Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình: Tri thức là sức mạnh!
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), nhà sáng lập Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ, sau những trải nghiệm, ông tin rằng Tri thức là sức mạnh. Tuy nhiên, tri thức đó phải sâu sắc, có tính thực tế và hiện đại. Nhưng cùng với đó phải là hành động. Tri thức không bao giờ là đủ, nhưng đó phải là những tri thức thực tiễn và hiện đại, rồi dựa trên tri thức đó, các bạn hãy hành động mạnh mẽ hơn.
“Tri thức chỉ có thể là sức mạnh thực sự nếu được biến thành hành động”, ông Nguyễn Cảnh Bình nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐQT Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình cho hay, ông không thấy mình là người thành công. Nói chính xác hơn, cứ đằng sau một thành công là nhiều lần thất bại.
Đặc biệt, thất bại lớn nhất, có tác động nặng nề tới ông, là việc phải đóng cửa một công ty tại Mỹ. Khi đó, ông Bình cho rằng, trong bối cảnh thế giới hội nhập, người Việt có thể bước chân ra thế giới và tri thức, và văn hóa của người Việt cũng nên tiếp cận với thế giới. Cùng với đó, nhiều Việt kiều gặp ông cũng bày tỏ mong muốn được mua sách Việt ở nước ngoài, bởi mỗi lần về nước mà mua sách mang đi thì rất nặng.
‘Nhưng rồi, tôi đã phải đóng cửa Công ty sau 6 tháng thành lập. Việc phải chấm dứt dự định này là một thất bại nặng nề và để lại hệ quả, tác động xấu với bản thân tôi. Có thể với nhiều người trong kinh doanh, số tiền này không lớn, nhưng với tôi thì lớn vô cùng. Hệ quả xấu thứ hai, là nó làm cho tôi mất tinh thần, dù tôi là người đã từng trải qua nhiều biến cố, gặp nhiều thứ không suôn sẻ. Mấy tháng liền tôi rơi vào trạng thái “tụt mood”. Phải mất gần một năm, tôi mới vực dậy được tinh thần”, ông Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ.
Có nhiều nguyên nhân khiến dự án phải đóng cửa. Trong đó, có sự vội vàng, lạc quan, ảo tưởng. Khi nghĩ rằng có thể bán được 100 cuốn sách thì ông lại đưa ra nước ngoài 10.000 cuốn sách. Ông đã không tính toán kỹ cho câu chuyện đầu tư, phân phối, hệ thống nhân sự, tài chính…
Một nguyên nhân nữa, là COVID-19. Khi công ty gặp vấn đề, nhẽ ra cần bay sang Mỹ xử lý, nhưng đại dịch khiến ông không thể đi được, khiến những trục trặc bị trầm trọng thêm. Tuy nhiên, suy ngẫm kỹ ông nhận thấy, nguyên nhân sâu xa nhất của tất cả những điều trên là do ông đã thiếu kiến thức về tài chính. “Điểm lại những thất bại, tôi thấy sự hiểu biết của mình về tài chính đã không đủ tốt”, ông Nguyễn Cảnh Bình thừa nhận.
Ông Nguyễn Cảnh Bình cho biết, điểm mạnh của ông là sáng tạo, chiến lược, lãnh đạo, công nghệ, nhưng điểm yếu là các vấn đề về tài chính, là kiến thức tài chính chưa thật vững, nhất là tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp.
Đây không phải là vấn đề của bản thân ông, mà nhiều doanh nhân cũng gặp phải. Ở Việt Nam, nhìn chung kiến thức về tài chính còn ít ỏi. Ngay cả những doanh nhân thành đạt đôi khi còn e ngại khi nói về những câu chuyện tài chính.
Từ những trải nghiệm của bản thân, đặc biệt từ thất bại, ông cho rằng, doanh nhân phải có hiểu biết nhiều hơn, sâu sắc hơn về tài chính. Và những kiến thức này phải được trang bị ngay khi bắt tay khởi nghiệp chứ không phải ở lúc đã có thành tựu rồi. Thậm chí, với các bạn trẻ, cần có hiểu biết về tài chính từ lúc học cấp 3, hoặc sớm hơn nữa, đặc biệt là tài chính cá nhân.
