Giá dầu cao mang lại 'bữa tiệc' lợi nhuận cho các tập đoàn năng lượng toàn cầu
Hôm 28-10, ExxonMobil, nhà sản xuất dầu khí lớn nhất của Mỹ, cho biết lợi nhuận quí 3 tăng lên mức kỷ lục 19,7 tỉ đô la Mỹ, cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Một ngày trước, Tập đoàn năng lượng Chevron cũng ghi nhận lợi nhuận quí 3 đạt 11,2 tỉ đô la Mỹ, chỉ thấp một chút so với mức lợi nhuận kỷ lục của quí trước đó. Các mức lợi nhuận này đều cao hơn dự báo của giới phân tích.
ExxonMobil giải thích kết quả kinh doanh tốt là nhờ sản lượng dầu khí tăng và chính sách kiểm soát chi phí chặt chẽ bên cạnh sức mạnh của thị trường hàng hóa.
Kathy Mikells, Giám đốc Tài chính của ExxonMobil, cho biết công ty đã đầu tư vào sản xuất “vượt trội so với tất cả các công ty cùng ngành”. Bà nói sản lượng của tập đoàn tại lưu vực dầu đá phiến Permian ở tây Texas và New Mexico tăng mạnh và nhiên liệu sản xuất từ các nhà máy lọc dầu ở Bắc Mỹ cũng đạt mức cao kỷ lục.
ExxonMobil đang thúc đẩy khối lượng “vào thời điểm mà rõ ràng thế giới thực sự cần sản phẩm của chúng tôi”, bà nói với Financial Times.
ExxonMobil sẽ tăng cổ tức hàng quí thêm 3%, lên 0,91 đô la/cổ phiếu và cho biết tổng chi trả cổ tức sẽ đạt tổng cộng 15 tỉ đô la Mỹ trong năm nay. Công ty có kế hoạch mua lại 30 tỉ đô la Mỹ cổ phiếu trong năm nay và năm sau. Chi tiêu đầu tư của ExxonMobil dự kiến ở mức khoảng 23 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, thấp hơn mức chi tiêu trước đại dịch.
Ở phía bên kia Đại Tây Dương, Tập đoàn dầu khí Shell của Anh và Tập đoàn dầu mỏ và năng lượng TotalEnergies của Pháp ghi nhận lợi nhuận trong quí vừa qua đạt lần lượt 9,5 tỉ đô la Mỹ và 9,86 tỉ đô la Mỹ, đều cao hơn gấp đôi so với một năm trước đó.
Như vậy, tổng lợi nhuận của bốn gã khổng lồ năng lượng toàn cầu ExxonMobil, Chevron, Shell và TotalEnergies đã phình to lên mức hơn 50 tỉ đô la trong quí 3.
Giá dầu neo ở mức cao và giá khí đốt tăng lên mức kỷ lục ở châu Âu cũng đã giúp các tập đoàn này duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ kéo dài một năm qua.
Giá dầu chuẩn quốc tế Brent đã giảm từ mức cao kỷ lục gần 130 đô la Mỹ/thùng hồi tháng 3 nhưng vẫn ở mức cao do nguồn cung tiếp tục thắt chặt và quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày của liên minh OPEC+ do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu. Giá khí đốt cũng tăng vọt khi Nga bóp nghẹt dòng chảy nhiên liệu này sang châu Âu.
Kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi là tin vui đối với các cổ đông của các ông lớn dầu khí, những người sẽ được nhận mức cổ tức cao hơn và chứng kiến giá cổ phiếu của họ tăng vọt. Ngược dòng với đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ, giá cổ phiếu của ExxonMobil tăng gần 81% trong năm nay, và mức tăng giá cổ phiếu của Chevron là hơn 53%.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã đổ lỗi cho các công ty dầu mỏ về việc chậm tăng sản lượng, khiến giá xăng ở Mỹ tăng vọt và đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều nhập niên.
Hồi tháng 6, Tổng thống Joe Biden chỉ trích ExxonMobil vì kiếm được “nhiều tiền hơn cả Chúa”. Sau khi Shell báo lợi nhuận hàng quí đạt 9,5 tỷ đô la Mỹ vào hôm 27-10, ông Biden cũng đã chỉ trích tập đoàn này về việc công bố kế hoạch tăng cổ tức vì cho rằng “lợi nhuận sẽ quay trở lại cổ đông thay vì sử dụng để bơm thêm dầu để giúp giảm giá”.
Giá xăng ở Mỹ, đang ở mức trung bình khoảng 3,76 đô la Mỹ/ gallon (3,78 lít), giảm so với mức đỉnh hơn 5 đô la Mỹ/ gallon vào đầu năm nay nhưng vẫn ở mức cao hơn đáng kể với những năm gần đây.
Tại Anh, dù đạt mức lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử ở quí vừa qua, Shell không bị đánh thuế lợi nhuận đột biến nhằm vào các công ty năng lượng. Shell cho rằng vì đang triển khai những khoản đầu tư lớn tại Anh nên trên thực tế, tập đoàn không ghi nhận lợi nhuận tại nước này.
Ed Miliband, người đứng đầu chính sách biến đổi khí hậu của Công đảng đối lập, cho biết thuế lợi nhuận đột biến hiện tại đối với các công ty năng lượng còn thiếu sót và “sẽ chứng kiến hàng tỉ bảng tiền thuế của người dân sẽ quay trở lại túi của các gã khổng lồ dầu khí thông qua chính sách giảm thuế lố bịch”.
Hiện tại, nhu cầu dầu và khí đốt vẫn mạnh mẽ. Nhưng với việc lãi suất bị đẩy lên cao, làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế, các lãnh đạo ngành dầu mỏ đang tỏ ra thận trọng về kế hoạch chi tiêu đầu tư vì họ đã từng chứng kiến thị trường có thể đảo chiều nhanh như thế nào.
Trent Latshaw, Chủ tịch Latshaw Drilling, một công ty điều hành giàn khoan lớn ở Texas và Oklahoma, cho biết: “Không có cái gì lên hay xuống mãi mãi. Hiện tại chúng tôi đang trải qua một số thời điểm kinh doanh tốt nhưng kéo dài bao lâu thì tôi không biết. Tôi thận trọng về triển vọng kinh doanh dựa trên nhiều lần trải nghiệm cận kề “cửa tử” trong 20 năm qua”.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, giá dầu đã giảm từ 145 đô la Mỹ xuống còn 35 đô la Mỹ/thùng trong vòng 5 tháng. Trong năm 2014 và 2015, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá một thùng dầu đã giảm hơn một nửa trong bốn tháng, xuống còn 45 đô la Mỹ, trước khi tăng trở lại. Khi đại dịch Covid-19 ập đến vào đầu năm 2020, giá dầu nhanh chóng lao dốc xuống 18 đô la Mỹ/ thùng và có lúc rơi xuống mức âm khi các nhà sản xuất phải trả tiền cho người mua để họ vận chuyển lượng dầu không còn chỗ để dự trữ.
Theo Financial Times, NY Times
Khánh Lan