Bộ đội giúp dân an cư nơi biên giới
Năm 1986, vợ chồng ông Bùi Văn Lánh vượt hơn một ngàn cây số từ xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vào xã Ea Bung lập nghiệp. Sau nhiều năm cố gắng dành dụm, vợ chồng ông Lánh đã dựng được ngôi nhà khang trang. Ngồi trước hiên nhà, nhìn ra ao cá trước mặt, phía xa là cánh đồng lúa đang độ trổ đòng, ông Lánh bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên lập nghiệp ở vùng đất này. “Chúng tôi đi ô tô 7 ngày 7 đêm mới vào tới đây. Tài sản của hai vợ chồng chỉ là hai bàn tay trắng. Nhà nước hỗ trợ cho chúng tôi 6 tháng gạo, 1.000m2 đất làm nhà. Ban đầu, khổ cực vô cùng. Cả vùng này là rừng cây rậm rạp, ong muỗi nhiều vô kể. Gần như người nào vào đây cũng bị sốt rét do muỗi đốt. Tôi phải tự đi tìm gỗ, xẻ ván để dựng nhà, đào giếng lấy nước ăn. Đường đi chưa có, chúng tôi đều phải cuốc bộ đi đường mòn, đường tắt. Nói chung là gian truân lắm. Cơm chỉ có rau cải, lúc giáp mùa còn phải ăn độn khoai sắn” - ông Lánh kể.
Vốn chăm chỉ, chịu khó, vợ chồng ông Lánh tần tảo sớm hôm, vỡ hoang đất để làm lúa vụ. “Hồi đó không có máy móc, chúng tôi phải tự tay cuốc đất, mượn trâu bừa qua rồi gieo hạt, rất vất vả. Cỏ mọc rất nhiều, đi gieo hạt lúa trước là phải ngoái lại sau để nhổ cỏ” - ông Lánh nhớ lại.
Nhìn lại hành trình lập nghiệp ở Tây Nguyên, ông Lánh bảo, điều đáng quý nhất là bà con luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Đặc biệt, BĐBP luôn gần gũi hướng dẫn và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. “Nhờ sự đồng lòng, đồng sức của bà con, bộ đội và chính quyền, bây giờ cuộc sống đầy đủ, sung sướng hơn trước đây rất nhiều. Đường đi đã được đổ nhựa hoặc bê tông hóa, nhà cửa, trường, trạm khang trang. Cánh đồng lúa rộng lớn. Có những gia đình làm mấy chục ha lúa nước” - ông Lánh vui vẻ nói.
Dẫn chúng tôi đi thăm ao cá phía trước nhà, ông Lánh phấn khởi giới thiệu: “Mô hình sinh kế này có bàn tay của những người lính Biên phòng. Ao cá này trước đây là vùng đất cằn đầy sỏi đá, trồng lúa không hiệu quả, vì thế, tôi múc đất làm ao thả cá. Tôi thả cá trắm, chép, mè. Các chú Biên phòng hỗ trợ gia đình tôi mỗi tháng 500.000 đồng tiền mua thức ăn cho cá. Cá lớn sẽ được giá, vì vậy, tôi định nuôi 2 năm mới thu hoạch, lúc đó sẽ được một khoản lớn, muốn sắm sửa đồ đạc hay đầu tư sản xuất đều được”.
Đại úy Trần Mạnh Tiến, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê cho biết: “Để xây dựng biên cương vững mạnh, chúng tôi đã đồng hành và triển khai nhiều hoạt động giúp dân. Mô hình sinh kế nuôi cá thương phẩm là một trong những việc làm cụ thể để giúp người dân có thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Với mô hình này, chúng tôi hỗ trợ hộ ông Lánh kinh phí mua thức ăn cho cá hằng tháng. Khi mô hình thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng ra để giúp đỡ thêm được những hộ dân khác”.
