1. Kinh doanh

ACT đề xuất mức giá mới để mua lại đối thủ 7-Eleven của Nhật Bản

Một cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Tokyo (Nhật Bản). (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Ngày 9/10, công ty chủ quản chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-ELeven tại Nhật Bản cho biết đã nhận được đề nghị mua lại từ đối thủ Alimentation Couche-Tard (ACT) của Canada với mức giá cao hơn đề nghị đưa ra ban đầu mà công ty này đã từ chối.

Mặc dù Seven & I Holdings không công bố con số cụ thể cho đề nghị mới này từ ACT, nhưng các phương tiện truyền thông đưa tin rằng tổng số tiền là khoảng 7.000 tỷ yen (47 tỷ USD).

Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ tiếp quản lớn nhất của một công ty nước ngoài đối với doanh nghiệp Nhật Bản.

Trong một tuyên bố, công ty cổ phần bán lẻ lớn nhất Nhật Bản Seven & I cho biết: "Theo yêu cầu của ACT, phía công ty có ý định tiếp tục duy trì tính bảo mật của các cuộc thảo luận hiện tại."

Công ty sẽ công bố thu nhập quý vào ngày 10/10 tới.

Cổ phiếu của công ty chốt phiên giao dịch ngày 9/10 tăng 4,7% sau khi có báo cáo rằng ACT - công ty sở hữu Circle K - đã tăng gần 20% giá mời chào mua so với mức 40 tỷ USD đưa ra trong lần mời thứ nhất.

Các báo cáo cho biết lời chào mua gần đây nhất đã được gửi đến Seven & I vào ngày 19/9, nhưng từ đó đến nay hai bên chưa có cuộc đàm phán cụ thể nào.

Seven & I đã từ chối mức giá đầu tiên ACT đưa ra hồi tháng trước, cho rằng mức 40 tỷ USD là định giá thấp doanh nghiệp và có thể phải đối mặt với các rào cản pháp lý.

7-Eleven, vốn xuất phát từ Mỹ,hoàn toàn thuộc sở hữu của Seven & I từ năm 2005. Chuỗi cửa hàng này rất được yêu thích ở Nhật Bản, bán đa dạng các mặt hàng từ cơm nắm, vé hòa nhạc đến thức ăn cho thú cưng.

Couche-Tard hiện đang điều hành gần 17.000 chi nhánh trên toàn thế giới. Giáo sư Kai Li tại trường kinh doanh UBC Sauder (Canada), cho biết: "Với thương vụ mua lại 7-Eleven, công ty đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp lớn trên trường quốc tế."

Bà khẳng định: "Couche-Tard đã thành công trong việc mua lại Circle K, mở rộng dấu ấn tại Mỹ."

Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề cạnh tranh, bởi việc sáp nhập sẽ tạo ra "sức mạnh thị trường lớn hơn" và có thể đẩy các nhà quản lý quy mô nhỏ hơn ra khỏi hoạt động kinh doanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin khác