1. Kinh doanh

Bình Định: Hỗ trợ hội viên, phụ nữ chủ động tham gia chuyển đổi số

Hội LHPN tỉnh Bình Định mời diễn giả chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn phụ nữ sử dụng nền tảng xã hội trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm

Để hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, Hội LHPN tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ quản lý nâng cao vị thế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Hội LHPN tỉnh Bình Định mời các chuyên gia lĩnh vực báng hàng chia sẻ kinh nghiệm bán hàng trên các nền tảng số

Tận dụng các nền tảng số như zalo, facebook, youtube, tiktok, shopee..., chị Đặng Thị Cẩm Lai, xã Ân Hảo Đông huyện Hoài Ân đã sản xuất trà nụ hoa hòe, dầu phộng dầu mè phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện sản phẩm của công ty chị đã được cấp chứng nhận đạt OCOP cấp tỉnh và áp dụng hình thức kinh doanh chủ yếu bán hàng trên mạng, sàn thương mại điện tử, đạt hơn 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động. Chị Cẩm Lai chia sẻ: Tôi lựa chọn hình thức bán hàng online vì không bị giới hạn về khoảng cách địa lý. Nhờ tận dụng triệt để các nền tảng online mà có những thời điểm công ty tôi xuất đi cả trăm đơn hàng.

Chị Đặng Thị Cẩm Lai, xã Ân Hảo Đông huyện Hoài Ân bán sản phẩm trà nụ hoa hòe qua nền tảng số

Hay như chị Bích Kiều- chủ cơ sở sản xuất bột ngũ cốc Khánh Giang tại thành phố Quy Nhơn- chia sẻ: "Trước dịch covid-19, tôi chủ yếu bán hàng tại nhà và giao cho các đại lý thuốc tây nhưng mức tiêu thụ không nhiều. Việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến không những là xu thế mà còn là lợi thế cho những người kinh doanh, nhất là những phụ nữ bắt đầu khởi nghiệp".

Chị Bích Kiều -chủ cơ sở sản xuất bột ngũ cốc Khánh Giang - đẩy mạnh bán hàng trực tuyến

Nói về việc chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp, chị Hoàng Thị Thanh Nhã – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định- cho biết: "Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Bình Định chú trọng chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chỉ đạo, triển khai, tổ chức các hoạt động Hội. Qua đó, góp phần thực hiện khâu đột phá "Ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội" được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2021 - 2026, nâng cao hiệu quả công tác Hội và phong trào phụ nữ trên địa bàn, nhất là việc trang bị kiến thức về chuyển đổi số để giúp phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh".

Tập huấn cho hội viên phụ nữ ứng dụng công nghệ trong kinh doanh trên trang mạng xã hội

Nhận thức được vai trò và tác dụng quan trọng của chuyển đổi số trong hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, thời gian qua, hội LHPN các cấp trong tỉnh Bình Định đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chuyển đổi số về mọi mặt, giúp chị em thuận lợi hơn trong công việc chuyên môn, sản xuất, kinh doanh... Các đơn vị trực thuộc, tổ chức thành viên và Hội LHPN cấp cơ sở đã lập được các trang facebook và website giúp hội viên tiếp cận thông tin nhanh, kịp thời hơn. Đã có hàng nghìn phụ nữ được tiếp cận kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội.

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh Bình Định đều tổ chức "Ngày phụ nữ khởi nghiệp", hỗ trợ, kết nối vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vận động khác giúp cho 953 chị khởi nghiệp với số tiền hơn 17 tỷ đồng. Hội LHPN tỉnh Bình Định cũng duy trì tổ chức Cuộc thi để tìm kiếm các ý tưởng mới, mang tính khả thi… nhằm thúc đẩy chị em hiện thực hóa ý tưởng và kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp nữ, hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh.

Thời gian tới, ngoài việc tổ chức các hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh Bình Định sẽ phối hợp với các ngành chức năng đào tạo giúp hội viên phụ nữ tiếp cận được các nền tảng chuyển đổi số, tham gia sàn thương mại điện tử. Đồng thời, kết nối với doanh nghiệp có nguồn lực lớn để đồng hành, hỗ trợ phụ nữ trong quá trình khởi nghiệp.

BK

Tin khác