1. Kinh doanh

2/3 người dùng tin mua hàng của sao mạng

Kylie Jenner là người có sức ảnh hưởng tiên phong trong nền kinh tế sáng tạo. Ảnh: @kyliejenner.

Theo dữ liệu mới từ công ty sáng tạo toàn cầu Billion Dollar Boy, các thương hiệu, sản phẩm của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đang tái định hình thói quen mua sắm của khách hàng.

Theo khảo sát hơn 4.000 người tiêu dùng, 500 nhà tiếp thị và 500 người sáng tạo nội dung tại Mỹ và Anh, 65% khách hàng mua sắm sản phẩm hoặc dịch vụ do các sao mạng phát hành.

Xu hướng này được thấy nhiều hơn ở người trẻ. 91% nhóm 16-24 tuổi, 84% người nhóm 25-34 tuổi và 74% người tiêu dùng ở độ tuổi 35-44 thực hiện các giao dịch mua sắm như vậy.

Ngoài ra, trong khi 27% khách hàng mong muốn mua hàng từ sao mạng, chỉ 24% lựa chọn các thương hiệu truyền thống, cho thấy sự thất thế của mô hình kinh doanh cũ, theo WWD.

Sao mạng là thế lực mới

Theo Becky Owen, Giám đốc tiếp thị toàn cầu tại Billion Dollar Boy, các thương hiệu truyền thống không sở hữu khả năng của những nhà sáng tạo nội dung như xây dựng lòng tin và kết nối cộng đồng. Đây là những khả năng giúp họ chinh phục nhóm người dùng ngày càng quen thuộc với mua sắm trực tuyến và mạng xã hội.

“Xu hướng này trao quyền cho những người có sức ảnh hưởng, biến nền kinh tế sáng tạo thành cái nôi ươm mầm cho thế hệ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tương lai”, Becky Owen nói.

Kylie Jenner là một trong những người tiên phong dẫn đầu nền kinh tế sáng tạo, thành công với thương hiệu mỹ phẩm mang tên mình. Ảnh: Kylie Cosmetics.

Khảo sát cũng chỉ ra 35% mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới nổi, 30% tin tưởng người có sức ảnh hưởng hơn thương hiệu truyền thống và 26% trung thành với các ngôi sao mạng.

Theo báo cáo, 71% khách hàng Mỹ có khả năng mua sắm sản phẩm, dịch vụ do các nhà sáng tạo phát hành, 58% người tiêu dùng Anh có xu hướng tương tự.

Tuy nhiên, người có sức ảnh hưởng cũng gặp một số khó khăn khi ra mắt sản phẩm của mình. 38% thiếu ngân sách, 31% thiếu kinh nghiệm, 27% không có mạng lưới hỗ trợ và 15% bị hạn chế tiếp cận chuỗi cung ứng.

“Các ngôi sao mạng phải đảm nhiệm nhiều vai trò, từ chủ doanh nghiệp, đóng gói sản phẩm đến sản xuất nội dung tiếp thị. Việc này không đơn giản”, Owen nói.

Những ví dụ thành công

Mặc dù báo cáo chỉ ra nhiều thách thức, một số người có sức ảnh hưởng nhanh chóng dẫn đầu thị trường, sớm gặt hái thành công. Ngôi sao mạng Kylie Jenner là ví dụ điển hình, sử dụng sức ảnh hưởng của mình để trở thành doanh nhân trong ngành làm đẹp.

Vào năm 18 tuổi, Kylie bắt đầu kinh doanh hãng mỹ phẩm có tên Kylie Cosmetics. Khi ra mắt thương hiệu vào năm 2015, cô tung ra thị trường bộ sưu tập Kylie Lip Kits, gồm 3 loại son môi dạng kem với chì kẻ viền môi tương ứng.

Trong đợt bán thử nghiệm, cô chỉ sản xuất 5.000 sản phẩm cho mỗi tông màu, bán ra với mức giá 29 USD/thỏi son. Sản phẩm lập tức cháy hàng và cần 6 tháng tiếp theo để sản xuất lô hàng mới.

Kylie Jenner từng cho biết Kylie Cosmetics thành công thu về 420 triệu USD trong 18 tháng kinh doanh đầu tiên.

Thương hiệu thời trang Parke do Chelsea Parke sáng lập thành công với các cửa hàng pop-up. Ảnh: Parke.

Ở quy mô nhỏ hơn, thương hiệu thời trang Parke do Chelsea Parke, người có hơn 47.000 người theo dõi trên Instagram, sáng lập thành công tổ chức cửa hàng pop-up đầu tiên hồi đầu năm nay, tạo ra doanh số 300.000 USD.

Tại cửa hàng pop-up hồi tháng trước, doanh thu của Parke còn tăng gấp đôi. Những con số biết nói này khẳng định sức ảnh hưởng lớn của sao mạng đến tâm lý và hành vi của tiêu dùng.

Linh Vũ

Tin khác