Ông Nguyễn Cảnh Bình cho hay, thời gian đầu khởi nghiệp, làm sách, ông không có nhiều tiền để trả cho dịch giả, biên tập… nên tự phải chọn bản thảo, chọn sách đọc trước từ bản tiếng Anh để thẩm định. Khi quyết định làm rồi, dù có dịch giả ông cũng vẫn phải hiệu đính, thậm chí biên tập, làm nhiều khâu trước khi sách được phát hành. Vất vả vô cùng, nhưng điều may mắn, là ông học được nhiều bài học từ sách, có thể ứng dụng cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn như khi học cuốn “Marketing du kích”, ông áp dụng ngay những bài học nhân sự, chiêu marketing từ cuốn sách vào công ty của mình, để xem người ta có dạy đúng không. Nếu thấy đúng thì mình công bố phát hành, làm bài học cho doanh nghiệp khác. Hoặc từ cuốn sách “Chiến lược đại dương xanh”, những giải pháp cho những bế tắc doanh nghiệp đã được ông áp dụng cho công ty của mình. Cũng từ cuốn sách này, mà Trạm đọc, dự án ngôi nhà khoa học cho trẻ (Einstein House) ra đời.
Khi chọn lựa làm sách kinh doanh cho người kinh doanh, cách đây 20 năm, ông đã có suy nghĩ, khi Việt Nam mở cửa, đất nước muốn phát triển thì nền kinh tế phát triển. Muốn nền kinh tế phát triển thì các doanh nghiệp phải phát triển, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Mà để doanh nghiệp tư nhân phát triển thì họ phải có kiến thức, tri thức. Ông muốn đưa kiến thức kinh doanh đến với cộng đồng doanh nghiệp.
“Tôi luôn tin rằng tri thức là sức mạnh. Nhưng tri thức đó phải có giá trị, chiều sâu, được nghiên cứu thấu đáo. Và cùng với đó, phải hành động. Tri thức chỉ có thể là sức mạnh thực sự nếu được biến thành hành động”, nhà sáng lập Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình khẳng định.
Theo Chủ tịch Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình, một doanh nhân thành công cần phải đáp ứng được 2 tiêu chí. Trong đó, điều đầu tiên là phải có ước mơ, mong muốn, ý thức về sứ mệnh nào đó. Đôi khi ước mơ có thể hơi lý tưởng, chẳng hạn, người Việt có thể làm được cái này, cái kia… ghi tên trên bản đồ thế giới. Nhưng chính mơ ước mới là động lực xuyên suốt của doanh nhân, chứ không phải là kiếm tiền đơn thuần.
“Đương nhiên, là doanh nhân, điều đầu tiên phải lo lợi nhuận, cơm áo gạo tiền cho cuộc sống người lao động. Nhưng nếu một người chỉ chăm chăm kiếm được bao nhiêu tiền, mà không có ước mơ, hoài bão, không có tên tuổi, đóng góp trong sự phát triển chung của đất nước thì tôi cho rằng vẫn không phải là doanh nhân thành công thực sự”, ông Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ.
Cùng với ước mơ, một tiêu chí nữa, theo ông Nguyễn Cảnh Bình cũng rất quan trọng để làm nên một doanh nhân thành công, đó là phải rèn luyện và phát triển năng lực biến ước mơ thành hiện thực. Bởi nếu không có năng lực này, thì ước mơ cũng mãi chỉ là ước mơ mà thôi. Tuy nhiên, cần hiểu giấc mơ hay thành công chỉ là khái niệm tương đối, phát triển theo thời gian, hiểu biết của con người.
Nhiều năm nay, Alpha Books đã xuất bản sách cho thiếu nhi, đó là những bộ bách khoa thư của DK, sách khoa học vạn vật, những cuốn sách về bầu trời, về trái đất… Tuy nhiên, giờ ông nhận ra, trẻ con rất cần được học hỏi tri thức khoa học không chỉ bằng sách. Trẻ cần được tiếp xúc với khoa học công nghệ bằng các hình thức khác trực quan, sinh động. Trong khi đó, ở các trường phổ thông, trang thiết bị trong các phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện còn khá sơ sài, không đủ cho trẻ khám phá. Ngoài ra, không phải lúc nào học sinh cũng tự do vào phòng thí nghiệm mà chỉ được tham gia vào những giờ học ở trường.
“Tôi muốn dựng nên ngôi nhà khoa học cho trẻ em. Trong đó, sẽ có nhiều khu vực cho trẻ khám phá như khu thực tế ảo, phòng robot, rồi khu vực làm thí nghiệm.. Tiếp theo, tôi muốn mở rộng không gian này thành Công viên Khoa học mang tên Eisntein (Einstein Park), và xa hơn nữa, mỗi tỉnh thành sẽ có một không gian khoa học như thế, cho trẻ thỏa thích học tập, sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê với khoa học, rồi từ đó hình thành những nhà khoa học cho tương lai”, ông Bình nói.
Tin bài liên quan
CEO Phạm Khánh Linh: Khởi nghiệp thành công ngành đàn ông "sợ"
CEO Nguyễn Văn Định: “Hô biến” hạt gạo Việt vươn tầm thế giới