1. Tài chính

Xuất nhập khẩu đã thoát đáy, nhưng tăng tốc chậm chạp

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 8/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 tăng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ, do sản xuất công nghiệp cho tiêu dùng nội địa tiếp tục được mở rộng, đồng thời hoạt động xuất khẩu hàng tháng cũng tăng nhẹ trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2023.

Xuất nhập khẩu đã thoát đáy, nhưng tăng tốc chậm chạp. (Ảnh: MPO)

Doanh số bán lẻ tháng 8/2023 tăng 7,6%, so cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch (11 – 12%). Trong khi doanh số bán hàng hóa tăng nhẹ thì doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, phần lớn là do sự mở rộng của dịch vụ du lịch và khách sạn.

Ngược lại, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 tiếp tục giảm lần lượt 7,3% và 8,1%. Tuy nhiên, hoạt động xuất - nhập khẩu hàng tháng đã được cải thiện liên tục kể từ tháng 5, cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu có thể đã chạm đáy.

Xuất khẩu giảm là do xuất khẩu các sản phẩm sản xuất chính giảm, bao gồm điện thoại thông minh (-14,6%), máy móc (-17,9%), dệt may (-17,8%) và giày dép (-19,3%).

WB nhận định, sự suy giảm trong thương mại hàng hóa phản ánh nhu cầu tiếp tục yếu từ các thị trường xuất khẩu chính, bao gồm Mỹ và EU, khiến xuất khẩu giảm lần lượt 19,1% và 8,3% (so với cùng kỳ) trong 8 tháng đầu năm 2023

Lạm phát tính theo CPI tăng từ mức 2,1% trong tháng 7 lên 3% trong tháng 8, đảo ngược xu hướng giảm trong 6 tháng liền kề trước đó, trong đó thực phẩm và nhà ở tiếp tục là hai nguyên nhân chính.

Lương thực, thực phẩm cũng như nhà ở và vật liệu xây dựng là những tác nhân chính gây ra lạm phát CPI.

Tăng trưởng tín dụng tăng nhẹ lên 9,4% trong tháng 8 năm 2023, vẫn thấp hơn nhiều so với mức được ghi nhận trong những năm gần đây, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư và đầu tư của khu vực tư nhân tiếp tục yếu.

Cân đối ngân sách hàng tháng thâm hụt 2,1 tỷ USD trong tháng 8, trong khi thâm hụt ngân sách lũy kế đến tháng 8/2023 ước đạt 2,3 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 8, số thu ngân sách giảm 9,1% do các hoạt động kinh tế chậm lại, trong khi chi tiêu công tăng 15,2%, phần lớn là do giải ngân đầu tư công tăng 40,3%.

WB cho rằng, trong khi sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu có thể đã chạm đáy và tiêu dùng trong nước vẫn ổn định, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư yếu.

Đặc biệt, những biến động tăng giá gần đây của giá năng lượng toàn cầu đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ về lạm phát CPI. Điều này cũng có thể ngăn cản Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, việc tiếp tục duy trì trạng thái thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu cho thấy cần đảm bảo việc quản lý ngoại hối linh hoạt để ứng phó với các điều kiện bên ngoài.

“Việc tăng tốc hơn nữa giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi ưu tiên, cũng như đầu tư vào nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn”, WB nhận định.

Định Trần

Tin khác