1. Kinh doanh

Bác sĩ viết sách truyền cảm hứng cho giới trẻ

TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Tổng Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc - người với đôi tay tài hoa dành tâm huyết cho phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, vừa xuất bản cuốn sách"Nghèo là vốn liếng" với thông điệp truyền cảm hứng tích cực về ý chí, nghị lực, bản lĩnh lập nghiệp... cho giới trẻ.

Ông cũng dành hết số tiền bán sách để gây quỹ "Nuôi em đến trường", giúp đỡ học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Phóng viên: Được biết bác sĩ vừa ra cuốn sách đầu tay sau bao năm ấp ủ. Ông có thể cho biết về nội dung cuốn sách?

- TS-BS NGUYỄN PHAN TÚ DUNG: "Nghèo là vốn liếng" là một quyển tự truyện của tôi kể về hành trình bản thân hơn 50 năm từ thuở thơ ấu sinh ra dưới thời bao cấp nhiều khó khăn tới thời học sinh luôn tò mò về mọi thứ xung quanh của làng quê mình; đến khi trở thành sinh viên y khoa và cuối cùng là khoảng thời gian khởi nghiệp, nỗ lực từng ngày để chạm tới giấc mơ mở một bệnh viện của riêng mình.

TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung và cuốn sách “Nghèo là vốn liếng”

Đó là những trải nghiệm xương máu, kinh nghiệm đối mặt với khó khăn, thất bại. Những điều đó đã được tôi đúc kết lại thành những bài học, phương pháp thực tế mà bản thân mình đã đánh đổi bằng tuổi trẻ, công sức và tiền bạc qua hàng chục năm trong 270 trang sách. Hy vọng cuốn sách sẽ là một nguồn cảm hứng và là chìa khóa cho những ai đã và đang trải qua những giai đoạn khó khăn hay đang loay hoay tìm hướng đi cho cuộc đời mình.

Những dòng bộc bạch đong đầy trang sách như hồi ký cuộc đời chia sẻ về quá trình lập nghiệp của bản thân. Vậy nguồn cảm hứng nào để bác sĩ viết nên những điều này?

- Nguồn cảm hứng để tôi đặt bút viết nên cuốn sách này cũng đều ở những trải nghiệm của bản thân mình. Đó là những đau thương, khó khăn sau trận đại dịch COVID-19 năm 2021. Khi đó, tôi có cơ hội góp một phần tham gia vào chiến dịch tiếp sức chống dịch, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là nhân viên y tế. Lúc đó, bản thân tôi cảm thấy cuộc đời này rất mong manh và ngắn ngủi, làm sao mình để lại một giá trị nào đó cho đời, hay đơn giản thôi là truyền cảm hứng giúp đỡ một ai đó cũng được. Đó cũng là lúc tôi nghĩ đến việc viết lại những khó khăn mà mình đã trải qua từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, từng bước vượt thách thức như thế nào với hy vọng gửi những thông điệp đến các bạn trẻ.

Bên cạnh đó, hơn 20 năm theo đuổi ngành tạo hình thẩm mỹ, tôi đã từng không ít lần nghe nhiều người nói rằng thẩm mỹ chỉ là một ngành làm đẹp để kiếm lợi nhuận. Nhưng chính tôi, khi được đồng hành, được giúp đỡ những hoàn cảnh từng bế tắc vì khiếm khuyết ngoại hình có được một diện mạo mới bình thường như bao người, có được một cuộc sống hoàn toàn mới, thì tôi biết giá trị của thẩm mỹ không dừng ở hai chữ "làm đẹp", mà là "điều trị".

Cuốn sách vừa là hành trình vượt khó, vừa là câu chuyện nhân văn cuộc đời mà chính bản thân tôi là người trực tiếp trải nghiệm và đúc kết: Dù ở bất kỳ ngành nghề nào, cứ kiên trì, cố gắng sẽ thành công. Chỉ cần bạn đi đúng hướng và lấy đạo đức làm kim chỉ nam.

Đọc cuốn sách thấy có một sự truyền cảm hứng mạnh mẽ, biến khó khăn thành cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Bác sĩ muốn gửi gắm gì ở lớp trẻ trên hành trình theo đuổi ước mơ?

- Chúng ta biết rằng khoảng 80%-90% dân số thế giới sinh ra đều là người không có của cải vật chất, trong đó gồm cả tôi. Và, hầu như các tỉ phú trên thế giới đều xuất phát từ hai bàn tay trắng. Nhưng đừng bao giờ để xuất phát điểm nghèo khó ấy trở thành rào cản chúng ta chạm đến thành công, bởi vì chính những điều khó khăn ấy có thể là vốn liếng đưa chúng ta đến với sự giàu có.

Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung (thứ 2, từ phải sang) cùng đồng sự trong một ca phẫu thuật. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đó cũng là lý do tôi đặt tên cuốn sách "Nghèo là vốn liếng". Thật sự, "Nghèo là vốn liếng" là một cuốn sách được viết về câu chuyện của bản thân tôi, nhưng là thông điệp gửi những bạn trẻ, học sinh - sinh viên hoặc những ai đang khởi nghiệp, đã khởi nghiệp nhưng đang gặp khó khăn trong quá trình khẳng định chỗ đứng của bản thân.

Qua cuốn sách này, tôi muốn truyền động lực cho những bạn trẻ rằng chúng ta đừng bao giờ tự ti, mặc cảm vì xuất phát điểm của mình. Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta nghèo! Chúng ta có thể nghèo của cải vật chất ở hiện tại nhưng đừng để nghèo tinh thần và ý chí. Mỗi người phải có khát vọng vượt nghèo, nỗ lực học tập và kiên trì theo đuổi đam mê để vượt qua mọi khó khăn và luôn nhớ phải sống một cách tử tế! Chính lúc đó, nghèo khó sẽ trở thành vốn liếng làm hành trang cho các bạn trẻ đi đến thành công.

Kỷ niệm nào đáng nhớ trong hành trình vượt khó của đời ông? Những ca bệnh nào để lại trong ông nhiều ấn tượng, cảm xúc nhất ?

- Với tôi, mỗi giai đoạn sẽ có những kỷ niệm đáng nhớ khác nhau. Thuở nhỏ, những kỷ niệm vui nhất của tôi chính là những bữa cơm được ăn no, ăn cơm trắng không độn sắn là mơ ước lớn nhất thời ấy. Thời sinh viên, từng khó khăn, thách thức đều là kỷ niệm quý báu. Và khi trở thành bác sĩ, được tiếp xúc với từng ca bệnh, hoàn cảnh đặc biệt lại là những kỷ niệm khó quên.

Ví dụ như bệnh nhân Lê Văn Mến (quê An Giang) chính là ca phẫu thuật mang lại nhiều cảm xúc nhất không chỉ cho bản thân tôi, ê-kíp bác sĩ, mà còn cả cộng đồng. Chính nhờ những ca đại phẫu mang lại hình hài, cuộc sống mới cho anh Mến đã phần nào thay đổi cách nhìn của mọi người về tạo hình thẩm mỹ, mang lại những giá trị nhân văn cho cộng đồng. Cũng nhờ ca bệnh ấy đã giúp y văn thế giới biết rằng Việt Nam chúng ta cũng có thể làm được những ca mổ rất khó.

Hoặc ca mổ cho chú Khanh có khối u to bằng cái đầu thứ hai, vô bệnh viện cấp cứu vì u vỡ. Hơn 10 năm mắc bệnh, không ai dám mổ. Tôi đã nỗ lực vượt qua những lo lắng, giúp bệnh nhân có được một cuộc sống mới bình thường.

Ngoài giới trẻ, học sinh - sinh viên, bác sĩ còn muốn gửi gắm thêm thông điệp gì đến các bậc phụ huynh qua cuốn sách "Nghèo là vốn liếng"?

- Bản thân tôi cũng là một phụ huynh. Thông điệp mà cuốn sách muốn gửi đến quý phụ huynh là: Chúng ta hãy giáo dục, hướng dẫn con cái chúng ta có niềm tin về cuộc sống, phải cố gắng, kiên trì, học tập chăm chỉ. Hãy để con chúng ta biết học tập là con đường tốt nhất để vượt qua nghịch cảnh. Và trong học tập, làm việc, phải luôn kiên trì, đam mê, tử tế.

Phần lớn lợi nhuận của cuốn sách "Nghèo là vốn liếng" bác sĩ sẽ dành gây "Quỹ nuôi em đến trường". Việc gây quỹ này đến nay ra sao và những dự định kế tiếp là gì?

- Để bán một cuốn sách giá 168.000 đồng đến tay bạn đọc, sau khi trừ hết mọi chi phí thì chỉ còn khoảng 10.000 đồng lợi nhuận. Với số tiền này chắc chắn sẽ không đủ để gây dựng một nguồn quỹ giúp đỡ các em học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc miền núi được cắp sách đến trường. Chúng tôi đã cam kết 100% tiền bán sách theo giá bìa đều được quyên góp vào quỹ "Nuôi em đến trường". Hiện chúng tôi đã in được khoảng 3.000 cuốn sách và đã bán gần hết, chúng tôi sẽ tiếp tục tái bản thêm. Hy vọng rằng đến cuối năm nay tổng số lượng sách bán ra sẽ khoảng 10.000 cuốn để quyên được một nguồn quỹ tầm 1,5-2 tỉ đồng.

Hy vọng trong tương lai cuốn sách "Nghèo là vốn liếng" sẽ tiếp tục hành trình chia sẻ những giá trị trao truyền động lực tích cực, lan tỏa những giá trị nhân văn đến cộng đồng.

NGUYỄN THẠNH thực hiện

Tin khác