1. Tài chính

Xu hướng và diễn biến trong ngắn hạn của giá vàng

Trang sức vàng được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN

Trước xu hướng này, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, chuyên gia Giavang.net Trương Vi Tuấn phân tích rõ ràng hơn về xu hướng và diễn biến trong ngắn hạn của giá vàng. Theo chuyên gia Trương Vi Tuấn, điểm đầu tiên và cơ bản nhất tác động đến diễn biến giảm của giá vàng là do chiến thắng của Tổng thống tái đắc cử Donald Trump đã xóa bỏ rất nhiều sự không chắc chắn về định hướng chính sách của Hoa Kỳ, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử Quốc hội vào giữa nhiệm kỳ năm 2026.

Vàng theo truyền thống được coi là một biện pháp phòng ngừa rủi ro, khi không còn là khoản đầu tư phòng vệ rủi ro nữa thì luồng vốn chạy khỏi kim loại vàng là đương nhiên. Các chính sách của Tổng thống Donald Trump và Đảng Cộng hòa có nguy cơ dẫn tới lạm phát.

Gói hỗ trợ lên tới 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD) của Trung Quốc vừa công bố không hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như dự báo. Các nhà đầu tư cũng đang thể hiện rõ những lo ngại về các mức thuế quan thương mại tiềm tàng mà Tổng thống Donald Trump có thể áp dụng cho hàng hóa Trung Quốc. Do đó, làn sóng bán tháo tài sản như cổ phiếu và vàng vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Thêm nữa, sau giai đoạn mua gom ròng, từ đầu tháng 11 tới nay, Quỹ SPDR - quỹ ủy thác đầu tư vàng uy tín và quy mô lớn nhất toàn cầu vừa quyết định bán gần 20 tấn vàng ra thị trường. Lực bán gia tăng khiến các mốc hỗ trợ của giá vàng lần lượt bị “xuyên thủng”.

Tình hình chứng khoán, đồng USD và bitcoin đều đang được hưởng lợi từ chính sách điều hành của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Theo đó, dòng tiền có sự dịch chuyển từ các tài sản có hiệu quả đầu tư thấp sang tài sản có hiệu quả đầu tư cao hơn. Có thể có một số luồng vốn đã từ vàng chuyển sang tiền điện tử nhưng chưa thể có số liệu chứng minh cụ thể điều này. Ở đây, chỉ có thể kết luận là sự tăng giá kỷ lục của đồng bitcoin đã phần nào làm giảm sự chú ý, tập trung vào đầu tư vàng.

Chủ tịch Fed và các quan chức đều chưa khẳng định về lộ trình hạ lãi suất. Thậm chí, gần đây, các quan chức Fed còn cho hay, Ngân hàng Trung ương muốn có sự tự tin và cần thấy thêm bằng chứng cho thấy lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% trước khi quyết định cắt giảm lãi suất thêm nữa. Những yếu tố này chính là nguyên nhân khiến giá vàng thế giới sụt giảm.

Nhận định về thị trường vàng trong nước, chuyên gia Vi Anh Tuấn cho rằng, nhiều người phải cắt lỗ bởi phần lớn họ chịu áp lực vay tiền để mua vàng và lướt sóng ngắn hạn. Về cơ bản, vàng vẫn nhận được sự hỗ trợ của chính sách tỷ giá giữa đồng USD và VND, vàng trong nước và thế giới còn nhiều yếu tố ủng hộ để hồi phục. Thế giới vẫn còn các bất ổn chính trị và làn sóng giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương từ Fed đến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Thị trường trong nước vẫn còn nhu cầu mua vàng tích trữ khi tỷ giá ở mức cao và ngày Lễ Thần tài, Tết Âm lịch Ất Tỵ đang sắp tới gần.

Cập nhật phiên 13/11 tại châu Á, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 2.606,42 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 20/9 trong phiên trước. Tại Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 80,5 - 84 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Trả lời câu hỏi chất vấn trên diễn đàn Quốc hội về thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp, ổn định thị trường vàng với mục tiêu là giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, phòng tránh các hiện tượng nhập lậu vàng. Hiện nay, giá vàng vẫn tăng giảm chưa thật sự ổn định do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới. Giá vàng còn phụ thuộc nhiều vào các biến số từ thị trường tài chính thế giới, lãi suất, tỷ giá, giá dầu… Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu, chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét giải pháp can thiệp.

Về giải pháp căn cơ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định số 24, tham mưu, đề xuất với Chính phủ về các giải pháp giải quyết vấn đề, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Về lâu dài, quan điểm chung của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, thực hiện các giải pháp để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, để chống vàng hóa và đô la hóa, không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Vàng nếu được chuyển hóa sang VND sẽ có cơ hội đầu tư, kinh doanh, hoặc gửi tiền vào ngân hàng để cho vay sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư vào lĩnh vực khác phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, tinh thần Ngân hàng Nhà nước là không khuyến khích người dân trữ vàng, đặc biệt là vàng miếng, bởi vàng miếng có giá trị cao, nên Nhà nước có chính sách độc quyền để xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, kinh doanh vàng miếng.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)

Tin khác