1. Kinh doanh

Apple xuất khẩu số iPhone trị giá 17,4 tỉ USD từ Ấn Độ năm ngoái

Ấn Độ đã xuất khẩu số smartphone trị giá hơn 2.000 tỉ rupee (gồm cả iPhone) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2025, tăng 54% so với năm trước, Bộ trưởng Công nghệ Ashwini Vaishnawnói tại một buổi họp báo ở thủ đô New Delhi.

Apple chưa phản hồi ngay lập tức về thông tin nêu trên.

Apple đã nhanh chóng mở rộng hoạt động tại Ấn Độ sau khi các đợt phong tỏa nghiêm ngặt vì COVID-19 làm tê liệt sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Động thái đa dạng hóa này phù hợp với tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong việc biến đất nước thành một trung tâm sản xuất.

Các khoản trợ cấp của Ấn Độ đã hỗ trợ Foxconn (Đài Loan) và đơn vị sản xuất điện tử của Tata Group (Ấn Độ) rộng quy mô lắp ráp iPhone tại địa phương. Tập đoàn Tata Group đã mua lại các nhà máy của Wistron Corp và Pegatron Corp (đều của Đài Loan) tại Ấn Độ.

Foxconn là đối tác lắp ráp iPhone chính cho Apple và cũng là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

Mức thuế 54% của Mỹ với Trung Quốc, và lời đe dọa áp thuế thêm 50% từ Tổng thống Donald Trump, có thể thúc đẩy Apple chuyển nhiều hơn hoạt động sản xuất sang Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.

Apple đã dành nhiều năm để chuyển một số hoạt động sản xuất của mình sang Việt Nam, nơi chịu mức thuế thấp hơn Trung Quốc. Công ty Mỹ đã sản xuất Apple Watch, Mac, AirPods và iPad tại Việt Nam. Ngoài ra, Apple còn sản xuất một số mẫu máy Mac ở Ireland, Thái Lan và Malaysia.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch hoàn toàn khỏi Trung Quốc, trung tâm sản xuất lâu đời của Apple, là khó xảy ra trong ngắn hạn.

Apple đã tăng cường tích trữ hàng tồn kho nhằm chuẩn bị cho các mức thuế mới. Hãng cũng đang hướng nhiều thiết bị được sản xuất tại Ấn Độ hơn đến thị trường Mỹ, theo báo cáo của hãng tin Bloomberg News. Chính quyền Trump đã công bố kế hoạch áp thuế đối ứng với Ấn Độ ở mức khoảng 27%, thấp hơn so với Trung Quốc.

Hiện tại, khoảng 4/5 lượng iPhone của Apple vẫn được lắp ráp tại Trung Quốc, bất chấp nỗ lực chuyển dịch sản xuất sang Ấn Độ. Việc tái xây dựng hệ sinh thái công nghiệp phức tạp của họ ở nơi khác đang tiêu tốn nhiều chi phí và có thể mất nhiều năm.

Chuỗi cung ứng mạnh mẽ của Trung Quốc được xem là một trong những yếu tố giúp Chủ tịch Tập Cận Bình tự tin trong các cuộc đàm phán với ông Trump.

Những mẫu iPhone 16 được trưng bày tại một cửa hàng Apple ở thành phố New York, Mỹ - Ảnh: Reuters

Người dân đổ xô tới các cửa hàng Apple ở Mỹ mua iPhone trước khi thuế đối ứng được áp dụng

Tuyên bố áp thuế đối ứng với hầu hết quốc gia của Tổng thống Trump khiến giá cổ phiếu Apple lao dốc, nhưng điều đó cũng mang lại lợi ích ngắn hạn cho gã khổng lồ công nghệ này: Khách hàng đổ xô đến các cửa hàng bán lẻ để mua iPhone.

Nhân viên Apple từ nhiều địa điểm trên khắp nước Mỹ cho biết các cửa hàng của họ đã chật kín khách hàng cuối tuần qua khi người mua lo ngại giá iPhone sẽ tăng vọt sau khi mức thuế mới được áp dụng. Hầu hết iPhone, sản phẩm bán chạy nhất và quan trọng nhất của Apple, được sản xuất tại Trung Quốc, nơi đang đối mặt với mức thuế của Mỹ lên tới 54%.

Một nhân viên cho biết cửa hàng Apple của họ đã “vỡ trận” vì người dân đổ xô đến mua iPhone trong hoảng loạn. “Hầu như khách nào cũng hỏi tôi liệu giá có tăng sớm không?”, người này nói nhưng yêu cầu giấu tên vì không được phép phát ngôn công khai.

Dù không phải là cảnh xếp hàng dài như mỗi dịp iPhone mới ra mắt, không khí trong các cửa hàng Apple vẫn sôi động như mùa mua sắm cuối năm, theo lời kể của nhiều nhân viên.

