1. Kinh doanh

Biến đất cằn thành vùng cây trái

Năm 2007, Lưu Công Trường tốt nghiệp chuyên ngành điện - điện tử. Thời điểm đó, với ngành nghề này, anh Trường không khó để có việc làm với thu nhập tốt. Tuy nhiên, 5 năm làm việc ở Thủ đô, với tính cách khiêm nhường, không thích ồn ào nên dường như anh không quen với cuộc sống nơi thành thị. Vì vậy, anh đã rời Thủ đô trở về quê hương để tìm kiếm thử thách mới cho mình.

Những ngày đầu về quê, anh Trường dành thời gian tìm hiểu thực tế và nhận thấy trên địa bàn xã có nhiều đất để hoang hóa, rất lãng phí. Qua phương tiện thông tin đại chúng, anh biết đến nhiều mô hình trồng cây ăn quả có múi (cây cam) trên đất đồi cho thu nhập cao. Để có thêm kinh nghiệm, anh Trường đã về Viện nghiên cứu rau quả để được tư vấn, rồi lên tận Lục Ngạn (Bắc Giang) để học hỏi kỹ thuật. “Giắt lưng” vốn kiến thức, kỹ năng vừa đủ, năm 2016, anh quyết định thuê khu vườn đồi rộng 1,2 ha của một hộ dân trong xã để trồng cam Vinh. Ròng rã hai tháng trời, từ sáng tinh mơ tới khi nhìn không rõ mặt người, anh Trường cùng em trai và 2 nhân công làm thuê chặt từng cây bụi, đánh từng gốc cọ, nhặt đá, cuốc đất, làm đất đến đâu trồng các loại cây họ đậu đến đó để cải tạo vùng đồi cằn, hoang hóa này.

Anh Trường chia sẻ: Do không có điều kiện để thuê máy móc nên mọi công việc đều phải làm thủ công. Thời gian đầu, hai bàn tay phồng rộp vì cuốc đất, đào gốc cây. Sau dần cũng quen bởi những vết chai sần đã giúp bàn tay thêm rắn hơn. Đất không phụ công người, cây cam Vinh bén đất, từng ngày vươn xanh bên những luống cây họ đậu. Sau 3 năm, đồi cam Vinh bắt đầu cho thu quả. Nhớ lại ngày đầu thu trái ngọt trên đất cằn, anh Trường không khỏi xúc động: Cả gia đình mừng vô cùng khi cây cam cho thu hoạch vụ quả đầu tiên, dù sản lượng chỉ đạt 5 tấn nhưng đó là thành quả mà đất trả công người.

Nói thì như vậy. Để có được thành quả ấy, anh Trường phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi và công sức. Không chỉ bỏ sức để cải tạo đất mà anh còn phải bạc tóc để xử lý sâu bệnh hại cam. Nào là bệnh thối rễ, vàng lá, rụng lá đến sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bọ xít, ruồi vàng làm cho quả rụng rất nhiều, khiến anh như ngồi trên đống lửa. Lại một lần nữa, anh phải về Viện nghiên cứu rau quả, rồi lên Lục Ngạn (Bắc Giang) để học hỏi kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cây cam. Ghi chép tỉ mỉ từ lý thuyết đến thực tế, anh Trường đã bắt tay vào xử lý triệt để sâu bệnh, nhờ vậy đến vụ thứ hai, cả diện tích vùng đồi hoang hóa ngày nào đã cho thu hoạch 10 tấn quả. Quả cam Vinh trồng trên đất Khánh Yên Trung bóng đẹp, ngọt thanh đã chinh phục khách hàng trong và ngoài huyện Văn Bàn, thương lái đến tận vườn mua. Đến nay, mỗi năm vườn cam cho gia đình anh Trường thu hoạch trên 20 tấn quả, doanh thu đạt 450 triệu đồng.

Không bằng lòng với thành quả đạt được, anh Trường tiếp tục thuyết phục một hộ dân trong xã nhượng lại 0,8 ha đất vườn đồi chỉ toàn cọ, cỏ lau. Với kinh nghiệm đã tích lũy được, cộng với nguồn lực từ trồng cam mang lại, lần này anh thuê máy xúc đào hết gốc cọ, cày xới đất và tiếp tục đưa cây cam vào trồng, nhưng là cây cam đường canh. Lý giải về việc trồng cây cam đường canh, anh Trường chia sẻ: Cây cam đường canh cho thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán nên cho thu nhập cao hơn. Dự kiến, vụ thu hoạch cam đường canh đầu tiên sẽ được 10 tấn quả, với giá bán trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg thì gia đình anh sẽ thu được 300 triệu đồng.

Với đam mê làm nông nghiệp, năm 2018, anh Nguyễn Huy Bình, thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn đã thuyết phục một số người dân ở thôn Én 1, xã Khánh Yên Trung chuyển nhượng diện tích đất vườn đồi để trồng cây ăn quả. Có được tư liệu sản xuất, anh Bình đầu tư biến 18 ha đất cằn thành trang trại trồng cây ăn quả đặc sản nổi tiếng của Tân An - hồng không hạt. Ngoài lựa chọn giống đảm bảo chất lượng, anh Bình mua thêm phân chuồng để bón cho cây. Sau 4 năm chăm sóc, trang trại hồng đã cho thu hoạch quả. Vụ hồng năm 2024, do thời tiết bất lợi, sản lượng quả không cao. Anh Bình chia sẻ: Gia đình tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế mà muốn chứng minh rằng, có đam mê, quyết tâm và có nguồn lực thì đất cằn cũng đơm trái.

Ngoài anh Trường, anh Bình, trên địa bàn xã Khánh Yên Trung còn có nhiều hộ dân khác đang miệt mài biến đất cằn thành vùng cây ăn quả. Anh Vi Quang Bách, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Trung bộc bạch: Nhờ có anh Lưu Công Trường (thôn Trung tâm), anh Nguyễn Huy Bình hay ông Nguyễn Trường Tam (thôn Én 1) mà nhiều diện tích đất đồi hoang hóa, hoặc canh tác kém hiệu quả đã được chuyển đổi thành những vườn cây trái sum suê, như cam, bưởi, táo, xoài, ổi, hồng. Đó là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của những người đam mê với nông nghiệp, đồng thời khẳng định hiệu quả chủ trương cải tạo vườn tạp, chuyển đổi sang trồng cây có giá trị cao (chủ yếu là cây ăn quả) của xã Khánh Yên Trung.

Đánh giá về hiệu quả chuyển đổi đất vườn đồi hoang hóa sang trồng cây ăn quả, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn Nguyễn Hữu Thiện khẳng định: Khánh Yên Trung là điểm sáng trong việc biến đất cằn thành vùng cây trái ở các xã phía Nam. Quả thực để có được kết quả đó không đơn giản, bởi công sức, áp dụng khoa học - kỹ thuật phải đầu tư nhiều hơn, đồng thời phải có đam mê, tâm huyết, chấp nhận rủi ro. Trong thời gian tới, theo quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả ở các xã phía Nam, đặc biệt là triển khai dự án xây dựng liên kết chuỗi giá trị cây ăn quả, xã Khánh Yên Trung được lựa chọn để trồng các cây ăn quả khác, như mít ruột đỏ, thanh long ruột đỏ… Như vậy, sẽ có thêm nhiều vùng đất cằn đơm trái hiện hữu ở Khánh Yên Trung.

Vũ Thanh Nam

Tin khác