Bán lẻ tăng tốc mùa cuối năm
Liên tiếp trong những ngày qua, 2 nhà bán lẻ lớn là Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) và Central Retail khai trương đưa vào hoạt động đại siêu thị, trung tâm thương mại mới tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Một nhà bán lẻ khác là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng tăng tốc để chuẩn bị mở cửa trung tâm thương mại trên đường Võ Văn Kiệt, quận 6, TP HCM.
Siêu thị mới, mô hình mới
Chưa hết, ngày 15-11 tới, Saigon Co.op tiếp tục mở cửa thêm đại siêu thị Co.opXtra Tạ Quang Bửu tại tầng 2 Trung tâm Thương mại Central Premium, 854 - 856 Tạ Quang Bửu, quận 8, TP HCM. Đây là 1 đại siêu thị thứ hai theo mô hình tinh gọn, tối ưu hóa trí tuệ nhân tạo và công nghệ hiện đại, tập trung nâng cao trải nghiệm cho khách hàng sau Co.opXtra Long Bình (TP Thủ Đức) vừa khai trương giữa tháng 10-2024.
Với diện tích khoảng 3.000 m2, Co.opXtra Tạ Quang Bửu cung cấp hơn 30.000 mặt hàng nhu yếu phẩm chất lượng gồm thực phẩm tươi sống, khu ẩm thực chế biến nấu chín, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, thời trang và đồ gia dụng sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Đặc biệt, Co.opXtra Tạ Quang Bửu còn triển khai các dịch vụ mới như giao hàng tận nhà trong vòng 1 giờ, quầy tính tiền tự động, máy tự nấu mì, tủ đựng đồ thông minh...
Cũng trên địa bàn quận 8, siêu thị AEON Tạ Quang Bửu dù mới mở cửa bán hàng tại Trung tâm Thương mại Parc Mall từ tháng 9 nhưng đã thu hút một lượng lớn khách hàng, nhất là khách hàng trẻ, đến vui chơi, ăn uống và mua sắm mỗi ngày.
So với các siêu thị AEON nằm trong trung tâm mua sắm AEON, siêu thị đặt bên ngoài trung tâm như AEON Tạ Quang Bửu, AEON quận 7 có quy mô nhỏ hơn, chủ yếu tập trung vào ngành hàng thực phẩm để vừa vặn phục vụ đúng nhu cầu mua sắm của đối tượng khách hàng trong bán kính nhỏ quanh siêu thị.
Quy mô tinh gọn, sản phẩm tập trung, sắp xếp lại ngành hàng… để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện đại không còn là xu hướng mà là việc phải làm của các doanh nghiệp (DN) bán lẻ tại Việt Nam. Sau thời kỳ cực kỳ khó khăn đầu năm 2023, các DN bán lẻ đã có sự thay đổi rõ rệt trong việc tái cơ cấu, tái sắp xếp hạ tầng kinh doanh lẫn ngành hàng kinh doanh một cách quyết liệt.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 của WinCommerce (đơn vị quản lý và vận hành chuỗi siêu thị, cửa hàng WinMart, WinMart+) ghi nhận thông tin tích cực, khi lần đầu tiên có lãi dương kể từ thời kỳ dịch COVID-19. Chỉ trong quý III/2024, hệ thống này đã mở thêm 60 cửa hàng, đến cuối tháng 9 có hơn 3.700 cửa hàng.
Theo WinCommerce, lợi nhuận có được từ việc áp dụng những chiến lược kinh doanh hiệu quả, phát triển các mô hình cửa hàng sáng tạo, lựa chọn danh mục sản phẩm phù hợp với từng địa phương nhưng vẫn đơn giản và mang lại trải nghiệm mua sắm riêng biệt để phục vụ người tiêu dùng ở mọi mức thu nhập.
"WinMart, WinMart+ đã hoàn tất giai đoạn xác định các mô hình bán lẻ tối ưu. Trong thời gian tới, WinCommerce tập trung cho mục tiêu tăng trưởng có lợi nhuận, trung bình mỗi ngày mở 1 điểm bán mới và dự kiến cán mốc 4.000 điểm bán vào cuối năm nay" - bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc WinCommerce, cho biết.
Nỗ lực "về đích"
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, từ đầu năm 2024 đến nay, các hệ thống bán lẻ đẩy mạnh hơn nữa chiến lược thu hút khách hàng bằng các chương trình khuyến mãi áp dụng cho các mặt hàng tươi sống, các ưu đãi hằng tháng, hằng tuần cùng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành cho các hội viên.
Đơn cử, WinCommerce đã tung chiến lược "giá tốt" trên toàn chuỗi thông qua việc hợp tác với các nhà cung cấp uy tín, để bảo đảm chiến lược cạnh tranh về giá nhằm duy trì chỉ số giá ngang bằng hoặc cạnh tranh so với thị trường.
"Cạnh tranh bán lẻ bây giờ buộc DN phải có chuỗi lớn, mua được hàng hóa số lượng lớn, giá ổn định. Các hệ thống đang phải dọ giá bán của nhau để thiết kế giá bán cạnh tranh nhất. Trong cuộc cạnh tranh này, người tiêu dùng đang được hưởng lợi nhưng nhà bán lẻ, nhà cung cấp bắt đầu "đuối" vì lợi nhuận càng lúc càng teo tóp" - lãnh đạo một DN bán lẻ phản ánh.
Với mùa kinh doanh cuối năm 2024 được dự đoán sẽ trầm lắng hơn những năm trước, các DN bán lẻ lẫn DN sản xuất, cung ứng đang tính toán kỹ để cân đối bài toán doanh số, lợi nhuận. Theo các siêu thị, thị trường chưa có dấu hiệu tăng trưởng, cũng chưa có những thông tin tích cực để đẩy sức mua.
"DN đã chuẩn bị kế hoạch Tết từ đầu tháng 9 nhưng đến thời điểm này, các nhà cung cấp lớn mới làm việc với nhà bán lẻ về kế hoạch marketing cuối năm. Điều đáng nói là các DN không mấy lạc quan, vẫn trong tâm thế quan sát thị trường nên không đưa ra chương trình gì đặc sắc" - giám đốc marketing một hệ thống siêu thị lớn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay Saigon Co.op đã chuẩn bị hàng Tết kỹ và chặt chẽ hơn những năm trước. Hệ thống này đã làm việc với nhà cung cấp, nhà vườn để bảo đảm chất lượng hàng hóa, ổn định giá cả thị trường.
"Saigon Co.op có lợi thế lớn là mạng lưới trải dài từ Bắc chí Nam nên sẽ tận dụng lợi thế này để bảo đảm nguồn hàng đầy đủ hơn, giá tốt hơn. Chúng tôi cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi sâu, phối hợp với nhà cung cấp giảm lợi nhuận để hàng hóa không chỉ bình ổn giá mà còn rẻ hơn ngày thường" - ông Thắng nói.
Hệ thống Satra dự trữ hàng hóa phục vụ Tết tăng khoảng 15% - 20% so với Tết Giáp Thìn 2024. Trong đó, tập trung vào nhóm hàng lương thực thực phẩm, hàng bình ổn thị trường. "Satra đã làm việc với các nhà cung cấp về việc bảo đảm giá và nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu khi có nhu cầu về sản phẩm trong từng lĩnh vực và ổn định trước trong và sau Tết" - ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Satra, cho biết.
Satra cũng chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống bán lẻ phối hợp với các đơn vị thành viên gồm: Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) để có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng rau củ quả, thủy hải sản và thịt gia súc… nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa cho các đơn vị trong hệ thống.
Bài và ảnh: Thanh Nhân