1. Kinh doanh

51 tuổi khởi nghiệp bằng vỏ lon, nay thành bà trùm thương hiệu trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng

Những thương hiệu như Redbull hay Coca-Cola đã không còn xa lạ gì với người tiêu dùng trên toàn cầu. Mỗi loại nước có một sức hấp dẫn riêng biệt, nhưng riêng ở thị trường Trung Quốc, tất cả đều sở hữu một điểm chung ít ai ngờ tới.

Hóa ra, những lon đựng nước của nhiều thương hiệu giải khát nổi tiếng ở Trung Quốc đều được sản xuất bởi một công ty duy nhất - Quan Ngọc Hương. Nhờ cung cấp lon đựng nước cho nhiều thương hiệu lớn nhỏ, công ty này đã kiếm được gần 10 tỉ NDT doanh thu ngay từ năm 2020.

Điều đáng nói, bà Quan Ngọc Hương - người đứng sau thành công của công ty này khởi nghiệp ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Sau khi về hưu sớm ở tuổi 51, bà đã chính thức cùng con trai dấn thân vào hành trình khởi nghiệp.

Trước đó, bà từng làm việc chăm chỉ trong nhà máy gần hết cuộc đời. Theo lẽ thông thường, bà sẽ nghỉ ngơi và dành thời gian vui vầy bên con cháu. Tuy nhiên, bà Hương lại coi khởi nghiệp là niềm vui.

U60 khởi nghiệp từ con số 0, không một ai ủng hộ

Ban đầu, bà mở một công ty chuyên cung cấp đồng hồ đo vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên thời điểm đó, thị trường đồng hồ đo đã bão hòa từ lâu. Chuyến khởi nghiệp đầu tiên của bà thất bại nặng nề, sau 2-3 năm chật vật, công ty chính thức phải đóng cửa.

Lúc này, người thân và bạn bè đều thuyết phục bà nên nghỉ ngơi để tận hưởng hạnh phúc tuổi già. Nhưng khát khao khởi nghiệp của bà vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Năm 1994, trong một lần tới đảo Hải Nam, bà phát hiện ra một cơ hội kinh doanh chưa từng có. Bà nhận thấy đồ uống địa phương bán rất chạy, nhưng những chiếc cốc đựng đồ uống lại là loại dùng một lần hoặc là chai thủy tinh không tiện để mang theo.

Bà chợt nghĩ rằng, nếu có thể đóng gói đồ uống để dễ dàng mang theo khi đi xa, đây chắc chắn sẽ là một cơ hội kinh doanh lớn. Vậy là sau khi trở về Bắc Kinh, bà đã mang theo toàn bộ tiền tích lũy để đến Hải Nam khởi nghiệp, bất chấp sự phản đối từ gia đình.

Bà chủ đế chế lon: Từ thất bại đến đỉnh cao

Bà Hương cùng con trai mình đã thành lập công ty TNHH O.R.G Packaging. Nhà máy thuở sơ khai chỉ có 16 nhân viên và duy nhất một dây chuyền sản xuất. Do mới khai trương, chưa có tiếng tăm và đơn hàng nào nên ban đầu, bà đã hợp tác với một số doanh nghiệp nhỏ vô danh. Điều này đã giúp công ty của bà không lo “chết đói” song không đủ để mở rộng quy mô.

Cho đến cuối năm 1995, khi nước tăng lực Redbull - thức uống phổ biến rộng rãi từ Đông Nam Á đến châu Âu - dần thâm nhập thị trường Trung Quốc. Và sau khi gia nhập thị trường tỉ dân, Redbull quyết định áp dụng chiến lược kinh doanh địa phương hóa và thành lập nhà máy ở Thâm Quyến. Lúc đó, Redbull đã là một công ty đa quốc gia lớn mạnh.

Sau khi nghe được tin này, nữ giám đốc U60 nhận ra nếu có thể thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với Redbull, công ty sẽ không phải lo lắng về việc “khát” đơn hàng nữa. Tuy nhiên, một lần nữa, ý tưởng này của bà vấp phải sự chê cười và phản đối từ ban điều hành của công ty, thậm chí con trai bà cũng cảm thấy điều này không hề khả thi.

Dĩ nhiên, bà Hương chẳng bận lòng vì sự phản đối đó. Bà đã làm một hành động táo bạo - đi lại thường xuyên giữa Thâm Quyến và Quảng Châu, trực tiếp chặn đường giám đốc Redbull.

