20.000 con lươn bò kín bể xi măng, anh nông dân Cần Thơ thu bộn tiền
Xem clip:
Một ngày đầu tháng 11, anh Nguyễn Văn Phương (46 tuổi, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) tất bật thay nước cho các bể nuôi lươn.
Vốn xuất thân trong gia đình nông dân nên từ nhỏ, anh Phương đã yêu thích trồng trọt, chăn nuôi, thường xuyên tìm hiểu và làm quen với nhiều chủ trang trại.
Người đàn ông Cần Thơ này luôn ấp ủ ước mơ làm giàu, làm chủ trên chính mảnh đất quê hương. Từ đó, anh tìm hiểu mô hình nuôi lươn không bùn.
“Vợ chồng tôi cần cù, chịu khó, bươn chải mưu sinh bằng nhiều việc, từ làm thuê đến buôn bán nhưng thu nhập cũng chỉ tạm đủ ăn và lo chuyện học hành cho 2 con. Năm 2017, tôi quyết định nuôi lươn không bùn. Từ đó, kinh tế gia đình ngày càng ổn định, khấm khá hơn” - anh Phương tâm sự.
Nhắc lại lý do quyết định chọn mô hình nuôi lươn để khởi nghiệp, anh Phương chia sẻ do nhận thấy trên địa bàn, các quán ăn, nhà hàng bán các món đặc sản lươn, ếch… khá nhiều nhưng nguồn cung còn hạn chế.
Anh Phương chia sẻ: “Tôi tận dụng diện tích nhỏ khoảng 500m2 vừa làm nơi bán quán cà phê, vừa nuôi lươn. Tôi mua lươn giống về thả nuôi nhưng do chưa có kinh nghiệm, lứa đầu tiên bị chết nhiều".
Không nản chí, anh vẫn quyết tâm đầu tư nuôi tiếp.
"Lần này, tôi học tập kinh nghiệm thực tế của người nuôi trước và tài liệu khuyến nông, khoa học công nghệ... Sau 8 tháng chăm sóc, lươn tôi nuôi được xuất bán, thu về hơn 100 triệu đồng. Từ đó, tôi nhân rộng mô hình ra và đến nay nuôi cùng lúc hơn 20.000 con”.
Anh Phương tiết lộ nuôi lươn không bùn cần nhiều kinh nghiệm về con giống, bể, hồ nuôi và nguồn nước. Tuy nhiên, ưu điểm của mô hình này là ít tốn công chăm sóc, ít tốn diện tích, đầu ra thuận lợi và giá cả luôn ổn định ở mức cao.
Hồ nuôi lươn được anh Phương xây dựng có chiều ngang 1,5m, dài 3,5m, bên trong để dây lưới đã khử trùng và phơi khô để lươn trú ẩn. Nước trong hồ được giữ ở mức từ 3-4 tấc, tùy vào mật độ nuôi.
Hàng ngày, anh Phương cho lươn ăn 2 lần. Trước khi cho ăn, người đàn ông này thay nước cho lươn.
"Muốn lươn mau lớn và có tỷ lệ sống cao, khâu khá quan trọng là con giống. Con giống phải có xuất xứ rõ ràng, không bị xây xát, mất nhớt, kích cỡ đồng đều, tốt nhất là mua con giống từ các cơ sở sản xuất uy tín.
Bên cạnh đó, nguồn nước nuôi phải sạch. Nếu nước bẩn, lươn dễ bị mắc bệnh và chết. Mình phải tạo môi trường nuôi nhân tạo bằng cách bơm, thay nước thường xuyên, giữ mực nước vừa phải. Ngoài ra, người nuôi cần bổ sung vi sinh đường ruột, vitamin C trộn vào thức ăn cho lươn..." - anh Phương chia sẻ kinh nghiệm.
Theo anh Phương, nếu nuôi từ lươn bột (trứng lươn) đến khi xuất bán mất khoảng 12-14 tháng, còn nuôi từ lươn lớn (từ 300-500 con/kg) thì khoảng 8-9 tháng có thể xuất bán lươn thịt. Hiện nay, giá lươn thịt khoảng 120.000 đồng/kg, có những thời điểm giá còn cao hơn.
Ngoài bán lươn thương phẩm, anh Phương còn bán con giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người nuôi. Lươn của anh được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… Để có lươn giống và lươn thịt cung cấp quanh năm, anh nuôi xoay vòng, tính ra mỗi năm được 2 vụ.
Mỗi năm, anh Phương xuất bán khoảng 3-4 tấn lươn thịt cộng với khoảng 200.000 con giống, thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Hoài Thanh