Bạn trẻ khởi nghiệp: Những yếu tố cần và đủ trong thời đại 4.0
Chương trình phát sóng ngày 18/10 trên các hạ tầng truyền thông số của Dự án Truyền hình Khởi nghiệp Quốc gia, được thực hiện tại Trung tâm Phát triển Dịch vụ và Khai thác hạ tầng Khoa học và Công nghệ (CSID).
Đề cập đến chủ đề khởi nghiệp, Th.S Lê Hoài Việt, Giảng viên bộ môn Khởi nghiệp - Đổi mới và sáng tạo Trường Đại học Mở TP.HCM, Thành viên Hội đồng tư vấn hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia Phía Nam (VCCI), là diễn giả của Talkshow, đưa ra 3 điều kiện CẦN cho câu chuyện khởi nghiệp.
Đầu tiên là ý tưởng kinh doanh: Đây là yếu tố tiên quyết của khởi nghiệp. diễn giả cho rằng cần tạo ra sự khác biệt, vận dụng đổi mới và sáng tạo để khởi nghiệp. Chúng ta là ai, có những gì, chúng ta mang đến cho khách hàng những sản phẩm, những dịch vụ và giá trị nào mà thị trường chưa có. Đôi khi ý tưởng chỉ cần có khác biệt nhỏ thôi nhưng có thể đem lại giá trị rất lớn cho doanh nghiệp.
Thứ hai là nguồn vốn: Là yếu tố rất quan trọng và có nhiều giải pháp để có được. Ví dụ như tích lũy được từ quá trình làm việc; nguồn vốn từ gia đình, người thân, bạn bè; hoặc từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do Hội LHTN VN Thành phố và Thành Đoàn TP.HCM đang triển khai.
Thứ ba là kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm: Khi kinh doanh một lĩnh vực nào bạn cần có kiến thức về nó. Nếu chọn lĩnh vực bạn không có nhiều kiến thức thì sao? Gợi ý là nên tìm những người cộng sự tốt, có đủ năng lực và kiến thức về lĩnh vực bạn chọn. Khi xây dựng đội ngũ khởi nghiệp, những cộng sự cốt lõi nên xuất phát từ nhiều thế mạnh khác nhau, có người giỏi về sản phẩm, marketing, về dịch vụ hay tài chính… điều này sẽ bổ trợ vững chắc hơn cho câu chuyện khởi nghiệp.
Điều kiện ĐỦ là gì? Theo Th.S Việt, đó là sự sẵn sàng dấn thân, phải chấp nhận gian khổ và kiên trì đến cùng. Bởi trong câu chuyện khởi nghiệp “ai là người ở lại sau cùng” trong thị trường là người chiến thắng.
Còn với diễn giả Nguyễn Nhật Anh - Phó Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp trẻ - Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) - Thành đoàn TP.HCM, yếu tố CẦN đó là “phải hiểu nghiệp”. Làm sao phải chọn được cái nghề nuôi sống mình và là công việc mình đam mê. Thứ nhất bạn phải hiểu chính mình, thứ hai là phải hiểu nghề và thứ ba là hiểu thời thế. Hiểu được 3 điều đó, xem như chúng ta đã hiểu nghiệp.
Điều kiện CẦN tiếp theo là phải có tinh thần khởi nghiệp. Bạn cần khởi nghiệp với tinh thần “không gì là không thể” và phải có “tư duy vượt ngưỡng”.
Còn điều kiện “ĐỦ” là kỹ thuật khởi nghiệp. Làm sao để marketing, bán hàng, để phát triển sản phẩm, huy động vốn… Khi nuôi doanh nghiệp được 1 năm, làm sao bạn tiếp tục nuôi đến 20 năm, 30 năm...
Trả lời cho câu hỏi của khán giả Hongnga171 gửi ngay trong talkshow trực tuyến: “Em muốn livestream bán hàng kiếm thêm thu nhập thì đó có phải là khởi nghiệp không? Làm sao để em có thể thành công với công việc này?”, Th.S Việt thành thật chia sẻ, vài năm trước, anh có cái nhìn thiển cận về livestream vì đối với anh điều đó không tạo ra nhiều giá trị. Để chứng minh mình không cô đơn với suy nghĩ này, anh dẫn chứng một câu chuyện của một nghệ sĩ chia sẻ.
Trước đây bạn livestream bán hàng cả ngày, và bạn không còn nhận được show diễn vì khán giả nhìn nhận hình ảnh của một người nghệ sĩ livestream không đẹp và không phù hợp. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, suy nghĩ của mọi người, trong đó có anh đã thay đổi rất nhiều.
Livestream bán hàng, bán hàng online là xu hướng tất yếu trong thời đại chuyển đổi số hiện nay. Công việc này có nhiều ưu điểm khác nhau, đó là sự tiện lợi, chỉ cần ngồi tại nhà có thể mua sắm dễ dàng. Thực tế, có rất nhiều KOL/KOC đã tổ chức những phiên Mega Live lên đến trăm tỷ đồng. Câu chuyện đó chứng minh rằng Livestream bán hàngcó thể tạo ra giá trị không lồ như vậy.
Theo anh, tới thời điểm này chúng ta hoàn toàn đồng tình rằng câu chuyện livestream bán hàng là câu chuyện khởi nghiệp. Đây là nền tảng tuyệt vời để tiếp cận gần với ước mơ làm giàu chỉ cần chiếc điện thoại thông minh trong tay. Tuy nhiên, để thành công với công việc này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Đầu tiên, bạn có tự tin trước trước ống kính, có tương tác được với người xem hay không, vì điều đó không phải ai cũng làm được. Thêm nữa, bạn có tạo được niềm tin cho khách hàng qua thương hiệu cá nhân của mình. Đặc biệt bạn có thật sự kiên trì, có vượt qua được cảm giác khi thời gian đầu livestream không có “mắt xem”, hoặc chỉ có vài người xem…
Truyền Hình Khởi Nghiệp Quốc Gia