Ban đầu, lãnh đạo của Redbull tưởng rằng có một công ty lớn đang muốn hợp tác với họ. Không ngờ, đối phương lại là một bà lão U60 và chỉ có một dây chuyền sản xuất trong nhà máy nhỏ. Vì vậy, bà Hương đã bị từ chối ngay lập tức.

Trên thực tế, vào thời điểm đó, ngoại trừ Quan Ngọc Hương muốn hợp tác với Redbull, một số công ty bao bì lớn hơn khác ở Trung Quốc cũng muốn ký hợp đồng lớn với thương hiệu này. Thế nhưng, tất cả đều bị từ chối do công nghệ không đạt tiêu chuẩn.

Vào thời điểm đó, yêu cầu của phía Redbull là lớp phủ bên trong và bên ngoài của lon phải thêm một lớp sơn bột. Còn ở Trung Quốc lúc đó, việc sản xuất lon trong nước vẫn sử dụng lớp phủ dạng lỏng. Thậm chí, bà Hương chỉ mới nghe nói đến công nghệ xa lạ này, chứ chưa từng nhìn thấy chúng.

Tuy nhiên, người phụ nữ U60 không nản chí. Bà nhờ con trai đi tìm kiếm và phát hiện công nghệ này lúc đó đã có ở một số công ty bao bì tại nước ngoài. Nhưng trở ngại chưa dừng lại ở đó.

Hầu hết các công ty nước ngoài từ chối hợp tác khi Quan Ngọc Hương ngỏ ý muốn sao chép toàn bộ công nghệ này sang Trung Quốc. Cuối cùng, sau thời gian dài tìm kiếm và nhiều lần bị từ chối, họ đã nhận được cái gật đầu hợp tác của một công ty ở Singapore. Điều đáng nói, phải đến 5 năm sau, những công ty bao bì khác ở Trung Quốc mới bắt đầu nắm rõ và vận dụng được công nghệ này. Bà Hương đã đi trước một bước rất xa, và đây cũng là lý do khiến nữ giám đốc này thâu tóm thành công thị trường nội địa.

Năm 1996, bà đã nhập thiết bị tiên tiến nhất vào Trung Quốc, công nghệ của nhà máy đã được nâng cấp. Bước tiếp theo là sản xuất một số mẫu theo yêu cầu của Redbull và cho họ xem trước.

Ban lãnh đạo của Redbull không bao giờ ngờ rằng người phụ nữ can đảm này sẽ lại xuất hiện. Và sau nhiều lần sửa đổi, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Quan Ngọc Hương, cuối cùng, bà đã thành công có được cơ hội hợp tác với Redbull và tự tay mở ra một kỷ nguyên mới trên con đường sự nghiệp.

Năm 1997, Redbull quyết định mở phân xưởng tại Bắc Kinh. Lúc này, bà đã đánh liều mở một xưởng mới để đáp ứng nhu cầu tăng cao của đối tác Redbull. Theo quan điểm của bà, cách này không chỉ có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển mà còn tiết kiệm rất nhiều chi phí mua sắm nguyên liệu thô và sản xuất sản phẩm. Thành quả sau đó đã chứng minh quyết định của bà vô cùng chính xác.

Sáu năm sau, khi Redbull xây một nhà máy mới ở Hồ Bắc, bà cũng thành lập một nhà máy mới trong cùng khu công nghiệp. Biện pháp này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà việc điều phối chuỗi quản lý, sản xuất và cung ứng của doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn rất nhiều.

Sau đó, Redbull thành lập nhà máy thứ ba tại Quảng Châu. Công ty Quan Ngọc Hương không những bám sát mà còn chuyển cả ký túc xá và căng tin của công nhân đến cùng khu. Hoạt động kinh doanh của bà Hương ngày càng lớn mạnh.

Sau đó, nhiều thương hiệu nước giải khát nổi tiếng nội địa như Jiaduobao, Wang Wang và bia Xue Hua cũng lần được trở thành đối tác của Quan Ngọc Hương.

Lúc này, ngoài việc phát triển về quy mô, bà Hương còn thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ chuyên dụng. Với khoản đầu tư hàng chục triệu NDT mỗi năm, công ty đã đạt được 16 bằng sáng chế. Với những công nghệ mới này, các công ty trong ngành sản phẩm bao bì có thể tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn.

Chỉ riêng năm 2020, doanh thu của công ty đã đạt gần 10 tỷ NDT (32.823 tỉ đồng). Đến năm 2024, giá trị thị trường của công ty Quan Ngọc Hương đạt 20 tỉ NDT (65.646 tỉ đồng).

Hương Nguyễn (Theo sina)

Tin khác