“Mọi người cứ vội vã chạy vào hỏi han trong lo lắng”, một nhân viên Apple cho biết, đồng thời nói rằng công ty vẫn chưa cung cấp hướng dẫn chính thức cho các cửa hàng về cách xử lý những thắc mắc này.

Sự náo nhiệt đó đã chuyển thành doanh số thực tế. Các cửa hàng bán lẻ của Apple tại Mỹ ghi nhận doanh thu cuối tuần qua cao hơn cùng kỳ các năm trước, ít nhất là ở một số khu vực lớn, theo một nguồn tin am hiểu sự việc. Người phát ngôn của Apple từ chối bình luận.

Apple sẽ công bố kết quả tài chính quý 1/2025 vào ngày 1.5 tới, tạo cơ hội cho Giám đốc điều hành Tim Cook và Giám đốc tài chính Kevan Parekh thảo luận về tác động của các mức thuế dự kiến. Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2024, Tim Cook cho biết công ty đang đánh giá tác động, nhưng sẽ không bình luận thêm.

Thị trường chứng khoán lao dốc do lo ngại về thuế ảnh hưởng nặng nề đến Apple. Vốn hóa thị trường của Apple đã bốc hơi hơn 500 tỉ USD chỉ trong hai phiên giao dịch cuối tuần trước. Cổ phiếu công ty giảm đến 22,03% trong 5 ngày gần đây (trừ thứ 7 và Chủ nhật, không giao dịch).

Cửa hàng chính của Apple tại Đại lộ số 5, thành phố New York (Mỹ) rất đông đúc chiều 7.4. Ambar De Elia, người gốc Buenos Aires (thủ đô Argentina), đang du lịch tại New York và đã lên kế hoạch mua iPhone 15 cho em gái. Khi thức dậy sáng nay và đọc tin tức về tình hình Phố Wall, Ambar De Elia nghĩ rằng bây giờ là thời điểm tốt nhất để chi tiêu.

Các nhà phân tích và chuyên gia trong ngành đang cố gắng đánh giá tác động từ mức thuế 54% của Mỹ với sản phẩm Trung Quốc. Một số người dự đoán giá iPhone có thể sớm tăng lên hàng nghìn USD mỗi chiếc.

Song trên thực tế, Apple có khả năng sẽ thực hiện nhiều biện pháp, gồm cả việc gây áp lực với nhà cung cấp và chấp nhận lợi nhuận thấp hơn, để ngăn giá iPhone tăng vọt, theo Bloomberg.

Mẫu iPhone cao cấp nhất hiện tại của Apple có giá khởi điểm 999 USD. Mức giá này không thay đổi từ năm 2017.

“Tôi nghĩ ai cũng đến đây vì lo sợ, họ không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu có cơ hội mua thứ gì đó với giá thấp hơn, tất nhiên chúng tôi sẽ làm vậy”, Ambar De Elia nói.

Một nhân viên Apple cho biết anh không ngạc nhiên khi thấy tình trạng chen chúc mua sắm tiếp tục diễn ra tại các cửa hàng trong vài ngày tới. Một nhân viên Apple khác lưu ý rằng đây thường được coi là mùa thấp điểm, vì iPhone mới được phát hành vào tháng 9, nhưng nhiều khách hàng đang nâng cấp máy.

Số lượng người mua iPhone tăng mạnh có thể giúp củng cố kết quả tài chính quý 2/2025 của Apple. Do Apple đang bán hàng tồn kho đã tích trữ trước đó, tác động từ thuế quan có thể sẽ chưa được cảm nhận rõ ràng cho đến quý 3/2025.

Theo nhà phân tích Dan Ives của hãng Wedbush, Apple chịu ảnh hưởng lớn nhất từ thuế quan của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc vì hầu hết iPhone đều được lắp ráp tại quốc gia châu Á này.

Dan Ives đã hạ giá mục tiêu cổ phiếu Apple xuống còn 250 USD, gọi thuế quan là “thảm họa hoàn toàn” với gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Apple từng được Mỹ miễn trừ thuế quan với hàng hóa từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump, nhưng các nhà phân tích không chắc liệu công ty có thể được miễn lần nữa, dù công bố kế hoạch đầu tư 500 tỉ USD vào Mỹ trong bốn năm tới.

Nhiều năm qua, Apple luôn giữ mức giá khởi điểm cho mẫu iPhone Pro ở mức 1.000 USD. “Theo quan điểm của chúng tôi, ý tưởng sản xuất iPhone tại Mỹ là không khả thi ở mức giá 1.000 USD. Giá bán sẽ tăng đến mức khó tưởng tượng được”, Dan Ives viết trong một ghi chú.

Sơn Vân

Tin khác