Ai đứng sau Highlands Coffee?
Sau gần 25 năm hoạt động, Highlands Coffee hiện là chuỗi trà - cà phê lớn nhất tại Việt Nam với 800 cửa hàng trong nước và 50 cửa hàng tại Philipines. Dù có "cha đẻ" là doanh nhân Việt kiều David Thái, thương hiệu Highlands Coffee hiện thuộc về Tập đoàn Jollibee của Philippines.
Việt kiều Mỹ khởi nghiệp với cà phê
Ông David Thái (Thái Phi Điệp, sinh năm 1972) rời Việt Nam vào năm 1979 chuyển tới định cư tại Seatle (Mỹ) - quê hương của cửa hàng Starbucks đầu tiên. Sau đó, ông quay trở lại Việt Nam vào năm 1996 ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp.
Highlands Coffee bắt đầu hoạt động vào năm 1999 như một thương hiệu cà phê đóng gói với sản phẩm là cà phê rang xay chất lượng cao, được bán tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ.
Sau khi sản phẩm cà phê rang xay được đón nhận tích cực, Highlands Coffee mở cửa hàng cà phê đầu tiên tại TP.HCM. Đây là bước đột phá, mang phong cách cà phê hiện đại với không gian thoải mái đến khách hàng, khác biệt so với các quán cà phê truyền thống thời điểm bấy giờ.
Sau hơn một thập kỷ hoạt động, số cửa hàng Highlands Coffee đã vượt mốc 50 cửa hàng, tập trung ở TP.HCM và Hà Nội cùng một số tỉnh thành khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đồng Nai.
Highlands Coffee thời điểm đó tập trung chủ yếu vào phân khúc cao cấp là các doanh nhân nên không gian được bài trí sang trọng với gam màu chủ đạo là đen - đỏ đồng thời luôn hiện diện ở các vị trí đắc địa.
Bên cạnh việc phát triển chuỗi cà phê, Công ty Việt Thái Quốc tế (VTI) của doanh nhân David Thái còn có 2 nhãn hiệu nhà hàng là Meet & Eat và Nineteen 11. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tham gia phân phối sản phẩm của hãng thời trang thể thao Nike. VTI mở cửa hàng Nike đầu tiên năm 2006 và dần mở thêm các cửa hàng tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Bắt tay với tỷ phú Philippines
Thương vụ sáp nhập giữa Highlands Coffee và Tập đoàn Jollibee Foods Corporation (JFC) vào năm 2011 là một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của chuỗi cà phê này, giúp thương hiệu Highlands Coffee mở rộng mạnh mẽ tại thị trường nội địa và quốc tế.
Cụ thể, JFC - tập đoàn đến từ Philippines thông qua công ty con là JSF đã chi ra 25 triệu USD để mua lại 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh Hong Kong (Trung Quốc) của Công ty VTI do ông David Thái sở hữu.
Không chỉ vậy, Jollibee đã đồng ý cho VTI vay thêm 35 triệu USD với lãi suất chỉ 5% (khoản vay này sau đó được thanh toán trong năm 2016). Theo đại diện của Jollibee khi đó, khoản tiền này được VTI dùng để đầu tư cho tương lai.
JFC là một trong những tập đoàn thực phẩm hàng đầu châu Á của tỷ phú Tony Tan Caktiong, nổi tiếng với chuỗi nhà hàng Jollibee. Doanh nghiệp này đã mở rộng thành công ra thị trường quốc tế với nhiều thương hiệu, trong đó có sự tham gia của các chuỗi nhà hàng nổi tiếng như Chowking, Greenwich, và Red Ribbon.
Việc nhận được khoản đầu tư từ JFC đã mang lại nguồn lực tài chính mạnh mẽ cho Highlands Coffee, giúp thương hiệu này mở rộng quy mô cửa hàng nhanh chóng.
Sau thương vụ, Highlands Coffee cũng bắt đầu mở cửa hàng tại Philippines, thị trường "sân nhà" của JFC. Sự hiện diện này đánh dấu bước đầu tiên của chuỗi trong việc mở rộng ra ngoài Việt Nam. Tại đây, Highlands Coffee nhanh chóng tạo được vị thế trong thị trường cà phê, nhờ sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, kinh nghiệm vận hành của JFC.
Highlands Coffee sau khi nhận được khoản đầu tư của tỷ phú Philippines cũng dần chuyển đổi từ phân khúc khách hàng cao cấp sang trung cấp, đơn giản hóa menu và thay đổi không gian sang phong cách hiện đại, trẻ trung hơn.
"Sự thay đổi này nhằm đưa Highlands trở thành nơi lí tưởng để thư giãn và cho khách hàng hiện đại với mức giá hợp lí. Cửa hàng được thiết kế nhằm truyền tải các giá trị truyền thống văn hóa và gắn kết cộng đồng", nhà sáng lập David Thái từng chia sẻ.
Trì hoãn kế hoạch IPO
Năm 2016, Jollibee Foods Corp đã phát đi thông tin thực hiện kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) chuỗi cửa hàng Highlands Coffee trên sàn chứng khoán Việt Nam. Chia sẻ trên Business Mirror, Chủ tịch Jollibee Tony Tan Caktiong đặt niềm tin vào sự phát triển tại thị trường Việt Nam của chuỗi cà phê này.
Cũng theo Business Mirror, sau IPO, Jolibee dự kiến nâng sở hữu tại Highlands Coffee lên 60% trong khi Công ty VTI sẽ giảm sở hữu xuống 40%. Với việc Jollibee sở hữu trên 51% vốn, công ty quản lý vận hành chuỗi cà phê này sẽ chính thức trở thành công ty con của Jollilee. Để đổi lại thỏa thuận này, VTI sẽ được JSF cho vay tiếp 30 triệu USD.
Tuy nhiên, vào tháng 7/2019, Bloomberg đưa tin thương vụ này đã bị hoãn lại nhưng Jollibee không tiết lộ lý do. Cùng thời điểm đó, tập đoàn Philippines công bố kế hoạch chi 350 triệu USD để mua lại chuỗi cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf của Mỹ.
Năm 2022, nguồn tin của Reuters tiết lộ JFC đang dự định bán 10-15% cổ phần của Highlands Coffee cho một nhà đầu tư.
Thương vụ này được tỷ phú Philippines Tony Tan Caktiong xem xét. Định giá Highlands Coffee sẽ rơi vào khoảng 800 triệu USD. Tuy nhiên đến nay, thương vụ này vẫn chưa có bước tiến mới.
Với vai trò là chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam cả về doanh thu và số lượng cửa hàng, Highlands Coffee hiện vẫn không ngừng mở rộng quy mô.
Theo báo cáo do Vietdata công bố hồi tháng 6, từ năm 2020 đến cuối năm 2023, Highlands Coffee đã tăng thị phần từ 7,4% lên 11,6%. Doanh thu của thương hiệu này trong năm 2023 đạt mức kỷ lục gần 4.000 tỷ đồng
Đây cũng là chuỗi cà phê sở hữu nhiều chi nhánh nhất Việt Nam, với 800 cửa hàng trong nước và 50 cửa hàng tại Philipines, theo công bố trên website của hãng. So với cuối năm 2022, số lượng cửa hàng của Highlands Coffee đã tăng lên gần 200 điểm.
Gần đây, Highlands Coffee liên tục mở mới cửa hàng tại các mặt bằng mang tính biểu tượng và thu hút rất đông du khách như gần Bưu điện TP.HCM, bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ tại TP.HCM và quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt).
Diệu Thanh