Cả vùng rừng rú trước đây, giờ đã trở thành cánh đồng phì nhiêu màu mỡ. Chúng tôi theo con đường bê tông phẳng lỳ, dọc hai bên đường là cánh đồng lúa tới thăm gia đình bà Trịnh Thị Tân ở thôn 10, đồng hương của ông Lánh. Vợ chồng bà Tân vào đây từ năm 1990. Theo trí nhớ của bà, vùng này cây cối rậm rạp, mới đầu, khi xuống suối lấy nước, bà còn không nhớ đường về, phải đi theo tiếng hú. “Đường đất lầy lội rất khó đi. Mãi sau này, người dân về ở đông, chính quyền mới làm đường dân sinh, đến năm 2020 thì có đường nông thôn mới, đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. Năm 2000 có điện, hệ thống trường trạm theo đó cũng mọc lên, nhờ đó, điều kiện sống của chúng tôi được cải thiện hơn nhiều” - bà Tân nhớ lại.
Anh Nguyễn Văn Đức, con trai bà Tân khi vào đây mới 4 tuổi, giờ đã hơn 30 tuổi và là trụ cột của gia đình. Khi chúng tôi tới nhà, anh đang trò chuyện say sưa về công việc trồng lúa, nuôi cá với Đại úy Lê Văn Hải, cán bộ Đồn Biên phòng Yok M’Bre. Anh sôi nổi kể chuyện: “Nhà tôi có 2ha ruộng lúa nước. Một năm tôi trồng 3 vụ. Vụ chính cho thu hoạch khoảng 9 tạ/sào, vụ phụ cho thu hoạch 7 tạ/sào. Tính chung 2ha cho thu khoảng 16-18 tấn/vụ, cả năm là 40 tấn lúa. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ trồng lúa của gia đình tôi khoảng 60 triệu đồng".
Để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, những người lính Biên phòng gợi ý anh Đức đào ao nuôi cá. “Trong nhiều năm qua, gia đình tôi chỉ trồng lúa nước 3 vụ mà không hề nghĩ tới việc chăn nuôi cho đến khi các anh Biên phòng khơi gợi ở đây nguồn nước dồi dào rất thuận lợi cho nuôi cá. Tôi suy nghĩ và nhận ra các anh ấy nói đúng, mô hình nuôi cá là hoàn toàn khả thi. Vậy là từ năm 2021, cùng với trồng lúa, tôi đào thêm ao để nuôi cá” - anh Đức cho hay.
Với sự hỗ trợ 50% tiền giống và thức ăn của Đồn Biên phòng Yok M’Bre, anh Đức đã thả nuôi 1.000 con cá thác lác. Năm đầu tiên, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Đức thu lãi được 30 triệu đồng. Từ thành công của vụ thử nghiệm đầu tiên, năm 2022 và 2023, anh Đức mạnh dạn tăng số lượng con giống lên 2.000 con. Với giá bán 70.000 đồng/kg, anh thu lãi được 60 triệu đồng. Anh Đức chia sẻ: “Ở đây, chúng tôi chủ yếu trồng lúa 2-3 vụ, đủ để chi tiêu trong gia đình. Từ ngày được BĐBP giúp đỡ làm thêm mô hình nuôi cá, kinh tế gia đình tôi dư dả hơn. Tôi hy vọng trong vài năm nữa sẽ dành dụm đủ tiền để xây dựng ngôi nhà mới khang trang hơn”.
Trò chuyện với chúng tôi, Đại úy Hải cho biết: “Xã Ea Bung có lợi thế là có nguồn nước dồi dào, kênh, rạch phân bố rộng khắp rất thuận lợi cho việc nuôi cá. Do đó, chúng tôi đã xây dựng mô hình nuôi cá thác lác, nhập giống từ An Giang. Đây là loài cá dễ nuôi, dễ chăm sóc, thời gian nuôi ngắn, đầu ra rất ổn định. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng cách thức nuôi dưỡng, điều kiện phát triển của cá trước khi thực hiện thí điểm trong nhân dân”.
Nguyễn Bích