang ghi nhận nhu cầu giảm. Điều này là do giá các mặt hàng chế biến sẵn tăng vì lạm phát.

Đây là ví dụ mới nhất về "lạm phát bữa trưa" (lunchflation) - thuật ngữ để chỉ giá bữa trưa tăng cao. Xu hướng này ảnh hưởng lớn đến các cửa hàng tiện lợi khi chi phí nguyên liệu và giao hàng tăng và đặt sức ép lên người lao động.

Hàn Quốc là một trong nhiều quốc gia đang chứng kiến "lạm phát bữa trưa" lan rộng. Theo đó, người lao động phải chấp nhận mua những bữa ăn giá rẻ, thậm chí bỏ bữa trưa để tiết kiệm tiền.

Tăng giá là không thể tránh khỏi

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn như BGF Retail và GS Retail của Hàn Quốc, phụ thuộc vào các nhà cung cấp nhỏ, cho biết việc tăng giá là không thể tránh khỏi để duy trì chuỗi cung ứng của họ.

CU, một trong những thương hiệu nhượng quyền tiện lợi lớn nhất do BGF Retail điều hành, đã giới thiệu hộp cơm trưa có thịt heo cốt lết, giá 6.900 won (4,97 USD). Mức giá này khá cao vì hầu hết người tiêu dùng đều mong đợi trả dưới 5.000 won (3,61 USD) cho một bữa ăn tại bất kỳ cửa hàng tiện lợi nào.

Emart24, một thương hiệu lớn khác do tập đoàn bán lẻ khổng lồ Emart điều hành, đã tiết lộ về bữa ăn tương tự với cùng mức giá.

Nhiều bữa ăn mới ra mắt tại CU, Emart24, GS25 và 7-Eleven có giá từ 6.000 won (4,34 USD) đến gần 7.000 won (5,06 USD). Tại GS25, 5 trong số 16 bữa ăn sẵn có giá gần 6.000 won.

Gimbap (cơm cuộn với nhiều loại nguyên liệu khác nhau) hiện có giá hơn 3.000 won (2,17 USD) tại cả 4 thương hiệu cửa hàng tiện lợi, với mức giá cao nhất tăng tới 20%. Gimbap hình tam giác, còn được gọi là samgak gimbap, trước đây được bán với giá 1.500 won (1,08 USD).

Các doanh nghiệp cho biết việc tăng giá phần ăn là không thể tránh khỏi trong bối cảnh lạm phát. Ảnh: Yonhap.

Theo các công ty, việc tăng giá là một bước đi tất yếu trước bối cảnh giá thịt và các nguyên liệu khác đang tăng cao.

Một quan chức của công ty nhượng quyền cho biết: "Giá nguyên liệu thực phẩm tăng đang gây thêm áp lực cho các nhà cung cấp và bên nhượng quyền của chúng tôi vì họ không thể tiếp tục duy trì mức giá tiêu dùng như hiện tại".

Theo Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc, giá thực phẩm tại các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng trên toàn quốc đang tăng, bao gồm cả các món ăn truyền thống có giá cả phải chăng như mì tương đen và món hầm kim chi. Trong số 27 món thực phẩm phổ biến nhất của đất nước, 14 sản phẩm đã chứng kiến giá tăng tới 7,2%.

Lạm phát thay đổi thói quen ăn trưa của dân văn phòng

"Lạm phát bữa trưa" cũng đang lan rộng tại Nhật Bản - nơi nhân viên văn phòng phải chọn bữa trưa siêu rẻ giữa tình hình vật giá leo thang chóng mặt, theo The Guardian.

Sau hai thập kỷ bị mắc kẹt trong "bẫy giảm phát", Nhật Bản đang buộc phải thích nghi với giá cả tăng cao do các vấn đề về chuỗi cung ứng và những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19. Mặc dù tránh được mức lạm phát tăng cao tồi tệ nhất đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế hàng đầu khác, các hộ gia đình Nhật Bản vẫn buộc phải thắt lưng buộc bụng.

Điều đó có nghĩa là những sarari - nhân viên văn phòng nam - thường có thói quen ăn gần nơi làm việc vào giờ ăn trưa phải chật vật hơn.

"Lạm phát giờ trưa" cũng đang lan rộng tại Nhật Bản. Ảnh: Alamy.

Những người làm công ăn lương đã phải đối diện khó khăn từ năm 2021, khi giá thịt bò nhập khẩu tăng vọt buộc chuỗi nhà hàng Yoshinoya phải tăng giá món ăn cỡ thường - món chủ lực của dân văn phòng - lần đầu tiên sau 7 năm.

Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vẫn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khi giá của hơn 30.000 mặt hàng thực phẩm đã tăng trong năm qua, không có gì ngạc nhiên khi tiết kiệm trở thành tiêu chí đứng đầu trong lựa chọn bữa trưa của người lao động.

Trong một cuộc khảo sát năm ngoái của dịch vụ cho vay xã hội Lendex có trụ sở tại Tokyo, gần một nửa số nhân viên văn phòng trong độ tuổi 20-50 cho biết họ chi dưới 500 yen (3,28 USD) một ngày cho bữa trưa. Nhiều người mang theo bento (hộp cơm) từ nhà, nhưng cũng có một tỷ lệ đáng kể, khoảng 22,6%, chấp nhận "bữa trưa một đồng xu" (tương đương 500 yen) để vượt qua buổi chiều.

Một cuộc khảo sát khác do nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Edenred tại Nhật Bản thực hiện cho thấy khoảng 40% nhân viên văn phòng nam và nữ đã hạn chế chi phí ăn trưa, trong khi gần 70% cho biết đã từ chối những món ăn yêu thích để tiết kiệm tiền.

"Lạm phát bữa trưa" đã khiến nhiều dân văn phòng tại Mỹ thay đổi thói quen ăn uống. Ảnh: Pexels.

Tại Mỹ, theo "Báo cáo Bữa trưa năm 2024" của ezCater, trong đó khảo sát 4.000 người lao động tại 10 thành phố, tác động của lạm phát đã khiến bữa trưa trở thành thứ mà nhân viên, đặc biệt là những người làm việc trong văn phòng, phải lập kế hoạch chi tiết nhiều hơn.

Hơn 3/4 số người được hỏi (78%) cho biết lạm phát đã thay đổi thói quen ăn trưa của họ, nhưng các biện pháp khắc phục để vượt qua lạm phát bữa trưa của từng cá nhân lại khác nhau.

Do chi phí tăng cao cho thực phẩm chế biến tại nhà và nhà hàng, hơn 1/3 nhân viên đã có lựa chọn rẻ hơn khi lập kế hoạch cho bữa trưa của mình. Có 31% cho biết mua bữa trưa ít thường xuyên hơn và 25% nói rằng đang thắt chặt hầu bao dành cho bữa trưa tại văn phòng.

Bên cạnh đó, việc phải tự chuẩn bị đồ ăn để đối phó với giá cả tăng cao cũng ảnh hưởng đến nhiều mặt cuộc sống của người lao động hơn là tài chính. Gần 3/4 (73%) cho biết việc chuẩn bị nhiều bữa trưa hơn đã tác động đến thời gian rảnh rỗi của họ và hơn một nửa (56%) nói rằng việc chuẩn bị bữa trưa mang đi làm đã gây ra căng thẳng.

Mặc dù 98% nhân viên cho biết giờ nghỉ trưa sẽ giúp họ nạp lại năng lượng, gần một nửa (49%) bỏ bữa trưa ít nhất một lần một tuần.

Đinh Phạm

Tin khác