Đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cho tăng lương cơ sở
Tăng lương cơ sở 20,8% tiệm cận dần chính sách cải cách tiền lương Cải cách tiền lương đối diện với khó khăn chung Lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến khi thích hợp
Đây là thông tin Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tại cuộc họp báo chiều 29/10 của Văn phòng Chính phủ.
Đã chuẩn bị khoảng 333.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương
Trả lời câu hỏi về việc chuẩn bị nguồn lực cho tăng lương cơ sở, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương về cải cách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương sắp xếp bố trí nguồn lực tài chính để chuẩn bị cho việc thực hiện cải cách tiền lương, bao gồm cả tăng lương cơ sở. Các giải pháp để có nguồn lực tài chính chủ yếu từ tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi ngân sách hàng năm. Từ khi triển khai nhiệm vụ này, theo thông tin của Bộ Tài chính, nguồn từ ngân sách địa phương là trên 290.000 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương là 43.000 tỷ đồng.
Đến nay, căn cứ tình hình thực tế tài chính ngân sách, căn cứ yêu cầu cấp thiết về tăng lương cơ sở, Chính phủ đã trình Quốc hội về việc tăng lương cơ sở 20,8% từ 1/7/2023. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu chi phí phát sinh cho chính sách này, gồm lương hưu, chi cho đối tượng do ngân sách đảm bảo, người có công, phụ cấp ưu đãi nghề… khoảng 60.000 tỷ đồng. “Như vậy, chúng ta hoàn toàn chủ động nguồn lực tài chính cho tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Tăng cường cung cấp thông tin chính thống về thị trường chứng khoán
Về câu hỏi khác liên quan đến tình hình và giải pháp cho thị trường chứng khoán, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, thị trường chứng khoán vừa qua có điều chỉnh lớn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, gồm cả tình hình quốc tế và trong nước. Trên thế giới, lạm phát ở nhiều nền kinh tế lớn tăng cao, từ đó, các chính sách tài khóa, tiền tệ thay đổi mạnh mẽ, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế các nước. Xung đột Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế, năng lượng… Tất cả những yếu tố này khiến thị trường chứng khoán thế giới và khu vực biến động mạnh, tác động liên thông đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở trong nước, để ứng phó với tình hình thế giới, chúng ta đã điều chỉnh chính sách tiền tệ qua các công cụ như tăng lãi suất, quản lý room tín dụng từ đó ảnh hưởng đến dòng tiền. Dòng tiền được hướng đến các ngân hàng khi lãi suất tăng, hướng vào sản xuất kinh doanh khi kinh tế phục hồi, do đó dòng tiền vào thị trường chứng khoán giảm bớt. Lý giải những nguyên nhân này khiến thị trường chứng khoán có những điều chỉnh, song Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng tin tưởng rằng, với nền tảng là sự ổn định của kinh tế vĩ mô được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục, thị trường chứng khoán sẽ có sự phát triển ổn định và bền vững.
Về giải pháp cho thị trường chứng khoán, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu một loạt giải pháp trước mắt như tăng cường minh bạch thông tin thông qua việc yêu cầu các thành viên thị trường, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về yêu cầu xử lý thông tin, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có; tập trung nguồn lực thanh tra, kiểm tra thị trường, giám sát các công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các nhà đầu tư để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong giao dịch trên thị trường, kiên quyết đảm bảo tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh việc kịp thời đưa thông tin chính thống về các giải pháp, quy định pháp luật tới thị trường để tránh thông tin xấu, tin giả gây ảnh hưởng bất lợi. Cùng với đó giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp thông tin thất thiệt, tung tin để trục lợi…
Nhằm hoàn thiện thể chế, Thứ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp tục rà soát các quy định pháp luật, trước mắt là Nghị định 155 hướng dẫn Luật Chứng khoán cũng như các văn bản hướng dẫn để có phương án sửa đổi, bổ sung kịp thời các vướng mắc. Về lâu dài, Bộ Tài chính cũng đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán để xem có nội dung nào bất cập, nhằm tìm hướng sửa đổi cho phù hợp, bắt kịp nhu cầu phát triển của thị trường trong thời gian tới. Ngoài ra, các giải pháp lâu dài vẫn là tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán, tăng cường năng lực của nhiều bên tham gia thị trường, từ các thành viên thị trường đến các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, lực lượng thanh tra giám sát…
Ngày 28/10, trả lời tại Quốc hội về vấn đề kiểm soát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rất đơn giản, được khuyến khích phát hành trên nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Hiện nay, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1.204.000 tỷ, chiếm 12,8% GDP, bằng khoảng một nửa so với con số mục tiêu đến năm 2030 đạt khoảng 25% GDP của chiến lược phát triển của thị trường chứng khoán. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ đề nghị sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán… và các nghị định liên quan để kiểm soát chặt chẽ, minh bạch, tạo nguồn cung vốn trung và dài hạn ổn định cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Hoàng Yến