Anh nông dân vùng biên giới quyết làm giàu từ nuôi chồn hương
Bản Cuồi Trả thuộc thôn 3, xã Hòa Hải, tiếp giáp với đường biên giới Việt – Lào, do địa hình cách trở, xa trung tâm nên việc phát triển kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn. Trên mảnh đất khô cằn đó, anh Trần Quốc Tuấn (SN 1989) và gia đình vẫn xây dựng nên cơ ngơi khấm khá nhờ vào việc trồng và kinh doanh cây keo tràm. Để nuôi chí hướng làm giàu trên đất quê hương, anh Tuấn tiếp tục mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi chồn hương.
Anh Tuấn chia sẻ: "Do chưa có đập và hệ thống thủy lợi nên làm nông nghiệp ở Cuồi Trả rất khó khăn, chỉ sản xuất được 1 vụ lúa/năm. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên rồi lập nghiệp trên quê hương nên rất muốn tạo ra hướng phát triển kinh tế, để cùng bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Từ năm 2022, tôi mày mò tìm hiểu và được biết mô hình nuôi chồn hương đã được nhiều người triển khai thành công, có thu nhập tốt. Nhận thấy địa phương có nhiều tiềm năng, điều kiện rất phù hợp vì loài chồn có sinh sống ngoài tự nhiên ở địa phương, nên tôi mạnh dạn đầu tư thử nghiệm mô hình".
Đến năm 2023, anh Tuấn đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây dựng chuồng nuôi kiên cố, hiện đại trên diện tích khoảng 30m2, quy mô nuôi khoảng 300 con. Tiếp đó, anh đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua 12 con giống từ một số cơ sở trong và ngoài tỉnh để nuôi thử nghiệm. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm nên anh gặp một số vấn đề sinh sản cận huyết, chồn con bị liệt chân hoặc chậm lớn, còi cọc. Khi tích lũy đủ kinh nghiệm, anh mạnh dạn vay vốn, đầu tư gần 500 triệu đồng để mua thêm 60 con giống. Hiện nay, gia đình anh đã tự nhân đàn và có hơn 100 con chồn sinh sản.
Theo anh Tuấn, do đặc tính ngủ ngày, hoạt động vào ban đêm của loài chồn nên rất thuận lợi cho người nuôi. Với quy mô 100 con, mỗi ngày anh chỉ cần dành khoảng 3 tiếng để làm vệ sinh, chăm sóc và cho ăn. Thời gian còn lại anh vẫn có thể sản xuất, kinh doanh bình thường. Bên cạnh đó, chồn là động vật ăn tạp, vừa thích ăn thịt, tôm, cá, vừa thích ăn hoa quả như mít, chuối chín… nên rất thuận lợi cho người nuôi.
Anh Tuấn phấn khởi cho biết thêm, vừa qua, cơ sở đã xuất bán một vài lứa chồn thương phẩm và chồn giống, thu về khoảng 200 triệu đồng. Dù chưa hoàn vốn nhưng đã cho thấy những tín hiệu tích cực để gia đình tiếp tục mở rộng quy mô. Hiện nay, giá chồn thương phẩm dao động từ 1,6-1,8 triệu đồng/1kg. Theo tính toán của anh Tuấn, với 50 con chồn sinh sản, mỗi năm có thể cho thu nhập gần 500 triệu đồng.
Hiện, gia đình anh Tuấn đang tiếp tục mở rộng mô hình, phấn đấu tự nhân đàn lên quy mô 300 con. Đồng thời thuê đất để trồng chuối, từ đó chủ động nguồn thức ăn trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Trường – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hải cho biết: "Anh Tuấn là hội viên trẻ nhưng rất táo bạo, quyết liệt. Mô hình nuôi chồn của anh Tuấn là một trong những mô hình nông nghiệp có quy mô lớn nhất ở xã biên giới Hòa Hải. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp kêu gọi các nguồn vốn để hỗ trợ gia đình trong kế hoạch mở rộng quy mô. Đặc biệt, hội sẽ tuyên truyền, mời chủ mô hình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để hội viên, nông dân trong vùng học tập; truyền cảm hứng để bà con nhân rộng mô hình nuôi chồn hương hoặc mạnh dạn tìm hiểu, triển khai những mô hình kinh tế mới có hiệu quả cao."
Dương Chiến