Ẩm thực Việt: Từ giải thưởng đến thương hiệu
Sau 1 năm Michelin Guide vinh danh nhiều nhà hàng, quán ăn tại Việt Nam, ẩm thực Việt đã có những tác động tích cực rất rõ rệt. Cùng với đó, thời gian qua hàng loạt món ngon của Việt Nam cũng được các tạp chí uy tín của thế giới vinh danh. Đơn cử như vào tháng 7/2024, các món ăn như phở, chè trôi nước, gà luộc và lẩu gà đen - 4 món ăn đặc trưng của ẩm thực Việt Nam đã được vinh danh trong danh sách “100 món ngon nhất thế giới có gừng” do chuyên trang ẩm thực Taste Atlas công bố.
Cuối năm 2023, tại quảng trường Thời đại (New York, Mỹ), cơm tấm Phúc Lộc Thọ, bánh mì Huỳnh Hoa, cơm thố Anh Nguyễn, bún bò Huế An Cựu... đã được chiếu trên màn hình LED quảng cáo ngoài trời của tòa nhà Nasdaq. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm nghề làm nước mắm Nam Ô, nghề làm nước mắm Phú Quốc, phở Nam Định, phở Hà Nội, mỳ Quảng.
Ẩm thực Việt ngày càng được công nhận và đánh giá cao trên thế giới. Đây cũng là cơ hội, “cầu nối” trong việc quảng bá văn hóa, du lịch. Bởi theo ước tính của Hiệp hội Du lịch ẩm thực thế giới (WFTA), có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25 - 35% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, chúng ta cần nhận diện rõ lợi thế của ẩm thực Việt. Những gì khác biệt độc đáo mà các đối thủ không có để quảng bá, như các món ăn Việt vừa được Michelin vinh danh.
Thực tế cho thấy, với sự đa dạng, Việt Nam đang hoàn toàn có cơ hội trở thành “bếp ăn của thế giới”. Nhưng để hành trình được trọn vẹn, ẩm thực Việt cần có những chiến lược đồng bộ và hiệu quả để phát triển bền vững. Đặc biệt, để phát huy hết lợi thế của ẩm thực và du lịch ẩm thực trong phát triển du lịch, ngành du lịch cần có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển du lịch ẩm thực và sử dụng ẩm thực như một công cụ để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dù Việt Nam có nhiều món ngon nhưng đưa món ăn đó ra thế giới lại cần có những đầu bếp giỏi để nâng tầm giá trị.
Theo nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết, một trong những thách thức lớn nhất trong phát triển du lịch ẩm thực Việt là vấn đề an toàn thực phẩm. Để đảm bảo sự bền vững và thu hút du khách, cần chú trọng nghiêm ngặt đến nguồn gốc và chất lượng thực phẩm. Sự an toàn thực phẩm không chỉ liên quan đến sức khỏe của cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành du lịch ẩm thực.
Cũng theo nghệ nhân Ánh Tuyết, hiện nay vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển ẩm thực còn nhiều hạn chế. Dù cộng đồng địa phương có tiềm năng lớn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị ẩm thực truyền thống, tuy nhiên sự phát triển của họ chưa đồng bộ với các tiêu chuẩn quốc tế. Ở các quốc gia phát triển, cộng đồng địa phương thường phải tuân thủ những tiêu chí nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ, và các quy định khác liên quan đến ngành dịch vụ. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc áp dụng các tiêu chuẩn này vẫn chưa được thực hiện triệt để, dẫn đến sự thiếu đồng bộ và chưa khai thác hết tiềm năng của du lịch ẩm thực.
“Cần có sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức liên quan để nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng địa phương. Điều này bao gồm việc đào tạo về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hỗ trợ tài chính để cải thiện cơ sở vật chất, khuyến khích các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc ẩm thực truyền thống” - nghệ nhân Ánh Tuyết bày tỏ.
Minh Quân