Ða dạng mô hình chuyển đổi nghề
Theo đó, thời gian qua, nhiều mô hình chuyển đổi nghề, cũng như việc tận dụng đất bờ bao, vuông tôm để trồng trọt, đã tạo sinh kế cho nhiều phụ nữ.
Bà Thiều Thị Thủy, ấp Rạch Thọ, xã Ðất Mũi, tận dụng diện tích đất khoảng 2 công để trồng đu đủ, bí, dưa gang suốt 7 năm qua. Nhờ siêng chăm sóc, bón phân nên bà Thủy trồng trọt hiệu quả trên đất mặn. "Tôi trồng và bán tại chỗ, không cần đi xa. Ngoài ra, tôi còn bỏ mối cho các nhà hàng, điểm du lịch. Một tháng tôi kiếm được khoảng 20 triệu đồng, đủ trang trải sinh hoạt gia đình, thuốc men cho chồng tôi bị bệnh hiểm nghèo và trả lãi cho ngân hàng”, bà Thủy cho biết.
Mùa nào thức nấy, vừa học vừa làm để khắc phục cái khó, chị em phụ nữ có được thu nhập ổn định, đôi khi cung không đủ cầu ngay tại chính địa phương. Bà Trần Thị Minh, ấp Rạch Thọ, cho biết: “Tôi trồng rau được 5 năm. Vất vả đó, nhưng có thu nhập hằng tháng từ 5-7 triệu đồng, có sở phí trong nhà. Ðầu ra là các nhà hàng lân cận, sạp ở chợ, xe đẩy bán lẻ... nói chung rất ổn, đôi khi không kịp sản phẩm cung cấp”.
Bên cạnh mô hình trồng rau màu, cây trái, phụ nữ xã Ðất Mũi còn học thêm nghề đan đát để có thêm đồng ra đồng vô, chủ động được kinh tế. Nghề này dễ học, khoảng 3 tháng là giỏi nghề. Thu nhập hằng tháng khoảng 4-5 triệu đồng. Các sản phẩm đan đát được chị em bán mọi nơi, từ trưng bày đến bán Online, cả bỏ sỉ lẫn lẻ.
Chị Lê Thị Ngân Tiên, ấp Mũi, chia sẻ: “Nghề đan đát giúp tôi trang trải được cuộc sống hằng ngày, ổn định cho gia đình. Nếu làm nhanh sẽ được 2 cái, chậm cũng 1 cái. Ðầu ra là bán cho xưởng, bán thêm trên mạng. Nghề này có thể làm lâu dài để phục vụ du lịch. Chị em chúng tôi thường xuyên cập nhật mẫu mã phong phú và thẩm mỹ để đáp ứng nhu cầu của khách”.
Chị Nguyễn Kim Bàng, ấp Rạch Tàu, cho biết: “Chị em ở đây lúc trước sống theo nghề đáy. Theo chỉ thị của Huyện ủy thì cấm khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, nên nghề đan đát sẽ giúp chị em có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi. Ðịa phương đang phát triển du lịch nên những sản phẩm làm ra có thể gửi bán ở các điểm du lịch. Tôi có hướng thành lập tổ hợp tác để ký gửi sản phẩm đến các điểm du lịch, khu homestay...”.
Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Ðất Mũi đã kết nối với Dự án WWF để hỗ trợ lưới và mở lớp đan lưới cho chị em phụ nữ. Các chị sẽ có thêm nghề để làm và có thêm thu nhập. Hội viên nghèo, cận nghèo đều được hỗ trợ.
Chị Nguyễn Thị Ánh, ấp Kênh Ðào Ðông, cho biết: “Chị em cố gắng để không đánh bắt gần bờ. Nghề đan lưới là đúng nguyện vọng, phù hợp với chị em ở đây. Tôi mong muốn nghề làm lưới mở rộng và có đầu ra để không đánh bắt bất hợp pháp”.
Chị Bùi Thị Trang, ấp Kênh Ðào Ðông, chia sẻ: “Từ trước đến nay tôi làm nghề lưới, bắt theo kích cỡ của cá. Hiện tại, chị em rất vất vả, thu nhập khó khăn. Chúng tôi không có nghề ổn định, ai thuê gì làm nấy, ở biển mà, cũng không có đồng vốn để mua bán. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ thêm vốn để chăn nuôi, làm thềm nghề để sống”.
Theo bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Chủ tịch Hội LHPN xã Ðất Mũi, phụ nữ địa phương gặp nhiều khó khăn, chủ yếu sống bằng nghề nuôi tôm, nghề đáy... Từ khi Chỉ thị 12 ra đời, Hội LHPN xã phối hợp với Trung tâm Ðào tạo nghề của huyện mở các lớp đan lát, cũng như vận động chị em theo các mô hình trồng rau khép kín, trồng rau sạch và hỗ trợ nguồn vốn cho chị em trồng trọt, chăn nuôi. Nguồn sản phẩm được kết nối với các điểm du lịch, điểm chợ để bán.
"Ban đầu trồng màu cũng gặp khó khăn, do đất nơi đây nhiễm mặn, nhiều phèn. Các chị tận dụng bờ ao, bờ vuông, thùng xốp... để trồng. Nhà ai đất rộng thì cố gắng chăm sóc nhiều hơn. Hiện tại, cuộc sống của chị em nơi đây ổn định hơn, không cần phải đi làm ăn xa. Sắp tới, Hội LHPN xã sẽ tuyên truyền cho chị em nhân rộng mô hình và ổn định sinh kế. Nếu ai gặp khó khăn sẽ được kịp thời hỗ trợ”, bà Nguyễn Thị Diễm Kiều chia sẻ./.
Lam Khánh - Huỳnh Tứ