Yếu tố thúc đẩy nhu cầu vật liệu xây dựng
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect), việc thúc đẩy kinh tế sau bão là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ sẽ tập trung vào việc khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như lưới điện, đường sá, trường học và trạm xá, đồng thời hỗ trợ người dân sửa chữa và xây dựng lại nhà cửa bị hư hại do bão Yagi.
Để thúc đẩy tăng trưởng, chính phủ cũng sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các dự án tái thiết do Chính phủ và địa phương triển khai sẽ thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng.
Các vật liệu xây dựng chủ yếu được tìm mua là vật liệu sửa chữa nhà ở như mái tôn, ngói, khung nhôm kính, gạch lát, sàn gỗ, ống nước, thiết bị điện và sơn chống thấm...
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định, với nhóm tôn mạ, sản lượng tiêu thụ nội địa hồi phục nhờ thị trường bất động sản khởi sắc, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng trong giai đoạn cuối năm và khắc phục hậu quả bão lũ do bão Yagi.
Mặt khác, thuế chống bán phá giá nếu được Bộ Công Thương áp dụng với thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi.
Tôn thép là vật liệu quan trọng trong các công trình nhà ở, văn phòng và công nghiệp. Do đó, nhu cầu tăng cao sẽ giúp nâng cao doanh số bán hàng và lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất các loại vật liệu này, từ đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu.
Thị giá cổ phiếu nhóm cổ phiếu tôn thép có xu hướng nhích nhẹ sau bão. Tính từ 6/9 chốt phiên 20/9, HPG tăng 2,72%, HSG tăng 1,11%, NKG tăng 2,77%...
Cổ phiếu tôn, thép còn được kỳ vọng thêm với việc các cơ quan chức năng có động thái điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các sản phẩm thép tôn mạ đến từ nước ngoài.
Cụ thể, ngày 26/7, Bộ Công Thương đã ra quyết định về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024. Thời hạn ra quyết định áp thuế cuối cùng là 1 năm kể từ ngày có quyết định điều tra (26/7/2025). Trong trường hợp đặc biệt, thời gian này có thể được gia hạn nhưng tổng thời gian điều tra không quá 18 tháng (chậm nhất quý I/2026).
Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, Việt Nam sẽ sớm ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá HRC vào cuối năm 2025 hoặc chậm nhất là quý I/2026.
Ngoài ra, động lực tăng điểm của nhóm thép còn đến từ kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa phục hồi trong nửa cuối năm 2024.
Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa sẽ bắt đầu hồi phục từ nửa sau năm 2024 nhờ lĩnh vực bất động sản nhà ở dần hồi phục và số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng. Trong trung và dài hạn, Luật Bất động sản sửa đổi đã có hiệu lực từ 1/8/2024 được kỳ vọng sẽ gián tiếp kích thích nhu cầu tiêu thụ thép trong nước.
Nhu cầu về xi măng để phục vụ các dự án tái thiết tăng có thể tác động tích cực đến Công ty cổ phần xi măng VICEM Hà Tiên (mã chứng khoán: HT1) và Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (mã chứng khoán: BCC) có thể hưởng lợi từ
Các công ty sản xuất thép và tôn như Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG), Công ty cổ phần Tôn Đông Á (mã chứng khoán: GDA) và Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) cũng sẽ có doanh thu tăng trưởng khi nhu cầu vật liệu để sửa chữa, xây dựng nhà cửa, cơ sở hạ tầng tăng cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thông thường sau mỗi đợt bão nhu cầu xây dựng nhiều hơn phần nào giúp cho nhóm cổ phiếu tôn, thép được hưởng lợi nhưng đó không phải là câu chuyện dài hạn.
Nhìn lại nhóm tôn, thép sau mỗi đợt mưa bão lớn chỉ có một năm duy nhất là 2016 tăng trưởng tích cực, còn các năm khác thì xu hướng tăng thường không kéo dài.
Trong khi đó, nhóm này hiện tại còn nhiều khó khăn do cầu nội địa yếu, xuất khẩu chậm. Nhà đầu tư cũng nên nhớ giá hàng hóa đang giảm do lo ngại nhu cầu suy yếu, biến động tăng giá là ngắn hạn, giá cổ phiếu nhóm này sẽ sớm quay lại phản ánh các yếu tố cơ bản, ông Minh phân tích.
Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, cổ phiếu thép tăng trong thời gian vừa qua phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư sau giai đoạn ảnh hưởng của cơn bão Yagi và lũ quét sẽ dẫn tới nhu cầu về mái tôn, sắt thép xây dựng tăng cao. Đây là nhu cầu thực của người dân sau khi bão, lũ qua đi. Tuy nhiên, với cổ phiếu ngành thép, đó là xu hướng ngắn hạn, chưa đánh dấu sự trở lại của ngành thép.
Theo ông Sơn, giá thép quốc tế trong xu thế giảm nên thị trường thép Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Ngành thép Việt Nam chỉ có khả năng tăng khi xu hướng giảm giá của thị trường thép toàn cầu tạo đáy và bắt đầu đi lên.
Hiện có 3 yếu tố được kỳ vọng sẽ giúp thị trường thép tăng trưởng trở lại. Cụ thể, sự phục hồi của thị trường bất động sản; Việt Nam sớm áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ; nhu cầu thị trường thép toàn cầu tăng trở lại.
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, ngành thép có triển vọng tăng trưởng 10% trong năm 2024 và khoảng 8% trong năm 2025. Tín hiệu phục hồi của ngành sẽ trở nên rõ rệt hơn khi thị trường bất động sản trong nước sôi động trở lại.
Thực tế, ngành vật liệu xây dựng là một trong những ngành nghề có đóng góp không nhỏ cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, mỗi năm ngành này đóng góp trung bình khoảng 7% GDP của cả nước.
Quý II/2024, nhiều doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng lớn có báo cáo kết quả kinh doanh khá tích cực.
Mới đây, Công ty cổ phần Eurowindow Holding công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2024 với lãi sau thuế gần 96,6 tỷ đồng, tăng gần 308% so với cùng kỳ.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu nhờ đó cải thiện từ mức 0,3% của cùng kỳ lên 1,2% trong 6 tháng đầu năm nay.
Công ty cổ phần Eurowindow Holding được thành lập ngày 16/3/2007, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và nội thất.
Với ngành thép, trong quý II/2024, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 39.936 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 3.320 tỷ đồng, tăng 1.872 tỷ đồng so với quý II/2023 (1.448 tỷ đồng).
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) vừa công bố báo tài chính quý III niên độ 2023-2024 (từ 1/4/2024 đến 30/6/2024).
Theo đó, doanh thu thuần 10.840 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng vọt 50%, đạt 1.337 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện đáng kể, từ 10,3% lên 12,3%.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 141%, đạt 31 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay giảm 28% xuống còn 39 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 25% lên 901 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 12% lên 129 tỷ đồng.
Kết quả, Tập đoàn Hoa Sen Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận sau thuế 273 tỷ đồng trong quý II/2024, gấp 19 lần cùng kỳ.
Với ngành xi măng, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1) doanh thu thuần gần 1.909 tỷ đồng, lãi ròng gần 46 tỷ đồng, lần lượt giảm 5% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này cho thấy sự phục hồi mạnh so với quý I/2024 (Quý I/2024, doanh nghiệp này lỗ tới 24 tỷ đồng).
Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2024 với doanh thu thuần bán hàng đạt 1.710 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau quý I/2024 lỗ 49,7 tỷ đồng, quý II/2024, công ty đã có lãi trở lại 27,1 tỷ đồng.
Mặc dù có kết quả kinh doanh hồi phục trong quý II/2024, nhưng các chuyên gia cho rằng, nguồn cung xi măng tiếp tục vượt xa so với nhu cầu, dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp xi măng tiếp tục thực hiện giảm công suất hoặc dừng lò nung.
Theo Bộ Xây dựng, hiện ngành xi măng có 92 dây chuyền, với tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm; trong đó có 4 dây chuyền tổng công suất 11,4 triệu tấn xi măng/năm đã đầu tư xong nhưng chưa vận hành, do không tiêu thụ được sản phẩm.
Văn Giáp/BNEWS/TTXVN