1. Tài chính

WB bổ sung vốn lên đến 100 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo

Trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, các quốc gia tài trợ đã cam kết đóng góp 23,7 tỷ USD cho Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) - quỹ cho vay ưu đãi của WB, tăng nhẹ so với mức 23,5 tỷ USD trong đợt huy động 3 năm trước. Sau khi sử dụng đòn bẩy tài chính, tổng số tiền tài trợ đạt có thể tăng gấp 4 lần lên 100 tỷ USD.

IDA chủ yếu hỗ trợ 78 quốc gia nghèo nhất thế giới, hỗ trợ các dự án từ phòng chống hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế đến thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là nguồn tài chính ưu đãi lớn nhất cho các quốc gia này, với khoảng 75% trong tổng số nguồn vốn IDA được sử dụng để hỗ trợ các quốc gia tại châu Phi.

Việc bổ sung IDA được thực hiện 3 năm một lần, đánh dấu sự tin tưởng mạnh mẽ vào khả năng hỗ trợ các mục tiêu phát triển hiệu quả của WB. Năm nay, Mỹ cam kết tài trợ lên tới 4 tỷ USD cho IDA, trong khi các quốc gia khác như Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Na Uy và Tây Ban Nha cũng tăng cường đóng góp tài chính đáng kể.

Trong diễn biến khác, WB cùng ngày đã công bố sáng kiến hợp tác với Chính phủ Côte d'Ivoire nhằm thúc đẩy đầu tư vào giáo dục thông qua cơ chế hoán đổi nợ. Đây là lần đầu tiên WB tham gia vào một giao dịch hoán đổi nợ lấy phát triển, đánh dấu một bước tiến mới trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển.

Theo thỏa thuận, Chính phủ Côte d'Ivoire sẽ mua lại một phần nợ thương mại của mình trị giá 400 triệu euro (423 triệu USD). Khoản nợ này vốn có mức lãi suất cao và phải trả trong 5 năm tới. Để mua lại khoản nợ cũ, chính phủ sẽ vay một khoản tiền mới từ các tổ chức tài chính với lãi suất thấp hơn và thời gian đáo hạn dài hơn.

Để giúp Côte d'Ivoire vay với các điều kiện ưu đãi này, WB sẽ cung cấp bảo lãnh một phần cho khoản vay. Bước đi này có thể giúp Côte d'Ivoire tiết kiệm được ít nhất 60 triệu euro, từ đó số tiền này sẽ được đầu tư vào nâng cấp hệ thống giáo dục của nước này.

Hoán đổi nợ lấy phát triển là một công cụ tài chính ngày càng được ưa chuộng, cho phép các quốc gia giảm bớt gánh nặng nợ và tập trung đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và bền vững của các giao dịch này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ các nước, các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển.

Linh Tô/TTXVN

Tin khác