Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi: Cần 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở
Nói về nguồn lực tài chính để tăng lương cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương cho công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành, địa phương phải sắp xếp nguồn lực tài chính để tăng lương cơ sở.
“Các nhiệm vụ và giải pháp để có nguồn lực tài chính chủ yếu là tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi trong các hoạt động chi ngân sách hằng năm”, ông Chi cho biết.
Cũng theo ông Chi, chúng ta có nguồn từ ngân sách địa phương đạt trên 290.000 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 43.000 tỷ đồng.
“Căn cứ vào yêu cầu cấp thiết để tăng lương cơ sở, Chính phủ trình Quốc hội để tăng lương cơ sở từ 1/7/2023. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí phát sinh bao gồm cả lương hưu đối tượng do ngân sách đảm bảo, đối tượng chính sách, người có công, các chính sách an sinh xã hội, phụ cấp nghề… cần khoảng 60.000 tỷ đồng sau khi Quốc hội phê duyệt”, ông Chi nói.
Trả lời câu hỏi về thị trường chứng khoán thời gian gần đây có nhiều phiên giảm sâu dù nền kinh tế ổn định, ông Chi cho rằng có nguyên nhân xuất phát từ tình hình quốc tế và cả nguyên nhân trong nước.
Cụ thể, tình hình quốc tế có sự thay đổi mạnh mẽ sau khi kiểm soát được COVID-19: lạm phát ở một số nền kinh tế rất cao, chính sách kiểm soát dịch cũng thay đổi. Trong khi đó, tình hình chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn phức tạp. Chưa có một dự báo lạc quan nào về sự kết thúc cuộc xung đột đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, trong đó ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu, năng lượng - mặt hàng chiến lược tác động mạnh đến kinh doanh, giá cả và lạm phát.
Ngoài ra thị trường chứng khoán khu vực và thế giới có những biến động rất mạnh như tại Mỹ, Nhật và các nước Châu Âu…cũng tác động liên thông đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở trong nước, các điều chỉnh về chính sách, nhất là chính sách tiền tệ như tăng lãi suất và quản lý chặt room tín dụng đã ảnh hưởng đến dòng tiền từ đầu năm đến nay. Hiện nay ngân hàng tăng dòng tiền để hồi phục chuỗi cung ứng, sản xuất, còn hạn chế đổ vào lĩnh vực chứng khoán.
Tuy nhiên ông Chi vẫn tin tưởng vào sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam trên cơ sở cái gốc đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô và dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Về giải pháp, ông Chi cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục giữ cho thị trường chứng khoán vận hành ổn định và an toàn. Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện minh bạch, công bố thông tin và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thậm chí có thể chuyển sang cơ quan công an để điều tra, nhằm đảm bảo thông tin xấu, độc không vào Việt Nam, nhất là tin đồn thất thiệt, tung tin để trục lợi…
Một giải pháp nữa là sẽ tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật, nhất là Nghị định 155 cũng như các văn bản hướng dẫn để sửa đổi, bổ sung những bất cập để thị trường chứng khoán thích ứng và phát triển bền vững.
Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất là phù hợp
Cũng tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà đã trả lời câu hỏi về chính sách tăng lãi suất.
Ông Hà cho biết, năm nay, ngay từ đầu năm, NHNN đã xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, cao hơn 2 năm trước và thực tế tín dụng đã tăng nhẹ ngay từ đầu năm. Đây là điều rất khác so với những năm trước. Đến nay, tín dụng tiếp tục cao so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể đến 25/10, tín dụng tăng 11,5% so với trên 10% của cùng kỳ năm ngoái.
Ông Hà nhận xét, tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong 9 tháng theo NHNN đánh giá là có sự đóng góp tích cực của tăng trưởng tín dụng nhanh ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, về nguồn vốn, năm nay rất khác mọi năm là huy động vốn tăng trưởng chậm. Đến nay, tốc độ huy động vốn tăng 4,6% so với đầu năm, nghĩa là chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng tín dụng. Điều này gây quan ngại đối với tính thanh khoản của ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, với áp lực đảm bảo nguồn vốn để có thể đảm bảo tính thanh khoản của tổ chức tín dụng cũng như đủ nguồn vốn để cung cấp cho nền kinh tế, NHNN đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành trong tháng 9. Gần đây nhất là vào ngày 24/10, điều chỉnh lần 2 đã tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Điều này nhằm đảm bảo cho các tổ chức tín dụng huy động thêm được nguồn vốn, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, khi mà lạm phát tăng cao và kéo dài, chưa dừng lại được.
"Chuyện tăng lãi suất của NHNN là phù hợp với nền kinh tế vĩ mô khi nền kinh tế của ta là nền kinh tế mở", ông Hà nhấn mạnh.
Ông Hà cho rằng, việc tăng lãi suất cũng làm nảy sinh những quan ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp. Nhưng NHNN trong quá trình điều hành luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung cung cấp vốn cho các ngành ưu tiên, các cơ sở kinh doanh và thực tế từ đầu năm đến giờ các lĩnh vực này đang phát triển tốt.
PHẠM DUY - LÊ THỊNH