Bi hài câu chuyện AI của Microsoft: Nỗ lực dẫn đầu nhưng vẫn bị nghi ngại
Tuy nhiên, thực tế "phũ phàng" là cổ phiếu của một số công ty hoạt động trong lĩnh vực AI đã đối mặt với nhiều thách thức trong vài tháng gần đây, khiến cổ đông của Microsoft lo ngại. Dù đã góp phần quan trọng trong việc đưa ứng dụng AI ChatGPT đến thế giới, hiệu suất tài chính của Microsoft vẫn không ấn tượng bằng các tập đoàn công nghệ lớn khác và các công ty thuộc chỉ số S&P 500.
Một nghịch lý nằm ở chỗ, theo dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence, hoạt động kinh doanh của Microsoft thực tế đang tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu của tập đoàn này trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2024 đạt 245,1 tỷ USD, tăng gần 16% so với năm tài chính trước và là mức kỷ lục. Biên lợi nhuận hoạt động hàng năm của Microsoft cũng đạt 44,6%, mức cao nhất kể từ năm 2001, khi quy mô doanh nghiệp chỉ bằng khoảng 10% hiện tại.
Tuy nhiên, việc duy trì vị thế dẫn đầu trong cuộc đua AI đang khiến Microsoft phải đối mặt với chi phí rất lớn. Các tập đoàn công nghệ lớn đều tăng cường đầu tư vào AI, nhưng Microsoft nổi bật với sự mạnh tay chi tiêu. Tổng chi phí tài sản cố định và thuê thiết bị của tập đoàn đạt 55,7 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua, chiếm 23% doanh thu, tăng so với 14% cách đây 5 năm. Giám đốc Tài chính Amy Hood dự đoán con số này sẽ còn tăng trong năm tài chính hiện tại. Theo Visible Alpha, chi phí tài sản cố định sẽ chiếm 28% doanh thu của Microsoft trong năm nay và 27% vào năm sau.
Trong khi đó, dòng tiền tự do của Microsoft, thước đo quan trọng về hiệu quả hoạt động, được dự báo chỉ tăng 3% trong năm nay, so với mức tăng 25% của năm ngoái. Dòng tiền tự do là nguồn tiền mặt doanh nghiệp tạo ra sau khi trừ đi chi phí tài sản, dùng để đầu tư và phát triển.
Vì phần lớn chi phí tài sản cố định sẽ dành cho hạ tầng AI, Microsoft đối mặt với áp lực khấu hao cao hơn. Chuyên gia Keith Bachman từ BMO Capital Markets nhận định mức chi phí này có thể hạn chế khả năng cải thiện biên lợi nhuận của Microsoft trong ngắn hạn và trung hạn.
Ngoài ra, vẫn còn câu hỏi về việc các khoản đầu tư lớn của Microsoft vào AI sẽ mang lại lợi nhuận như thế nào. Đến nay, tập đoàn chưa công bố chi tiết doanh thu từ các dịch vụ AI tạo sinh như công cụ Copilot, trợ lý AI của Microsoft. Amy Hood cho biết, trong quý gần nhất, doanh thu từ dịch vụ đám mây Azure đã tăng 29%, trong đó có 8 điểm phần trăm đến từ các dịch vụ AI. Tuy nhiên, Keith Weiss từ Morgan Stanley nhận định "sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư đối với GenAI đang dần cạn kiệt".
Nhà phân tích cao cấp John DiFucci của Guggenheim cho rằng khi Microsoft báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm tài chính mới, giới chuyên gia sẽ gặp khó khăn trong việc đánh giá chính xác tình hình. Với mô hình kinh doanh phức tạp bao gồm các hợp đồng dịch vụ đám mây, phần mềm thuê bao, doanh số thiết bị di động và máy chơi game, cùng doanh thu quảng cáo, việc hiểu rõ về Microsoft không phải là điều đơn giản. Theo Mark Moerdler của Bernstei, những thay đổi sắp tới trong hoạt động kinh doanh của Microsoft sẽ càng khiến tình hình trở nên phức tạp.
Quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Microsoft và OpenAI cũng chưa hẳn là một điểm sáng. Microsoft đã đầu tư 13 tỷ USD vào OpenAI và tham gia vào vòng gọi vốn mới đây của công ty này. Tuy nhiên, OpenAI đang trải qua những bất ổn với việc nhiều lãnh đạo cấp cao từ chức. Dù vậy, 93% các nhà phân tích vẫn khuyên nên mua cổ phiếu Microsoft, cho thấy niềm tin của Phố Wall vào "gã khổng lồ" trị giá 3.100 tỷ USD này. Nhiệm vụ còn lại của Microsoft là chứng minh rằng những lo ngại về tương lai tập đoàn hoàn toàn không có cơ sở.
Cao Thông (t/h)