1. Chứng khoán

Xoay xở dòng tiền từ phát hành cổ phiếu tới bán tài sản

Khi tình hình thị trường có dấu hiệu ấm lên, hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch triển khai và thực hiện các bước phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Tại CTCP Thép Nam Kim (mã NKG), Công ty quay lại kế hoạch đầu tư 4.500 tỷ đồng để xây dựng nhà máy mới với công suất 1,1 triệu tấn/năm, nâng công suất toàn Công ty từ 1 triệu tấn/năm lên 2,1 triệu tấn/năm.

Ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch Thép Nam Kim cho biết, nhà máy mới dự kiến đi vào hoạt động quý IV/2025 hoặc quý I/2026, Công ty sẽ tăng theo từng giai đoạn và đạt 100% công suất vào năm 2027. Còn từ nay đến năm 2026 sẽ nâng công suất từ 1 triệu tấn/năm lên 1,6 triệu tấn/năm.

Được biết, trong dự án đầu tư mới, Thép Nam Kim mong muốn tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị tôn - mạ, Công ty sẽ nâng giá trị sản phẩm, hướng tới các dòng sản phẩm có thể phục vụ sản xuất đồ gia dụng, chi tiết máy, cơ khí chính xác, từ đó mở rộng tệp khách hàng.

Còn tại Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, mã DIG), đơn vị này lên kế hoạch chào bán 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, huy động 3.000 tỷ đồng. Số tiền huy động được, DIC Corp dự kiến dùng 1.135 tỷ đồng đầu tư Dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques giai đoạn II và III; 965 tỷ đồng đầu tư dự án Vị Thanh; còn lại 900 tỷ đồng dùng để thanh toán trái phiếu.

Với CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, mã SGR), đang xin ý kiến cổ đông chào bán 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 40.000 đồng/cổ phiếu cho Chủ tịch Phạm Thu, huy động 800 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động dự kiến dùng 500 tỷ đồng đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái Việt Xanh, còn lại 300 tỷ đồng sẽ thanh toán các khoản nợ vay.

Dự án Khu đô thị sinh thái Việt Xanh do Công ty TNHH MTV Địa ốc Sài Gòn Hòa Bình (công ty con của Saigonres) là chủ đầu tư, có quy mô 49,92 ha tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), vốn đầu tư ban đầu dự kiến là 833 tỷ đồng.

Tương tự, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội dự kiến chào bán hơn 8,83 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, huy động 88,35 tỷ đồng. Số tiền huy động, Công ty sẽ dùng 50 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án do Công ty làm chủ đầu tư; 30 tỷ đồng thực hiện chi trả các khoản nợ; còn lại gần 8,35 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động.

Bên cạnh kế hoạch đầu tư, mở rộng, không ít doanh nghiệp lên kế hoạch huy động vốn với mục đích cơ cấu, trả nợ sắp tới hạn.

Đơn cử, Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC) vừa thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 35 triệu cổ phiếu để huy động tối thiểu 350 tỷ đồng. Trong đó, Công ty sẽ dùng tiền huy động để mua lại trước hạn một phần lô trái phiếu mã TDC.BOND.700.2020 (dư nợ 700 tỷ đồng).

CTCP DNP Holding (mã DNP) thì lên kế hoạch phát hành hai lô trái phiếu với tổng mệnh giá 200 tỷ đồng, kỳ hạn 4 năm. Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng để tất toán các khoản nợ vay ngân hàng.

Không chỉ vì mục đích cơ cấu nợ, đầu tư dự án mới, mà chính việc gặp khó khăn dòng tiền khiến CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) phải bán đi các tài sản thanh khoản cao. Trong đó, SMC lên kế hoạch chuyển nhượng 27.731,4 m2 đất tại Đà Nẵng với giá dự kiến hơn 96 tỷ đồng.

Thực tế, đây không phải lần đầu, Công ty SMC chuyển nhượng tài sản. Tháng 11/2023, Công ty thông qua chuyển nhượng 6.197 m2 đất tại Bình Dương với giá 49 tỷ đồng; tháng 1/2024 tiếp tục thông qua chuyển nhượng 9.096 m2 tại TP.HCM với giá 126 tỷ đồng; tháng 4/2024, Công ty tiếp tục chuyển nhượng 329,5 m2 tòa nhà văn phòng tại TP.HCM với giá 170 tỷ đồng và thoái hàng loạt khoản đầu tư tài chính.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital cho hay: “Mặc dù thị trường bất động sản hồi phục, nhưng tín hiệu chậm, dòng tiền từ hoạt động mở bán mới vẫn ít, trong khi áp lực nợ vay trái phiếu, ngân hàng tới hạn. Điều này khiến các doanh nghiệp phải tìm cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu để bổ sung nguồn vốn đáo nợ ngân hàng, cũng như tìm nguồn vốn phục vụ nhu cầu đầu tư khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn”.

Duy Bắc

Tin khác