1. Kinh doanh

Bí quyết thành công của chủ trại dê

Ông Nguyễn Văn Đoài.

Thất bại là mẹ thành công

Chia sẻ với chúng tôi về hành trình khởi nghiệp, ông Đoài cho biết, trước đây ông làm rất nhiều nghề, chạy chợ, chăn nuôi lợn, gà, trâu bò sinh sản. Đến năm 2016, gia đình ông mở nhà hàng chuyên về dê món tại Thái Nguyên. Công việc kinh doanh ổn định, tuy nhiên khâu tìm nguyên liệu vất vả quá, chất lượng sản phẩm không đáp ứng yêu cầu nhà hàng. Ông mất nhiều đêm vắt tay lên trán, ngẫm: “Đất đai của nhà rất rộng, con dê lại dễ nuôi, sao mình không thử tự làm”.

Vậy là cha con ông bàn nhau tự nuôi dê, cung cấp nguồn thực phẩm cung ứng cho nhà hàng. Ông bắt tay khởi nghiệp bằng 15 con dê giống. Nghĩ là một chuyện, nhưng đến khi bắt tay vào làm, lại không hề dễ. Do thiếu kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật, đàn dê gia đình ông ngày càng gầy mòn, chết gần hết. Ông bị thất bại ngay lứa đầu tiên.

Quyết tâm không bỏ cuộc, ông Đoài tiếp tục tái đàn dê. Ông dành nhiều thời gian học hỏi và nghiên cứu về con dê, vừa nuôi vừa đút rút kinh nghiệm. Chỉ sau 1, 2 năm, ông đã nắm bắt được hết đặc tính và làm chủ kỹ thuật chăn nuôi con vật này. Trại dê từ 15 con ban đầu đã phát triển lên vài trăm con và đến nay là hàng nghìn con. Trang trại dê của gia đình ông không chỉ cung cấp đủ nguồn thực phẩm cho nhà hàng của gia đình, còn xuất đi các tỉnh phía Bắc. Bình quân mỗi tháng, trại dê xuất cho khách trong và ngoài tỉnh khoảng trên 200 con dê thương phẩm, tháng cao điểm xuất trên 300 con, doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng.

Liên kết để phát triển

Trang trại nuôi dê của gia đình ông Đoài nằm tại vị trí đắc địa - trên một ngọn đồi rộng 3 ha. Chuồng dê nằm giữa lưng chừng đồi, bao quanh bởi vườn cỏ xanh mướt. Ông Đoài chia sẻ: trang trại xây dựng theo kiểu nhà sàn, cao cách mặt đất gần 2m. Chuồng được chia thành 52 ô để dễ kiểm soát và chăm sóc. Hiện trang trại có trên 1.000 con dê. Toàn bộ là giống dê cỏ. Đây là giống dễ nuôi, đặc tính ăn tạp, sức đề kháng cao, ít bệnh.

Cán bộ Hội Nông dân các cấp và hội viên nông dân xã Lang Quán (Yên Sơn) thăm trang trại dê của gia đình ông Nguyễn Văn Đoài.

Theo ông Đoài, để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật rất quan trọng, từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh, chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, định kỳ tiêm phòng bệnh truyền nhiễm cho dê. Đặc biệt, dê vốn là loài ăn tạp nên rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là các loại cỏ, phụ phẩm từ chuối, cám ngô... Việc tận dụng phân để ủ cũng góp phần tạo ra nguồn thức ăn dồi dào cho dê. Nhờ chịu khó chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật, đàn dê của gia đình ông Đoài rất mau lớn, phát triển tốt.

Để mô hình nuôi dê ngày càng phát triển, gia đình ông liên kết cùng 7 hộ dân trên địa bàn xã tham gia chăn nuôi dê tại trang trại. Theo ông Đoài, ngoài thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, tìm đầu vào, đầu ra ổn định thì mong muốn của trang trại là được hỗ trợ, nhân rộng cho hộ khó khăn, hộ nghèo khác cùng phát triển nghề chăn nuôi này. Tham gia liên kết, bà con từng bước thay đổi tập quán nuôi dê từ chăn thả sang nhốt chuồng, hiệu quả kinh tế cũng được nâng cao hơn. Hiện các hộ dân tham gia liên kết chăn nuôi dê tại trang trại đều là thành viên Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi dê của xã Lang Quán.

Anh Nguyễn Trung Kiên, thôn 10, xã Lang Quán (Yên Sơn) là một trong những hộ dân đang thực hiện liên kết chăn nuôi dê cùng trang trại gia đình ông Đoài. Anh Kiên chia sẻ: “Gia đình tôi chăn nuôi dê trên chục năm nay, nhưng với hình thức truyền thống chăn thả. Để mô hình kinh tế ngày càng phát triển hiệu quả, năm 2022, tôi đã liên kết với gia đình ông Đoài cùng phát triển đàn dê. Tôi thấy, việc thực hiện liên kết rất hay, bản thân gia đình tôi không phải lo đầu vào, đầu ra sản phẩm. Ngoài ra, đã giúp tôi thay đổi hình thức sản xuất từ chăn thả sang nhốt chuồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình”.

Ông Nguyễn Văn Đoài chăm sóc đàn dê tại trang trại của mình.

Ông Lâm Quang Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lang Quán (Yên Sơn) chia sẻ: “Ông Đoài là nông dân tiêu biểu, đi đầu trong phong trào sản xuất của xã. Hiện tại nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã học hỏi, ứng dụng mô hình nuôi dê nhốt chuồng của ông Đoài. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình mình, ông còn tích cực giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi con dê nhốt chuồng cho bà con quanh xã. Mô hình nuôi dê nhốt chuồng đã góp phần giúp nhiều nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng”.

Theo ông Đoài, trong chăn nuôi hay bất cứ ngành nghề nào, nếu không có ý chí, niềm đam mê thì không thể trụ vững. Để có được thành quả như ngày hôm nay, ông đã luôn kiên trì, quyết tâm vượt khó, làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra. Nói về những định hướng trong tương lai, ông Đoài cho biết, tới đây ông sẽ tiếp tục mở rộng trang trại để phát triển nghề nuôi dê với quy mô lớn hơn.

Trâm Anh

Tin khác